Hủ tục đen 'thuốc thư, ma lai' khiến người bị đánh chết, kẻ bỏ làng biệt xứ

18/12/2017 13:35 GMT+7

Những trường hợp bị gán tội có 'thuốc thư' hay 'ma lai', người thì bị đánh chết, kẻ bỏ làng đi biệt xứ, bị ghẻ lạnh...

Các dân thiểu số định cư dọc dãy Trường Sơn luôn có sự lôi cuốn, huyền hoặc về phong vị văn hóa đặc trưng. Và hàm chứa trong nhiều cộng đồng làng còn có những hủ tục “đen” như lặn nước giải oan, ma lai, thuốc thư… từng khiến người làng lắm phen khổ ải.

Tất cả chỉ vì họ thiếu kiến thức về những sự vật, hiện tượng xảy ra, để rồi phải a dua, mang tội.

tin liên quan

Câu chuyện đằng sau gà 9 cựa ở Đarahoa
Chỉ là bức tượng gà trống 9 cựa khổng lồ được dựng giữa làng nhưng mang ý nghĩa sâu sắc về xóa bỏ hủ tục thách cưới của người K’ho ở một vùng đất nam Tây nguyên đầy nắng gió.

Bị nghi “ma lai”, ba người dắt nhau vào rừng sâu lánh nạn

Ông Đinh Krih ở xã Ya Ma, H.Kon Chro nhớ lại cảnh bị người làng hắt hủi, phải cùng hai người thân sống lay lắt trong rừng sâu suốt bốn năm trời mà người vẫn còn rúm lại hãi hùng: “Mình chẳng có vợ con gì, khi thằng Alếch (49 tuổi) em mình cưới vợ thì mình về ở luôn với vợ chồng nó. Khổ là em mình hễ uống vào, cái đầu nó như không phải là của mình nữa. Cứ nói lung tung. Có lần uống say nó nói mình có “ma lai”, “thuốc thư”. Người làng nghe vậy cũng tin nó luôn. Thằng Đinh Đuôl người trong làng đã từng tin như thế, tập hợp nhiều người kéo tới nhà đập phá tan hoang. Có người còn cầm dao tới đòi lấy mạng cả nhà. May mà chạy kịp”.

Cái “dớp” nhà Krih trót mang vì vạ miệng cứ như con suối mùa lũ lan nhanh trong cộng đồng. Trong làng có mấy người đổ bệnh, người chết. Vậy là người làng cứ thế đổ vấy cho nhà ông Krih. Họ xầm xì rằng sở dĩ làng không khấm khá lên được, luôn chẳng yên là do anh em nhà này có “ma lai”, “thuốc thư”.

Căn chòi cũ nơi anh em ông Krih, Alếch và cháu Danh sống tách biệt ở trong rừng Hình: Khánh Vinh

Hễ người làng gặp họ trên đường đều lánh đi bằng cách bỏ chạy theo hướng ngược lại, không làm rẫy sát nhau, không mời mọc nhau mỗi khi nhà có việc hay dịp làng có hội. Ngày hội cơm mới – một ngày hội lớn của người Bana, tiếng cồng chiêng rậm rựt cả đêm. Mọi người lâng lâng trong men rượu cần, trong từng điệu xoang thì gia đình nhà Krih chỉ biết lủi thủi trong căn nhà cũ rách của mình trong cơn buồn, cô đơn khủng khiếp. Cái án “ma lai” mà người làng gán vào treo lơ lửng trên đầu họ.

Năm 2010, khi người vợ của Alếch mất vì bạo bệnh, hai người đàn ông mang theo Đinh Thị Danh, con của Alếch bỏ nhà dắt díu nhau sang một làng xa của H.Kbang sinh sống, cách nơi họ ở gần cả trăm cây số. Cuộc mưu sinh thiếu tình cảm cộng đồng, thiếu nguồn sinh kế khiến ba con người quắt lại.

