Hướng về miền Trung: Nghẽn hàng cứu trợ đến vùng lũ

Trương Quang Nam
Trương Quang Nam
22/10/2020 08:16 GMT+7

Ở vùng tâm lũ Quảng Bình , lượng lớn hàng hóa đã cấp tập chuyển về cứu trợ, nhưng vì nhiều lý do nên vẫn đang bị tắc nghẽn, dồn ứ hoặc phân phối chưa đều...

Nơi dồn ứ, nơi cầu cứu

Hôm qua 21.10, nhiều tài khoản tham gia fanpage “Lệ Thủy quê miềng” đã đăng tải các nội dung kêu gọi cứu trợ gấp. Một người tiết lộ có 2 người lớn, 1 trẻ em ở sau lưng kho A39 (thôn Phan Xá, xã Xuân Thủy) rơi vào tình cảnh “hiện tại không có áo quần mặc và lương thực để ăn, nước ngập gần mái nhà”.

Phận người trong những túp lều bên nghĩa địa giữa lũ lịch sử ở Quảng Bình

Anh Trương Thoại (ở thôn Mỹ Hà, xã Mỹ Thủy, H.Lệ Thủy) cũng lên mạng xã hội cho hay người dân ngập lụt ở thôn Mỹ Hà vẫn đang bị cô lập, các đoàn cứu trợ vẫn chưa tiếp cận được…
Trong khi đó, hàng cứu trợ lại bị dồn ứ tại khu vực ngã ba Cam Liên (xã Cam Thủy), chợ Mai (xã Hưng Thủy), chợ Động (xã Mai Thủy) và một số điểm nhỏ lẻ khác. Các “điểm cầu” này nằm ở cửa ngõ hướng đông và hướng tây để vào vùng tâm lũ Lệ Thủy.

Giám sát việc vận động quyên góp

Tối qua (21.10), Văn phòng Chính phủ đã phát đi chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến việc quyên góp, vận động hỗ trợ người dân vùng lũ miền Trung.
Để công tác vận động quyên góp và hỗ trợ đúng quy định và thiết thực, Thủ tướng yêu cầu T.Ư Hội Chữ thập đỏ VN và các bộ, ngành, địa phương tổ chức, giám sát việc vận động quyên góp hỗ trợ, bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị định số 64 năm 2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban T.Ư MTTQ VN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để chỉ đạo, giám sát việc quyên góp, vận động hỗ trợ theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi trong vận động, quyên góp hỗ trợ.
Chí Hiếu
Từ ngày 19.10, nhiều cá nhân, tổ chức bắt đầu mang hàng hóa tìm cách tiếp cận vùng tâm lũ. Do quá nhiều chuyến hàng cùng đổ về, cửa ngõ này lâm cảnh tắc nghẽn. Chưa kể, mực nước lũ quá lớn càng khiến lực lượng cứu trợ phải tìm được phương tiện (thuyền, xuồng) phù hợp để di chuyển. Nhiều người đã tính phương án thuê tàu đánh cá của ngư dân ở TP.Đồng Hới.

Khốn khổ nhịn đói suốt 3 ngày trong cơn lũ lịch sử ở Quảng Bình

Hôm qua 21.10, đoàn của chị Nguyễn Thị Thảo (ở P.Phú Hải, TP.Đồng Hới) phải mất 6 tiếng đồng hồ mới đến được rìa xã Mỹ Thủy, trong khi bình thường quãng đường này chỉ mất tầm 40 phút. “Nhưng chạy từ Đồng Hới lên theo đường tránh lũ, đến khu vực ngã ba Cam Liên thì tắc nghẽn. Cả đoàn xe dài và không tìm được thuyền để đi. Chúng tôi di chuyển vô chợ Mai, đợi mãi cũng không có thuyền dù đã kết nối trước với người có thuyền. Thế là phải… chạy vòng vào tận Quảng Trị, xuyên qua đường rừng, đến nơi có đò để trung chuyển hàng vào”, chị Thảo nói.
Vì sao có sự chậm trễ như vậy? Qua tìm hiểu, các phương tiện chuyên dụng của tỉnh Quảng Bình đang ưu tiên cứu người dân đang mắc kẹt. Vì thế, dù hàng cứu trợ đã tập kết, vẫn không đến được tay người dân hoặc đến chậm.

