Hung hăng ở Biển Đông, Trung Quốc chỉ có thiệt

04/07/2015 18:02 GMT+7

(TNO) Gây sức ép lên các nước ASEAN và hung hăng trên Biển Đông, Trung Quốc chỉ có thiệt, nhất là về lợi ích kinh tế. Đó là nhận định của một bài báo đăng trên Straits Times (Singapore) ngày 4.7.

(TNO) Gây sức ép lên các nước ASEAN và hung hăng trên Biển Đông, Trung Quốc chỉ có thiệt, nhất là về lợi ích kinh tế. Đó là nhận định của một bài báo đăng trên Straits Times (Singapore) ngày 4.7.

Sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông chỉ khiến ASEAN nghiêng về Mỹ, Nhật Bản, theo báo Straits Times. Trong ảnh: Máy bay P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ làm ngơ trước các lần cảnh báo xua đuổi hung hăng của hải quân Trung Quốc ngày 20.5.2015 khi bay tuần gần các đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: CSIS/Reuters
Dưới nhan đề "Trung Quốc đang đánh mất ASEAN như thế nào" của tác giả Ravi Velloor, bài báo bắt đầu bằng câu chuyện của cựu Bộ trưởng Nội vụ Philippines, ông Rafael Alunan. dưới thời Tổng thống Fidel Ramos vào những năm đầu của thập niên 1990 khi Trung Quốc tiến vào Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ông Alunan nói rằng ngay từ lúc đó Trung Quốc đã tính đến chuyện xây đảo nhân tạo phi pháp. “Vào một buổi sáng khi chúng tôi thức dậy, có cảm giác ‘rờn rợn’ ở phía sau lưng. Chúng tôi gặp người Trung Quốc và họ nói với chúng tôi rằng họ đến bãi đá đó để xây dựng vài công trình tạm cho ngư dân. Ngày ấy chúng tôi đã rất lo điều đó trở thành hiện thực. Bây giờ thì có cả công trình quân sự đầy đủ trên đó”, ông Alunan nhớ lại.
Raffy, tên thường gọi của ông ở Philippines, vừa mới đưa lên mạng Youtube một đoạn video clip, trong đó ông gọi Trung Quốc là ‘kẻ giả tạo’ và ‘nhà nước thất bại’ đang đối mặt với vấn nạn tham nhũng, nợ xấu, suy giảm kinh tế và bất ổn xã hội ở trong nước.
Sự trỗi dậy của ASEAN
Philippines là một trong những nước ASEAN có phản ứng mạnh mẽ nhất đối với sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Những nước khác cũng đã có những tín hiệu mới. Hồi năm 2013 khi Manila kiện Bắc Kinh ra tòa án trọng tài quốc tế về tranh chấp ở Biển Đông, nhiều nước ASEAN ngờ vực nhưng về sau họ đã thay đổi. Đơn cử như Malaysia ngày càng mạnh dạn và công khai lên tiếng phản đối Trung Quốc sau nhiều năm ‘im lặng’ với Bắc Kinh.
Thủ tướng Malaysia, Najib Razak nồng nhiệt chào đón Giả Khánh Lâm, người có quyền lực thứ 4 trong Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc trong buổi khánh thành khu công nghiệp Kuantan Malaysia - Trung Quốc hồi năm 2013. Nhưng đến tháng 4.2015, Thủ tướng Malaysia đã thay đổi khi bày tỏ ‘quan ngại sâu sắc’ trước việc xây dựng, cải tạo đất phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông. Và chỉ vài tuần sau đó, ông bay sang Tokyo để nâng tầm quan hệ với Nhật thành đối tác chiến lược.
Hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Mai Thanh Hải
Indonesia không có tranh chấp ở Biển Đông, nhưng "đường lưỡi bò" phi pháp của Bắc Kinh vươn đến tận bờ biển của Indonesia, quốc gia có diện tích lớn nhất Đông Nam Á. Đã thế, một tướng cao cấp của quân đội Trung Quốc còn dọa "Jakarta đang ngồi trên diện tích 50.000 km2 vùng biển của chúng ta”, theo Straits Times.
Ngay cả Việt Nam, tờ báo của Singapore cũng nhận định là nước ASEAN có mối liên hệ lịch sử, chính trị gần gũi nhất với Trung Quốc, cũng đang chuyển hướng sang Ấn Độ và Mỹ, và đã ký kết thỏa thuận quốc phòng với 2 nước này.
Trong tuần này, trong số 57 nước tham gia ký kết thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, có 3 nước ASEAN gồm Philippines, Malaysia và Thái Lan là không tham gia.
Mất thị trường lớn từ ASEAN vì quá hung hăng
Straits Times cho rằng Trung Quốc đang mất dần tầm ảnh hưởng của mình ở ASEAN trong khi Mỹ và Nhật đang ngày càng gắn kết với khu vực này. Thông qua việc can thiệp vào vấn đề Biển Đông, Mỹ từ nước ‘can thiệp giới hạn’ chuyển sang nước có vai trò tích cực ở Biển Đông, và Biển Đông trở thành ‘lá chắn tự nhiên’ cho sự can thiệp này của Mỹ. Nhật cũng theo chân đồng minh vào Biển Đông, dù chuyện ở biển Hoa Đông với Trung Quốc và Hàn Quốc cũng lắm rối rắm.
Theo Straits Times, đang hiện diện "chiến tranh lạnh" ở cửa nhà của ASEAN, hàm ý muốn nói đến vấn đề giựa ASEAN và Trung Quốc. Tờ báo nói rằng Trung Quốc đang phá hỏng tiếng tăm của mình khi kiên quyết từ chối dùng luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, trái ngược với việc họ tận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp ở Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để làm lợi cho mình.
“Bắc Kinh nên nhớ rằng khi Trung Quốc nắm động lực tăng trưởng của toàn cầu thì sự phụ thuộc này chỉ có ý nghĩa một chiều. Thế nhưng khi kinh tế suy giảm, Trung Quốc sẽ mất đi sự vênh váo của mình”, bài báo đưa ra nhận xét.
Từ nhận định trên, Straits Times đưa ra kết luận rằng sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ đẩy ASEAN ra xa Trung Quốc, hay nói cách khác là đưa ASEAN đến gần với Mỹ, Nhật hơn; và điều đó chỉ gây thiệt cho Bắc Kinh. Bởi ASEAN là khách hàng lớn, mua nhiều hàng hoá từ Trung Quốc hơn so với chiều ngược lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.