Hướng đi nào cho đạo diễn trẻ ?

13/03/2008 00:02 GMT+7

Không phải đợi đến khi Nguyễn Quang Dũng "đăng quang" tại giải Cánh diều năm 2007, các đạo diễn trẻ trước đó đã nỗ lực làm việc và từng bước khẳng định vị trí trong nền điện ảnh nước nhà.

Lựa chọn của mỗi người

3 năm làm phim, đạo diễn trẻ Lê Bảo Trung nay được gắn với cái tên thân mật "đạo diễn bạc tỉ". Sở dĩ có cái tên này là vì với Đẻ mướn, Võ lâm truyền kỳ và Phát tài, anh đã mang về tiền tỉ cho nhà sản xuất Phước Sang. Dĩ nhiên, về mặt chuyên môn, có thể còn điều này điều nọ để bàn cãi. Nhưng trước nhất, phim làm ra thu hồi vốn, có lời, có khán giả đã là một thành công đủ để động viên nhà sản xuất bỏ tiền để tiếp tục làm phim. Không chỉ theo đuổi "dòng phim giải trí thương hiệu Phước Sang", đạo diễn trẻ này cho biết vẫn đang tìm kiếm một cơ hội để làm một bộ phim thể hiện hết những khao khát nghệ thuật


Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng - Ảnh do nhân vật cung cấp


Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - Ảnh: V.N

mà anh ấp ủ.

Chung đường với Lê Bảo Trung, Nguyễn Quang Dũng sau khi gây "sốc" với Hồn Trương Ba, da hàng thịt, đã làm một cú đúp ngoạn mục khi chiến thắng ở cả doanh thu phòng vé (hơn 16 tỉ đồng) lẫn giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2007 với Cánh diều bạc cho phim Nụ hôn thần chết và giành luôn giải Biên kịch xuất sắc nhất cho cá nhân, sánh vai cùng đạo diễn kỳ cựu Nguyễn Thanh Vân.

Sự lựa chọn của Đào Duy Phúc và Bùi Tuấn Dũng thì khác Lê Bảo Trung, Nguyễn Quang Dũng. Khởi đầu với Chiến dịch trái tim bên phải, sau đó, gây ấn tượng với Hai trong một rồi đột ngột quay lưng với dòng phim giải trí chiếu Tết, Đào Duy Phúc làm Sinh mệnh rồi sau đó góp mặt tại giải Cánh diều năm 2007 với Hoài vũ trắng - cả hai đều là phim nhà nước. Hoài vũ trắng không đoạt giải nhưng được đánh giá là "sạch, đẹp, chỉn chu". Trong khi đó, Bùi Tuấn Dũng bắt đầu với Đường thư nhận nhiều tình cảm của báo giới, chuyển sang Vũ điệu tử thần và với chi phí thực hiện phim còm cõi đã đem lại ngạc nhiên thú vị cho khán giả. Đồng thời, anh còn là đạo diễn phía Việt Nam thực hiện Hà Nội - Hà Nội giành nhiều giải thưởng tại LHP quốc gia và giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2006.

Khác với cả con đường "theo tư nhân" và "theo nhà nước", âm thầm lặng lẽ hơn những người "đồng nghiệp bạc tỉ" của mình, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cần mẫn với Trung tâm phát triển tài năng điện ảnh Việt Nam bằng nguồn kinh phí do Quỹ Ford tài trợ. Nhiều lớp học dành cho sinh viên, học sinh yêu thích điện ảnh đã ra đời và tiếp tục phát triển, mang lại cho điện ảnh Việt Nam hàng loạt những người làm nghề đủ tri thức trong tương lai. Đó cũng là cách anh cùng những đồng nghiệp tương lai ra "biển lớn". Hiện tại, Bùi Thạc Chuyên đang khởi động dự án phim Chơi vơi, bộ phim được xem là tác phẩm điện ảnh đầu tiên về đồng tính nữ ở Việt Nam. Với tóm tắt kịch bản được chính anh công bố trên blog cá nhân, những người hâm mộ điện ảnh đang chờ đợi một "cú sốc" khác của đạo diễn trẻ này sau Sống trong sợ hãi chiếm được nhiều cảm tình của giới chuyên môn.

Nỗi niềm người đoạt giải

Khoan nói đến việc đưa phim ra ngoài biên giới Việt Nam và mơ giấc mơ đẹp tại Nhà hát Kodak (Mỹ) hay một đêm nước Pháp tuyệt vời tại Cannes, ước mơ làm được những bộ phim theo ý mình mong muốn, được "làm nghề cho đã" mà không vấp phải cản ngại nào đã là một thách thức  với các đạo diễn trẻ.

Sau lễ trao giải Cánh diều năm 2007, khi nghe lời chúc mừng, đạo diễn trẻ Nguyễn Quang Dũng đầy suy tư: "Không biết nên mừng hay nên lo nữa". Bên lề cuộc gặp của những người tổ chức dự án Asian Pitch (dự án tài trợ thực hiện phim tài liệu về đời sống châu Á do 3 đài truyền hình NHK, KBS và Media Corp hợp tác tổ chức), Dũng trầm tư: "Tôi muốn phim sau của mình phải hay hơn phim trước". Đó không chỉ là nỗi lo của Dũng mà còn là sự kỳ vọng của khán giả với các đạo diễn trẻ. Làm phim "nhà nước" thì không dễ được giao phim, làm phim tư nhân thì buộc phải "chạy theo" thị hiếu thẩm mỹ của nhà sản xuất. Không ít đạo diễn trẻ băn khoăn trước hai con đường mà đường nào cũng khó đi. Bên cạnh đó, làm phim trong điều kiện yếu kém của điện ảnh Việt Nam - thiếu thốn cả nhân sự chuyên nghiệp lẫn thiết bị kỹ thuật - cũng là những cản ngại không nhỏ cho đạo diễn trẻ trên đường tìm kiếm một bộ phim làm "thẻ tín dụng" cho tên tuổi mình khi ra xứ người.

Để có thể đi xa hơn biên giới nước mình, các đạo diễn trẻ vẫn còn quá nhiều việc để làm. Trình độ ngoại ngữ để bù đắp những thiếu thốn kiến thức chuyên môn của nhà trường và cũng để tìm kiếm những nguồn tài chính đầu tư cho phim từ nước ngoài. Chuyên môn cần được trau dồi liên tục. Một đam mê nghề nghiệp cháy bỏng đủ để sống hết mình với nghề là những điều kiện quan trọng để các đạo diễn trẻ có thể thực hiện được những bộ phim có phạm vi rộng hơn một giải thưởng trong nước và tuổi thọ dài hơn một mùa Tết.

Vinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.