Suốt ngày chả ai nói với ai câu nào. Được một năm thì cả ba không chịu nổi với cuộc sống lạ, lại quay về. Nhưng lần này họ không dám về làng  mà định cư trong rừng sâu thuộc xã Đăk K’ning cách làng cũ hơn 60km.

tin liên quan

Viết tiếp cổ tích cho cậu bé sống 700 đêm cô quạnh giữa mộ bia
Không dừng lại ở việc lo cái ăn cái mặc cho Trần Quốc Lộc, cậu bé sống cô quạnh một mình hơn 700 đêm ở nhà, các tấm lòng hảo tâm gần xa thông qua báo Thanh Niên và nhiều kênh khác đã thực sự mang đến một cuộc sống đủ đầy và bền vững về mọi mặt cho em…
Người làng T’nùng 2 chung tay xây dựng căn nhà cho anh em ông Krih Ảnh: Trần Hiếu

“Chúng tôi đào củ dại, hái quả rừng sống qua ngày. Cứ mặt trời lên là cả ba người chui ra khỏi cái lán dựng trong lều đi kiếm ăn. Tắt nắng thì quay về. Đêm rừng lạnh, cả ba người co rúm lại. Nhiều đêm lạnh quá, ngủ không được. Áo quần không đủ mặc, rách nữa. May mà sau này đi lượm được cây mì, quả bắp còn sót lại trong rẫy của người ta nên mình nhân giống ra. Vậy là bớt đói”, Alếch kể

Họ kể rằng có lần nhớ làng quá, cả ba chuẩn bị lương thực, dắt díu nhau đi bộ hơn hai ngày để về thăm làng cũ. Nhưng rồi cái “án” mà người làng gán cho họ quá nặng, lại sợ mang tai hoạ nên họ đành nuốt nước mắt quay lại rừng.

Đại tá Lê Hoài Nam, Trưởng Công an H.Kon Chro cho biết: “Tháng 10.2015, chúng tôi nhận được tin báo về ba trường hợp sống như người rừng ở xã Đăk Kning. Trinh sát vào rừng sâu, tìm hơn 6 ngày mới gặp được họ. Chúng tôi đã vào vận động họ về làng, đồng thời tổ chức tuyên truyền cho người làng. Nói từ tối tới đêm khua, họ mới chịu hiểu”.

Ông Krih, cháu Danh vui mừng có nhà mới, được trở về làng sau 4 năm sống lay lắt ngoài rừng Ảnh: Trần Hiếu

Ngày anh em ông Krih, cháu Danh trở về, làng tổ chức ăn mừng. Nhìn cảnh người làng í ới gọi nhau góp lương thực, giúp dựng lại nhà, gùi ghè rượu đến uống, tự dưng nước mắt anh em ông Krih trào ra. Cháu Danh cũng được tạo điều kiện đến trường.

Làng náo động vì… “thuốc thư”

Một lần rồ dại, Kpăh Phu ở buôn Djet, xã Chư Ngọc, H. Krông Pa dùng rựa chém vào cầu thang của nhà mẹ Kpă Vaih trú cùng buôn. Hành động của Phu phạm vào điều tối kị, kiêng cữ của cộng đồng. Sự việc được đem ra họp giữa làng. Già làng phán: “Thằng Phu phải bị phạt hai con gà và một con heo, hai ghè rượu!”. Biết dại, Phu bấm bụng về nhà vác rượu, khiêng heo, bắt gà đến và hứa không tái phạm. Việc chỉ có vậy nếu không có sự ngẫu nhiên tai hại. Số là trong một lần nói chuyện với người làng, chị Nay H’Yêr, vợ của Phu bâng quơ: “Tháng 8.2015 người làng không phải đi làm nữa mà đến nhà Kpă Vaih có việc”.

Chẳng ngờ mới đến tháng 7.2015 Kpă Vaih bị xơ gan rồi chết. Song câu nói của chị H’Yêr như neo lại trong tâm thức của người trong buôn. Họ ngây thơ cho rằng cái chết của anh Vaih là do vợ chồng nhà H’Yêr có “thuốc thư”.

Một chiều muộn cuối tháng 8.2015, trong bữa rượu đám ma Kpă Vaih, Kpă Phu có cầm ly rượu mời Nay Loang (25 tuổi) và Nay Rim (47 tuổi) ở cùng buôn. Sẵn sự nghi kỵ nhà Phu có “ thuốc thư” từ trước, Loang không dám uống mà đổ chén rượu xuống đất. Vậy là hai bên xảy ra cự cãi. Trong lúc nóng giận, Phu trù ẻo: "Mày coi chừng chết đó!". Loang hỏi lại: "Anh đánh em à?". Phu chẳng nói gì, ngửa cổ uống cạn ly rượu, thủng thẳng bảo: “Tao không đánh mày nhưng mày sẽ chết!”.

