Hương Sơn 'thủ phủ' nuôi hươu

Phạm Đức
Phạm Đức
31/01/2020 13:20 GMT+7

Người dân ở các huyện Hương Khê, Hương Sơn (Hà Tĩnh) từ lâu thuần hóa được loài hươu sao để nhân giống, nuôi lấy lộc nhung. Việc bán con giống và sản phẩm từ nhung hươu giúp người dân nơi đây thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.

Mặc dù là động vật được quản lý trong danh mục động vật rừng thông thường, nhưng từ lâu, với người dân miền núi Hà Tĩnh, con hươu sao đã trở thành vật nuôi được thuần hóa. Hiện, nuôi hươu trở thành một nghề giúp người dân thoát nghèo bền vững và làm giàu ở Hà Tĩnh.

Thay đổi tập tính loài hươu

Nghề nuôi hươu sao đối với người dân ở xã Hương Thủy (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) không còn gì lạ lẫm, nhưng nhìn cách lão nông Phạm Quang Hùng (57 tuổi, ngụ thôn 2) đứng cạnh bên đàn hươu đưa tay vuốt ve, cho ăn như những thú cưng trong nhà, khiến tôi rất thích thú. Bởi thực tế, loài hươu vốn nhút nhát, sợ người.
Ông Hùng kể, năm 2010, ông mới bắt đầu mở trang trại và mua 10 con hươu giống về nuôi. Khó khăn lớn nhất lúc đó là mỗi lần hươu mắc bệnh, ông phải huy động nhiều người hỗ trợ để tiếp cận, bắt hươu để điều trị, nhưng vô cùng khó khăn, vì con hươu rất nhanh nhẹn và rất sợ người. Thêm vào đó, trong quá trình nuôi, ông chỉ cho chúng ăn các lá cây tận dụng quanh vùng như cỏ voi, mít, xoan… nên hươu bị chậm phát triển.
“Tìm hiểu, tôi mới biết trong khẩu phần ăn hàng ngày của hươu, ngoài thức ăn lá cỏ, tinh bột thì cần bổ sung khoáng chất. Được những người có kinh nghiệm nuôi hươu chỉ dẫn, tôi đã cho chúng ăn thêm muối. Muối không những giúp đàn hươu phát triển tốt, mà nhờ đó, con hươu cũng dần thay đổi tập tính, “dạn người” hơn”, ông Hùng nói.
Để đàn hươu thân thiện với người, ông Hùng không cho đàn hươu ăn muối thường xuyên, mà chỉ cho chúng ăn cách nhật, ngày có ngày không. Ngày nào cho hươu ăn, ông để thức ăn có muối ở gần với vị trí mình đứng để dụ chúng đến. Đàn hươu trước vẫn tránh người, nhưng sau nhiều ngày không được ăn muối đã lân la đến gần người để ăn thức ăn có muối.
Thực hiện cách này trong 2 năm trời, ông Hùng đã dễ gần đàn hươu hơn. Việc nuôi hươu nhờ vậy không còn vất vả như trước. Sau 9 năm, trang trại nuôi hươu của ông đã tăng lên 61 con. Hàng năm, chỉ riêng tiền bán lộc nhung, ông Hùng đã thu được hơn 100 triệu đồng.

“Thủ phủ” nuôi hươu

Huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) lâu nay được người dân khắp nơi biết đến là “thủ phủ” nuôi hươu sao. Từ thế kỷ 18, người dân nơi đây đã thuần hóa được hươu sao để nuôi lấy lộc. Nhưng kể từ năm 1990 trở đi, hươu mới được nuôi phổ biến, nhanh chóng trở thành một trong những vật nuôi chủ lực, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Hiện tại, nghề nuôi hươu đã phủ toàn bộ 32/32 xã, thị trấn của địa phương này. Những xã ở huyện này có nhiều hộ nuôi hươu nhất và tổng đàn từ 2.000 con trở lên phải kể đến là Sơn Quang, Sơn Trung và Sơn Ninh.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Sơn Quang, cho hay kể từ khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận thương hiệu (năm 2008) và chỉ dẫn địa lý (năm 2019) cho hươu giống và các sản phẩn từ nhung hươu Hương Sơn, người dân mới có đầu ra ổn định, giá bán cũng tăng lên theo từng năm. Xã hiện có 580/738 hộ dân nuôi hươu với 2.500 con, trung bình mỗi hộ nuôi từ 5 - 10 con.
“Loài hươu sao chỉ có con đực mới có sừng. Lộc nhung chính là sừng non của nó. Mùa cắt nhung từ tháng 1 - 6 âm lịch hàng năm. Mỗi cặp nhung có trọng lượng từ 0,6 - 2 kg giá bán từ 10 - 12 triệu đồng/kg. Còn con giống được bán với giá 15 triệu đồng/con đực và 7 - 8 triệu đồng/con cái. Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2019, người dân trong xã bán được 1,2 tấn nhung và xuất được 600 hươu giống, thu về hơn 13 tỉ đồng. Cá biệt, có hộ mùa vừa rồi thu hơn 200 triệu đồng”, ông Lĩnh nói.
Theo bà Uông Thị Kim Yến, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hương Sơn, nghề nuôi hươu sao những năm gần đây liên tiếp được mùa, thương lái trong và ngoài tỉnh tìm đến mua lộc nhung và con giống với giá thành cao, giúp hàng nghìn hộ dân khó khăn thoát nghèo vươn lên làm giàu. Trong năm 2019, tổng đàn hươu trên toàn huyện là gần 35.000 con, mang về nguồn thu khoảng 250 tỉ đồng từ tiền bán nhung và con giống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.