Hút cát đẩy nhanh sụt lún ĐBSCL

13/04/2021 05:05 GMT+7

Phù sa, nước ngầm, cát... nguồn sống của ĐBSCL vẫn đang ngày ngày bị bòn rút thô bạo, mặc những cảnh báo nguy cơ chìm, biến mất toàn vùng đồng bằng này đã chạm mức báo động.

Câu chuyện mỏ cát trên sông Tiền (H.Chợ Mới, An Giang) có trữ lượng gần 2,4 triệu m3 được niêm yết giá khởi điểm 7,2 tỉ đồng, sau đó “về tay” một doanh nghiệp với số tiền gần 2.812 tỉ đồng, thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận vài ngày qua. Không chỉ gây hoang mang bởi giá trúng thầu và giá khởi điểm có độ chênh lệch “khủng” bất thường, rất nhiều nhà khoa học nghiên cứu lâu năm về ĐBSCL đã lên tiếng phản đối việc tái khởi động mỏ cát này vì lo ngại sẽ đẩy nhanh quá trình “chìm” của ĐBSCL.

9 căn nhà chìm xuống kênh, dân chợ Cầu Lộ mất bạc tỉ vì sạt lở - Video tư liệu

“Đầu bị chặt, chân bị cắt”

Ngay khi những thông tin về cuộc đấu giá mỏ cát vẫn chưa có câu trả lời chính thức từ phía cơ quan chức năng, giới nghiên cứu môi trường, khí hậu đã chuyền nhau bức thư của ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - người gắn bó cả đời với vùng đất thượng nguồn sông Cửu Long ở cả góc độ một người nông dân và lãnh đạo - gửi chủ tịch UBND tỉnh này.

Sạt lở kinh hoàng ven sông Hậu tại An Giang, cắt đứt QL91 khiến hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng

Ảnh: Đình Tuyển

Trong thư, ông Nhị cảnh báo nếu thực hiện việc khai thác cát tại vị trí nêu trên thì cực kỳ nguy hiểm. Các bờ sông sẽ bị sạt lở nhanh hơn, về lâu dài, các cù lao và 3 huyện cù lao Chợ Mới, Phú Tân, Tân Châu sẽ bị đe dọa mất còn. Điều đó ứng với việc ta phá sạch gần 16.000 ha rừng (trong đó có phân nửa là rừng trên đất núi) sau 10 năm giải phóng, gây sạt lở núi, nhất là Núi Cấm như ta đã thấy hậu quả của “nhất phá sơn lâm”.
“May là ta đã trồng lại rừng theo Chương trình 327 của Chính phủ nên xem như đã sửa sai. Nay nếu khai thác cát vô tội vạ trên sông Hậu, sông Tiền thì hệ quả “nhì đâm hà bá” đã và đang xảy ra ngày một “khốc liệt”. ĐBSCL do thiên nhiên (phù sa) bồi đắp qua hàng ngàn năm, hiện phía thượng nguồn nước lớn làm thủy điện, gần 1/2 lượng cát - phù sa bị chặn, nay ta lại lấy cát bên dưới này xem như “đầu bị chặt, chân bị cắt”, quá trình ĐBSCL tan rã hiện ra quá rõ”, ông Nhị nhấn mạnh và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh An Giang có kế hoạch làm việc, nhất là với Bộ TN-MT và Chính phủ để “cứu” dòng sông mẹ.
Trao đổi thêm với Thanh Niên, ông Nguyễn Minh Nhị lý giải rõ hơn: Theo các nhà khoa học, lịch sử hình thành vùng ĐBSCL do nguồn phù sa từ sông Mê Kông chảy xuống. Cát vô cùng quan trọng với kết cấu của vùng ĐBSCL, cũng như đổ bê tông mà không có đá thì không thể đổ. Thế nhưng, trong hơn 20 năm qua, các đập thủy điện do Trung Quốc xây dựng từ phía thượng nguồn đã chặn cát cùng với phù sa, khiến hàm lượng bùn cát trên sông Mê Kông chảy xuống đồng bằng giảm xuống hơn 50%. Phía trên chặn cát, cấu trúc nền đất phía dưới ĐBSCL dần tan rã. Thực tế đã chứng minh, sạt lở diễn ra thường xuyên và liên tục. Nếu tiếp tục khoét chỗ sâu, lấy cát đem lên chỗ cao xây dựng thì không khác gì tự mình đục phá nền nhà mình, điều tất yếu là sẽ sớm sạt lở.
“Xung quanh mỏ cát đang được đấu giá có rất nhiều cù lao nhỏ, chúng sẽ sớm sụt trước, sau đó sẽ tới 3 huyện cù lao Chợ Mới, Phú Tân, Tân Châu với diện tích mỗi huyện hơn 30.000 ha. Đây mới chỉ là những cảnh báo ở góc độ cụ thể trước mắt, mang tính cấp bách. Hệ lụy lâu dài còn nghiêm trọng hơn nhiều”, ông Nhị nói.

