Hướng mọi hoạt động văn hóa vào xây dựng người Việt Nam toàn diện

08/05/2009 15:39 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 với các nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng con người toàn diện; xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc; phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo, tín ngưỡng...

Xây dựng con người toàn diện là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng thường xuyên, vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài
 
Mục tiêu trọng tâm của Chiến lược là hướng mọi hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo; tuân thủ pháp luật; có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, lối sống văn hóa... Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, đi đôi với việc tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc, bắt kịp sự phát triển của thời đại. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa, coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững...

 Ngày nay, người ta đã nói nhiều đến công nghiệp điện ảnh, nghe nhìn; công nghiệp phát thanh, truyền hình; công nghiệp vui chơi giải trí... Phát triển công nghiệp văn hóa cũng đang là xu thế lớn và quan trọng trong chính sách văn hóa của các nước trên thế giới. Đề án phát triển "công nghiệp văn hóa" Việt Nam sẽ được xây dựng và tổ chức thực hiện trong giai đoạn từ nay đến 2015.


Chiến lược cũng đưa ra định hướng phát triển các chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật gồm: Nghệ thuật biểu diễn; điện ảnh; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm; thư viện; bảo tàng, di tích và văn hóa phi vật thể; văn hóa cơ sở; nghiên cứu khoa học về văn hóa, nghệ thuật; quyền tác giả và quyền liên quan.

Việc thực hiện Chiến lược được chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn đến năm 2015, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển văn hóa, ban hành Luật Quảng cáo; Luật Thư viện; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa, Luật Sở hữu trí tuệ; Pháp lệnh Nghệ thuật biểu diễn và Pháp lệnh Mỹ thuật - Nhiếp ảnh.

Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, gồm: Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc, xây dựng và phát triển đời sống văn hóa cơ sở và hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách nâng cao hưởng thụ và hoạt động văn hóa của nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Cũng trong giai đoạn này sẽ tiến hành quy hoạch phát triển các ngành Điện ảnh, Mỹ thuật, Triển lãm, quy hoạch xây dựng tượng đài, các khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em và hệ thống các trường đào tạo về văn hóa, nghệ thuật. 
 

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc là nhiệm vụ then chốt của Chiến lược phát triển văn hóa - Ảnh múa rối nước

Từ nay đến năm 2015 sẽ thiết lập một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài; hoàn thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Hội trợ triển lãm quốc gia, Bảo tàng lịch sử quốc gia, Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam...

Giai đoạn đến năm 2020, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển văn hóa một cách đồng bộ, tiên tiến; nâng cao trình độ và chất lượng đào tạo văn hóa, nghệ thuật ngang tầm khu vực. Các dự án lớn như Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, Bảo tàng Khoa học - Công nghệ, Trường quay điện ảnh Cổ Loa, Khu lưu trữ hình ảnh động quốc gia, Nhà hát đa năng quy mô lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác cũng sẽ được thực hiện trong giai đoạn này.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.