Huấn luyện viên tay ngang

22/09/2011 08:27 GMT+7

Mặc dù chẳng học làm huấn luyện viên (HLV) ngày nào, nhưng ông Lê Văn Hữu (77 tuổi, ngụ ấp Hòa Thạnh, xã Định Hòa, H.Gò Quao, Kiên Giang) đã từng đưa đội đua thuyền nữ đoạt vô địch SEA Games; đồng thời dẫn dắt đội nữ xã Định Hòa thống trị môn đua thuyền, đua ghe ngo ở Việt Nam nhiều năm liền.

Ông Sáu (tên thường gọi của ông Lê Văn Hữu) là thương binh hạng 3/4 trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được đề cử làm phó, rồi trưởng Công an H.Gò Quao. Cuối những năm 70 của thế kỷ trước, ông nổi tiếng trung kiên, liêm khiết ở cương vị này do nhiều lần từ chối nhận vàng hối lộ để cho tàu của dân vượt biên trái phép thoát khỏi sông Cái Lớn ra Xẻo Rô vượt biển…

Giải nhất: một con chó!

Năm 1989, ông Sáu phải về hưu non do bệnh tật hành hạ. “Ở nhà riết buồn quá, tôi mới nghĩ sao mình không chơi thể thao để khỏe lại.  Thế là ngày qua ngày, tôi cứ lăng xăng rủ rê tốp trẻ gia nhập các đội bóng đá, bóng chuyền trong xóm ấp rồi thành lập thêm các đội đua ghe ngo nam - nữ với mong muốn giúp các em rèn luyện thân thể, giảm bớt rượu chè và chí thú làm ăn. Suốt ngày lo chạy tới chạy lui rủ rê lớp trẻ, tôi “trẻ” lại lúc nào không hay. Tôi ăn được, ngủ được và khỏi tốn tiền thang thuốc”, ông Sáu kể. 

 
Các VĐV thường xuyên tập luyện trên kênh Sáu Hữu - Ảnh:  H.C

Lời kể chỉ ngắn gọn vậy, nhưng kỳ thực muốn tập hợp thanh thiếu niên ở đây không dễ chút nào. Tập hợp được rồi, làm sao cho họ không chán nản bỏ luyện tập lại càng khó hơn. Một bữa, ông Sáu đang suy tính không biết lấy gì để mở một giải đấu cho hoành tráng, thì bất ngờ thấy con chó nhà ông nuôi chạy ngang qua. Ông chợt “à” lên một tiếng, rồi quyết định thông báo mở giải đua bơi vỏ lãi. Giải thưởng cho đội nhất cuộc đua là con chó nặng hơn chục kg; giải nhì là  5 kg cá tra ông nuôi dưới ao và giải ba là 2 thúng cam trồng sau nhà. Còn những vận động viên tham gia không đạt giải sẽ được ông Sáu đãi cho một bữa cháo vịt xiêm. Đây có lẽ là cách “treo giải” có một không hai trong làng thể thao cả nước.

Thế là hết giải đua bơi vỏ lãi, đua xuồng đến bóng chuyền, bóng đá, rồi dần dần  đến bơi ghe ngo, đua thuyền truyền thống…Mỗi lần ông Sáu mở giải, đám trẻ trong ấp đăng ký rần rần. Đến giờ, ông Sáu không còn nhớ rõ mình đã mở bao nhiêu giải đấu, tốn bao nhiêu con chó, cá tra, vịt xiêm “treo giải”. Nhưng có một kỷ niệm mà ông và nhiều người dân ở địa phương không thể nào quên, đó là lần đầu tiên ông đưa đội thuyền nữ Định Hòa đi thi đấu tại Sóc Trăng vào năm 2000. Xã không có kinh phí hỗ trợ, ông Sáu phải bán 2 chỉ vàng 24k làm lộ phí; đồng thời mang gạo, củi, mắm, muối theo nấu cơm ăn cho đỡ tốn. Đêm đến cả đội lăn ra ngủ bờ ngủ bụi… Vất vả như thế nhưng lần đó, đội thuyền của ông Sáu đoạt được 2 giải nhì, 3 giải ba.

Nhìn ông Sáu hướng dẫn toàn đội tập luyện thể lực, phối hợp chiến thuật, tăng tốc, đeo bám, về đích… rất bài bản, khó ai tin ông là HLV tay ngang. “Lúc đầu, thấy tụi trẻ ở đây làm lụng vất vả tối ngày mà không có sân chơi, thế là nghĩ cách hướng dẫn cho bơi vỏ, bơi xuồng, rồi dần bơi thuyền truyền thống, ghe ngo. VĐV tôi chọn tuổi đời từ 17 đến 35, chưa em nào lập gia đình và tất cả đều là nông dân, suốt ngày lo dặm lúa, cắt lúa mướn; học hành chẳng tới đâu, nhưng khi thi đấu là… số 1”, ông Sáu tự hào.

 
Ông Lê Văn Hữu nhận giải nhì đua ghe ngo 2010 - Ảnh: Hồng Cúc 

Huy chương đỏ ngực

Năm 2001, sau lần giành giải nhất cuộc đua thuyền khu vực ĐBSCL tổ chức tại Sóc Trăng, đội thuyền “vô danh” của ông Sáu nổi tiếng khắp vùng và ngay năm sau được ngành TDTT tỉnh Kiên Giang chọn đi dự  Đại hội TDTT toàn quốc ở Bình Thuận. Không ngờ tại lần thi đấu cấp quốc gia đầu tiên, đội thuyền nữ Định Hòa đã đoạt  2 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ. Tại giải đua thuyền toàn quốc 2003, đội giành tiếp 1 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ và được Ủy ban TDTT chọn tham dự SEA Games 22 tại Hà Nội. Tại một giải đấu cấp khu vực Đông Nam Á, một lần nữa đội thuyền của ông Sáu Hữu lập nên kỳ tích với 1 HCV và 1 HCB. Cứ thế, bộ sưu tập huy chương của đội thuyền Sáu Hữu ngày càng dày thêm. “Mỗi công việc đều có một cái hay riêng của nó. Hàng ngày tôi lo chăm sóc vườn cây, ao cá; đến đợt thi đấu thì hướng dẫn tụi nhỏ tập luyện vài ngày rồi cùng nhau đi cho vui”, ông Sáu tâm sự.

Mặc dù chỉ quan niệm là “chơi cho vui”, nhưng ở xã Định Hòa này, ông Sáu Hữu được bà con hết sức quý trọng. Người ta lấy tên ông đặt tên con kênh xáng nằm vắt ngang chợ Cà Nhung. Thậm chí, để đánh dấu sự kiện xã có trạm biến thế mới nối đường điện từ huyện vào, người ta cũng đặt tên là trạm Sáu Hữu. Trên con đường dẫn về ấp Hòa Thạnh cũng có hai trạm biến điện Sáu Hữu 1 và Sáu Hữu 2. Cây cầu bắc qua kênh Rừng Cấm trước nhà ông cũng mang tên Sáu Hữu…  

Hồng Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.