Hút cát một chỗ, sạt lở toàn vùng

Theo Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL và sông Mê Kông, hiện nay khai thác cát tại bất cứ chỗ nào thuộc ĐBSCL thì cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn vùng đồng bằng. Nguyên nhân, nguồn cát về bồi đắp cho ĐBSCL theo nước lũ hằng năm, đi vài chục năm mới về được tới đồng bằng hiện đã bị các đập thủy điện của Trung Quốc, Lào chặn phía thượng nguồn. Số lượng cát ít ỏi còn về được là nhờ đã thoát ra khỏi các chi lưu. Cát ở sông Cửu Long nuôi dưỡng bờ sông, đáy sông và cả bờ biển dài 250 km đoạn cửa sông. Đây chính là vật liệu kiến tạo, xây dựng nên đồng bằng trong quá trình 6.000 năm qua. Trong bối cảnh lượng cát về rất ít, nguồn cung gần như mất rồi thì lấy cát bất cứ nơi nào cũng làm phần bên dưới hạ lưu và phần bờ biển bị “đói” cát.
Bên cạnh đó, sông có cơ chế tái phân phối đáy. Nếu năm nay chúng ta khoan, đào lỗ, khai thác thành 1 hố sâu thì năm sau phía dưới sẽ tự tái phân phối, làm cho đáy sông sâu đồng đều lại. Như vậy, khi dòng chính sâu sẽ rút cát từ đáy sông nhánh, rút dần vào mạng lưới kênh nhỏ hơn, từ sông mẹ vào tới các dòng con, từ từ sạt lở sẽ lan tỏa khắp đồng bằng. Những vùng phía dưới không khai thác cát cũng sẽ bị sạt lở.
“Cát ngày trước khi về sẽ chảy ra biển, trở thành lót nền để đồng bằng tiến ra biển. Hiện nay không còn cát, không tiến ra được, ĐBSCL đang thụt lùi. Ở dưới lấy càng nhiều thì cát sẽ càng mau hết. Tiếp tục khai thác, để sạt lở thì nguy cơ vài chục năm nữa, Việt Nam sẽ phải vẽ lại bản đồ địa lý vì đồng bằng đã bị “biến dạng”, Th.S Nguyễn Hữu Thiện cảnh báo.
Dẫn chứng rất nhiều trường hợp địa phương tại ĐBSCL bị sạt lở tại các bờ sông trong thời gian qua, vùng An Giang cũng xảy ra vài trường hợp nguyên dãy nhà bị lún trong đêm, biến mất dưới lòng sông, TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mê Kông, nhận định nguyên nhân chính thường do việc khai thác cát lòng sông quá mức khiến lòng dẫn của nước bị đào sâu một cách trầm trọng, phá vỡ kết cấu. Cát là bộ khung định hình cho diện mạo vùng ĐBSCL nên việc khai thác cát không chỉ ảnh hưởng tại chỗ mà ảnh hưởng xa hàng trăm ki lô mét trên toàn hệ thống sông. Nó sẽ tạo ra những hố sâu và khi cát bị đẩy về không đi tiếp được. Sau này khi các đập thủy điện Mê Kông xây dựng xong, dự báo 100% lượng cát sỏi không về ĐBSCL nữa, lúc đó, tốc độ sạt lở sẽ diễn ra nhanh, mạnh hơn. Vì vậy, việc khai thác cát gây “biến mất” luôn cả cù lao được bồi lấp cần xem xét cẩn trọng.

