Nhà hàng Việt Nam ở Bangkok không phải là hiếm, từ những nhà hàng sang trọng đến những quầy đồ ăn Việt Nam ở khu ăn uống của các trung tâm thương mại. Người Việt xa xứ lâu ngày thỉnh thoảng lại đến những nơi này với hy vọng lưu giữ lại chút hương vị quê hương trong tâm trí. Tuy hương vị không hoàn toàn giống như ở quê nhà nhưng như vậy cũng đủ để người Việt vơi đi nỗi nhớ quê hương.
Nhưng chợ người Việt ở khu vực Sam Sen của thủ đô Bangkok thì khác. Chợ nằm sâu trong hẻm 11 của đường Sam Sen, người ta phải đi đến cuối hẻm, gặp nhà thờ rồi rẽ phải mới thấy được nét Việt Nam đầu tiên. Quang cảnh con hẻm ở đây nhìn hao hao như ở Sài Gòn. Hương vị đồ ăn bắt đầu tỏa hương thơm ngào ngạt từ các hàng quán dàn trải hai bên đường. Khác với những hàng quán Thái mà đi ngang qua người ta dễ hắt hơi bởi gia vị cay đặc trưng, hương vị bánh canh cùng mùi hành phi bốc lên từ một quán nhỏ ở góc đường có lẽ sẽ làm người Việt xa quê nao lòng. Tại quán này, ông chủ đang nhanh tay múc từng tô bánh canh, cho chút hành phi và hành, ngò tươi lên rồi đưa cho những người khách đang ngồi chật trong quán. Giá của một tô bánh canh cá là 25 baht (xấp xỉ 10.000 đồng), bằng với giá mà người ta ăn một tô hủ tíu Thái.
Đi tiếp vào trong con hẻm bên phải nhà thờ, hàng quán Việt Nam xuất hiện nhiều hơn bên cạnh các hàng của người Thái. Dễ nhận ra các hàng ăn của người Việt với các món bánh bèo, nem cuốn, bánh canh... Bác Nhiêm, chủ một quán ăn Việt bên đường cho hay: "Người Thái thích ăn đồ Việt Nam vì có nhiều rau". Bác Nhiêm vừa nói vừa bốc một nhúm rau làm nem cuốn cho những thực khách đang đợi. Trên bàn làm đồ ăn còn nguyên một xấp bánh tráng có in dòng chữ: "Bánh tráng Việt Nam". Nem cuốn ở quán bác Nhiêm được cuốn lẫn rau sống và nem tai. Một số hàng khác có cuốn thêm tôm. Còn nước chấm thì ngon tuyệt, mang hương vị đặc trưng của đồ ăn Việt. Giá các món ăn cũng xấp xỉ ở mức 20-25 baht, khá bình dân.
Vòng ra lối sau nhà thờ, hàng quán Việt Nam xuất hiện nhiều hơn. Một người đàn ông mồ hôi nhễ nhại đang đúc những chiếc bánh xèo vàng cháy. Bột bánh, nhân bánh, rau sống, cách bày biện không khác gì ở quê hương mà nước chấm cũng đậm đà đến xao lòng. Ông chủ quán bánh xèo là người Việt nhưng không thể nói tiếng Việt vì sinh ra trên đất Thái. Hàng của ông vẫn mở mọi ngày nhưng chủ nhật thì đông hơn do bà con đi lễ ở nhà thờ. Ngay bên cạnh quán bánh xèo là gian hàng bánh cuốn nóng. Khác với những quầy hàng ăn Việt Nam trên đất Thái, khi làm bánh cuốn, họ thường lấy vỏ bánh đúc sẵn rồi quấn với nhân nên khi ăn, bánh cuốn bị nguội. Tại hàng bánh cuốn ở đây, từng lớp bánh được tráng trực tiếp như cách mà ở Việt Nam thường làm. Bán đến đâu làm đến đó nên những miếng bánh cuốn lúc nào cũng nóng hổi. Nếu dùng từ ngon, bổ, rẻ để nói về đồ ăn Việt ở đây cũng chẳng ngoa.
Bên kia đường là các quầy bán thực phẩm Việt Nam như chả lụa, bánh tráng thường, bánh tráng mè, cà muối, ruốc (chà bông), sợi bánh canh, trà khổ qua và cả cà phê Trung Nguyên. Hai chị em người Thái gốc Việt đứng bán hàng ở đây không nói được tiếng Việt nhiều. Hai cô cho biết những thứ như bánh tráng, sợi bánh canh, trà hay cà phê là từ Việt Nam đem qua. Còn chả lụa là do bà con Việt kiều trên Nong Khai (đông bắc Thái Lan) làm và chuyển xuống. Một đòn chả lụa có giá 60 baht (khoảng 24.000 đồng) còn một xấp bánh tráng Việt Nam giá 40 baht (16.000 đồng).
Đây có lẽ là khu chợ đầy đủ đồ ăn và thực phẩm Việt Nam nhất ở Bangkok. Những người Việt xa xứ mỗi cuối tuần có thể ghé chợ để tìm lại những hương vị quê hương, để hồn Việt không bị lãng quên và vơi đi nỗi nhớ nhà.
Việt Phương
(VP Bangkok)
Bình luận (0)