Một điểm tập kết hàng cứu trợ ở TX.Ba Đồn, Quảng Bình sáng 21.10

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Những căn nhà phao "thách thức" lũ lịch sử ở Quảng Bình: Nổi lên theo con nước

Trục trặc ở khâu tiếp nhận

Cũng vào hôm qua, QL1 đoạn qua ngã ba Cam Liên đã thông đường và càng có thêm nhiều đoàn cứu trợ đổ về để tìm cách vào vùng lũ. Hàng hóa càng bị dồn ứ.
Một thành viên nữ của đoàn cứu trợ (quê ở TP.Đồng Hới, Quảng Bình) than phiền là nhóm cũng không tìm ra thuyền, liên hệ cán bộ các xã cũng nhận được câu trả lời “không có thuyền”, sau phải gửi nhờ thuyền của một đoàn quen. “Lẽ ra chính quyền địa phương nên có người tiếp nhận hàng ở những nơi này và có thuyền đưa hàng vào cho người dân”, chị nói.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, 2 ngày vừa qua, H.Lệ Thủy đã thành lập tổ tiếp nhận hàng ngay tại khu vực đường tránh lũ rẽ vào trung tâm huyện. Tuy nhiên, tổ này mới chỉ “ưu tiên” tiếp nhận hàng từ tỉnh và trung ương, chưa tiếp nhận hàng của các đoàn tự do đổ về. Theo một thành viên trong tổ, dù đã bố trí người tiếp nhận và có lực lượng điều tiết giao thông, hướng dẫn các xe hàng to nên dừng ở ngoài và chuyển hàng lại cho tổ, nhưng không phải đoàn cứu trợ nào cũng đồng ý.
Nghẽn hàng cứu trợ đến vùng lũ

Rất đông người dân H.Quảng Ninh, H.Lệ Thủy đứng trên đường tránh lũ QL1 chờ hàng cứu trợ

Ảnh: Trương Quang Nam

Trở ngại do cứu trợ tự phát ?

Sáng qua 21.10, một đoàn từ Hà Nam vào đã dừng ô tô phát hàng cho người dân ngay ven đường ở xã Võ Ninh (H.Quảng Ninh, Quảng Bình). Đoàn này định chuyển hàng cứu trợ vào tận Quảng Trị, nhưng nghe nói tắc đường nên dừng lại và phát hàng luôn (!).
Một người dân ở H.Quảng Ninh gửi hình ảnh chiếc thuyền máy khá đơn giản nhưng dài, rộng cho PV Thanh Niên và nói thêm: “Ước gì mỗi huyện có được 5 chiếc thuyền như này. Ở miền Tây, mỗi nhà thường có 2 - 3 chiếc”. Theo anh, Quảng Bình là một trong số các tỉnh miền Trung thường xuyên hứng chịu lũ bão, nên việc chuẩn bị phương tiện và sẵn sàng cho các tình huống sẽ không bao giờ thừa.

Bữa ăn tối tăm sau 1 tuần không cơm ăn trong vùng lũ Quảng Bình

Ngày 20.10, PV Thanh Niên đến UBND xã Mỹ Thủy và Công an xã Mỹ Thủy để đề xuất địa phương hỗ trợ thuyền máy, nhưng không tìm thấy bất cứ phương tiện nào. Theo ghi nhận nhiều ngày qua, gần như cấp cơ sở ở Quảng Bình bị quá tải. Nhân lực và phương tiện của cấp xã rất thiếu, vì thế đặt ra vấn đề về vai trò điều phối và huy động của địa phương.
Nghẽn hàng cứu trợ đến vùng lũ

Nhiều xe cứu trợ cùng đổ về khu vực ngã ba Cam Liên, H.Lệ Thủy để tìm cách đưa hàng vào vùng lũ