Có thể dừng hút cát từ sông?

Khai thác cát quá mức sẽ dẫn đến những thảm họa môi trường là điều đã được cảnh báo từ rất nhiều năm, song, nhu cầu xây dựng cần đến lượng lớn khoáng sản này, khiến các mỏ cát lớn trên sông vẫn chưa thể ngưng hoạt động.
Nếu chỉ coi cát là khoáng sản, vật liệu xây dựng thì chúng ta đã quên mất vai trò duy trì lãnh thổ của nó. Cát chính là lãnh thổ. Cần hiểu đúng, hiểu đủ để có những chính sách quản lý phù hợp hơn cho tương lai
Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL và sông Mê Kông
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2015, nhu cầu sử dụng cát chỉ vào khoảng 92 triệu m3 nhưng năm 2020, nhu cầu này đã tăng lên đến 160 triệu m3. Trong khi đó, tổng tài nguyên cát của Việt Nam ước khoảng 2,3 tỉ m3, song chủ yếu là cát cho xây trát và san nền. Cát cho sản xuất bê tông không nhiều, chỉ chiếm khoảng 30% và tập trung chủ yếu ở một số địa phương như Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, Kon Tum, Đồng Nai và Đồng Tháp. Nguồn cát chính cung cấp cho xây dựng chủ yếu tập trung ở các dự án được cấp phép cho doanh nghiệp khai thác các mỏ hoặc nạo vét khơi thông luồng lạch, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60 - 65% nhu cầu và cung cấp cho các thành phố, đô thị lớn.
Th.S Nguyễn Hữu Thiện thừa nhận nhu cầu cát xây dựng là có thật và rất cao. Điều này khiến việc “siết” khai thác cát trở thành bài toán không có lời giải. Trong tương lai gần, có thể vẫn phải duy trì khai thác cát trên sông nhưng phải lưu ý những bất cập trong quản lý. Cụ thể, khai thác cát trái phép hiển nhiên là vi phạm pháp luật, cần mạnh tay loại bỏ triệt để. Khai thác có phép cũng không ổn vì đang được quản lý theo ranh giới hành chính của tỉnh. Đoạn sông chảy qua địa phương nào địa phương đó khai thác, đoạn dưới mặc kệ. Cần đưa vào liên kết vùng theo Quyết định 593 của Chính phủ (vừa hết hạn năm 2020, đang chờ được gia hạn).
“Khai thác cát nhưng phải cân nhắc 2 yếu tố: sẽ sạt lở bờ sông bờ biển và đời con đời cháu sau này sẽ không còn cát nữa. Nếu chỉ coi cát là khoáng sản, vật liệu xây dựng thì chúng ta đã quên mất vai trò duy trì lãnh thổ của nó. Cát chính là lãnh thổ. Cần hiểu đúng, hiểu đủ để có những chính sách quản lý phù hợp hơn cho tương lai”, ông Thiện nhấn mạnh.
Đồng tình, TS Phùng Đức Tùng cho rằng bài toán chung trong khai thác tài nguyên cát cũng như tài nguyên nước luôn phải cẩn trọng vì có những tác động rất lớn liên quan đến biến đổi khí hậu, gây sạt lở, bồi đắp, thay đổi dòng chảy, hạn hán, mặn xâm nhập… Vùng ĐBSCL khá nhạy cảm trong khai thác cát và nguồn nước bởi nó nằm trong diện cảnh báo của thế giới về khả năng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Trong tương lai, ngoài chiến tranh nước thì cát cũng nằm trong cuộc chiến tranh tránh lạm dụng khai thác. Các nước từng xuất khẩu cát, có trữ lượng cát lớn như Malaysia từng bán sang cho Singapore một thời gian dài nay cũng nghiêm cấm xuất khẩu cát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.