Loang nghe vậy cứ nghĩ là nhà Phu có “thuốc thư” như lời đồn thổi của người làng. Tối hôm đó, Loang cùng một người trong làng rủ anh Phu ra gần sông Ba, cách làng không xa, bảo là kiếm rượu uống. Nhưng sự thật Loang đã sắp sẵn âm mưu đưa Phu tới chỗ chết. Khi cả ba vừa ngồi xuống vệ đường thì Loang cầm sẵn hòn đá lao vào đập vào đầu anh Phu liên tiếp khiến anh tử vong tại chỗ. Xong hành độngdã man của mình, Loang còn vứt xác anh Phu xuống sông Ba nhằm phi tang.

Bản án nặng về tội “giết người” hơn 15 năm tù giam dành cho Loang hẳn quá đủ để anh nhận ra “thuốc thư” chỉ là lời đồn. Song, mọi việc đã muộn!

Hơn tám năm trước, tại làng Đăk Jă, xã Đăk Jă, H. Mang Yang cũng xảy ra án mạng tang thương bởi lời đồn “thuốc thư”. Số là già làng H’ni già yếu, bệnh nặng rồi mất. Người làng không tin già làng bệnh mất mà nghi ngờ ông bị “thuốc thư”. Họ mời thầy cúng đến. Khi cổ con gà trống bị chặt đứt lìa, thầy cúng lầm rầm khấn rồi chẳng hiểu sao ông chỉ thẳng vào Duân (SN 1978), bảo là kẻ “thư” chết già làng. Người làng nghĩ: Vậy là việc đã rõ!


Làng Đăk Jă, H. Mang Yang bình yên sau tai họa từ hủ tục “đen” là “ma lai”, “thuốc thư”Ảnh: Trần Hiếu

Chả là trước đó, Duân cùng Kel (SN 1980) ăn chơi lêu lỏng, phá làng xóm bị già làng quở trách nhiều lần. Người làng nghĩ rằng do thù già H’ni nên hai đứa đã “thư” chết ông. Rồi chuyện đau lòng cũng đến. Một buổi tối trung tuần tháng ba, khi ánh trăng còn đang nhờ nhờ, hàng chục thanh niên đội mũ len kín mặt, dùng hung khí lao vào nhà đánh chết hai thanh niên trên và ông H’Nhiêu, bố của Kel. Chưa hả, đám thanh niên còn phá tan hoang nhà cửa của họ trước khi bỏ đi.

Chính quyền địa phương, dân làng trong một buổi đưa các đối tượng liên quan kích động hủ tục “đen” ra kiểm điểm Ảnh: Trần Hiếu

Hay cuối năm năm 2014, chỉ vì nghi ngờ ông Đinh Hi (61 tuổi), trú tại làng Quel, xã Sró, H. KonChro có “thuốc thư”, Đinh Điếch và Đinh Gên đã đánh chết ông Hi. Bọn họ phi tang xác ông ở một con suối cách làng không xa. Chỉ đến khi chị Blep, cháu ruột của ông Hi đi tìm và phát hiện xác của ông, vụ việc mới lộ ra.

Tài liệu tuyên truyền bằng tiếng Việt – Jrai – Bana nhằm tăng cường xóa bỏ hủ tục “ma lai”, “thuốc thư” Ảnh: Trần Hiếu

Theo tiếng Jrai, “ma lai”, “thuốc thư” lần lượt được gọi là “Rơhung tlai”, “Jrao deng”. Còn người Bana gọi “ma lai” cũng bằng chính cái tên này, và gọi "thuốc thư" là “Pơ gang den”. Người bản địa quan niệm rằng bên cạnh các đấng thần linh luôn đem lại điều tốt đẹp cho người dân, vẫn có những con ma rừng, quỷ dữ… làm hại buôn làng.  Họ cho rằng, “ma lai” là một thứ không có hình thù cố định, chuyên bay vào ban đêm ăn nội tạng của người hay súc vật, người nào có “con ma lai” sẽ làm ra “thuốc thư”. Người có “thuốc thư” (dạng như bùa, ngải…) thì có thể nguyền rủa, trù ếm, thông qua lời nói độc địa liên quan đến cái chết của người bị coi là nạn nhân

Tỉnh ủy và UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các đơn vị tổ chức biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền xóa bỏ cái gọi là “ma lai”, “thuốc thư” biên dịch thành tiếng Việt – Jrai – Bana để tổ chức tuyên truyền tại các buôn, làng.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.