ảnh: Trương Quang Nam

Như vậy, mấu chốt nằm ở khâu không có phương tiện trung chuyển. Vậy tại sao các cá nhân, tổ chức không kết nối với chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng?
Trả lời Thanh Niên, bà Phạm Thị Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Quảng Bình, cho hay những ngày qua một số đơn vị cứu trợ thông qua cơ quan điều phối của tỉnh đều được phân bổ kịp thời về cho người dân. Tiếp nhận lượng hàng nào thì phân bổ ngay.
“Nhưng cũng có nhiều đoàn tự phát, đi trực tiếp không thông qua mặt trận và các cơ quan khác, chúng tôi không quản lý được. Việc đó tỉnh cũng đã nhận định thấy từ rất sớm rồi. Nói chung tinh thần, tình cảm của họ thì mình trân quý, ghi nhận; ai cũng muốn kêu gọi, cũng muốn tiếp cận người dân vùng lũ cả”, bà Hân nói.
Không ngăn cản, không có mối liên hệ để kết nối, nên chuyện hàng hóa dồn ứ đã xảy ra. Bà Hân cho hay ngay cả cơ quan MTTQ VN tỉnh Quảng Bình sau khi cứu hộ thì chuyển sang cứu trợ, nhưng điều kiện mưa lũ lớn nên phương tiện thuyền bè cũng rất khó, huống hồ các đơn vị khác. “Vì không tiếp cận được chỗ ngập, chỗ sâu, chỗ xa nên các đơn vị (nhóm cứu trợ - PV) cứ tập trung ngay chỗ ngoài. Vì thế, có người nhận được 5 - 7 lượt, có người hàng chưa đến tay”, bà Hân nói thêm.
Bà Hân cũng khẳng định thông tin tiếp nhận ủng hộ bão lụt đã được đăng tải trên trang thông điện tử UBND tỉnh, Sở TT-TT, website của Ủy ban MTTQ VN tỉnh Quảng Bình và đang kết nối với một số cơ quan báo chí. Tuy nhiên, theo thăm dò của Thanh Niên từ nhiều đoàn cứu trợ đang có mặt tại Quảng Bình, kết quả thật bất ngờ khi… không mấy người biết địa chỉ, số điện thoại cần thiết để liên lạc. Thậm chí, nhiều nhóm chỉ suy nghĩ đơn giản rằng cứ vận động, quyên góp hàng rồi mang đến vùng đó trao phát cho người dân là được.
Các nhóm cứu trợ tự do đã thấm nỗi vất vả khi không dự lường tình huống “kẹt đường thủy”, và họ sẽ phải thay đổi phương thức. Nhưng với cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ ở Quảng Bình, đã đến lúc phải tìm cách “kết nối” thông suốt, hiệu quả hơn để các chuyến hàng cứu trợ không bị nghẽn.

Bão số 8 có thể vào Hà Tĩnh - Quảng Trị trong 2 ngày tới, gió vẫn giật cấp 15

Cần giúp đỡ công cụ học tập, sách vở...

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (H.Quảng Ninh) cũng vừa kêu gọi: “Học trò của chúng ta sẽ rất khó khăn để mua sắm lại dụng cụ học tập và phương tiện đến trường. Nay, chúng tôi xin kêu gọi các bạn vận động người thân, bạn bè, học trò cũ ở những nơi có điều kiện thuận lợi, hỗ trợ áo quần, cặp, sách giáo khoa, vở, phương tiện đi học và tiền mặt giúp các em được trở lại trường”.
Theo thống kê sơ bộ, Quảng Bình có đến 334 trường bị ngập lụt. Đến chiều qua, ông Nguyễn Văn Thông, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT, cho biết đơn vị vẫn chưa kịp thống kê mức độ thiệt hại và nhu cầu hỗ trợ về sách vở cho học sinh, vì ngập lụt vẫn đang rất nghiêm trọng.
Ngoài ra, chủng loại hàng cứu trợ cũng đang được nhiều người đặt ra lúc này đối với đồng bào vùng tâm lũ Quảng Bình. Một số người có kinh nghiệm trong cứu trợ cũng vừa lên tiếng tư vấn “nên tặng quà gì”. Họ liệt kê các thứ cần kíp: nước uống; bánh chưng, bánh tét (có thể dự trữ vài ngày); lương khô, thịt hộp; bột ngũ cốc và đường; dầu gió, các loại thuốc chữa đau bụng, đau đầu, cảm sốt; chăn, áo quần; các loại đèn, cục sạc dự phòng pin điện thoại… Thậm chí, cần một đội thợ sửa chữa xe máy.

Trường học ngổn ngang trong lũ lịch sử: Nước chưa rút đã dọn dẹp đón học sinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.