Huyền thoại đường trên biển - Kỳ 6: Hoàng thân trên tàu không số

19/09/2011 18:47 GMT+7

Ông là chắt nội của vua Hiệp Hòa, vị vua thứ 6 triều Nguyễn. Bố ông là hoàng thân Bửu Trác, một vị đại thần, Thống chế nhất phẩm triều đình…

>> Kỳ 5: Những vị khách đặc biệt

Ngày 15.2.1965, tàu 143 chở 63 tấn vũ khí vào Vũng Rô bị lộ. Cùng thời gian, còn có 5 tàu trên biển Đông nhưng chỉ có 3 đưa được hàng vào Bạc Liêu; còn tàu sắt 176, tàu gỗ 401 trên đường đi đến ngoài khơi Trà Vinh và Bạc Liêu thì bị địch phát hiện, cho tàu chiến và máy bay bám rất sát, nên Sở chỉ huy đã lệnh cho quay trở lại miền Bắc. Cả đi và về mất 2 tháng lênh đênh trên vùng biển quốc tế, và trong chiếc tàu sắt 176 ấy có một người nguyên là hoàng thân triều Nguyễn tên Vĩnh Mẫn.

Lý lịch gốc của ông vẫn ghi rõ tên Phan Thắng (tức Vĩnh Mẫn), sinh năm 1931, chắt nội của vua Hiệp Hòa, vị vua thứ 6 triều Nguyễn. Bố ông là hoàng thân Bửu Trác, một vị đại thần, Thống chế nhất phẩm triều đình, con của hoàng tử trưởng Ưng Bác, được coi là người kế vị ngôi vua, lại là một người kháng Pháp. Ông Bửu Trác đã đòi phế truất Bảo Đại khi vua Khải Định vừa trút hơi thở cuối cùng. Vì thế ông bị bắt, bị tước hết chức tước, tôn tịch, bị đày lên nhà tù Lao Bảo. Sau đó ông được ân xá. Triều đình Huế mời ông ra tham chính, nhưng ông từ chối và đứng ra lập Hội An Nam Phật học.

 
Ông Vĩnh Mẫn cuối năm 2010

Ông Bửu Trác đã hướng cả nhà mình theo Việt Minh. Các con ông như Vĩnh Tập, Công Tằng Tôn Nữ Băng Tâm, Vĩnh Mẫn đều theo Việt Minh rất sớm. Chị Băng Tâm hoạt động trong đường dây của Thành ủy Huế, trên đường công tác lên chiến khu bị địch bắn, hy sinh năm 1951. Vĩnh Tập ở trung đội 9, đơn vị đặc biệt của tiểu đoàn Tiếp phòng quân Thuận Hóa. Đêm 2.1.1946, trung đội trưởng Nguyễn Mạnh Giao và chính trị viên Vĩnh Tập đã dẫn phân đội 9 gồm 17 chiến sĩ tấn công quân Pháp cố thủ trong nhà hàng Chaffanjon (số 5 đường Hà Nội, TP Huế bây giờ). Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra vô cùng ác liệt.

Trung đội cảm tử quân Vệ quốc đoàn đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, cuối cùng các anh bị quân Pháp phun xăng thiêu cháy. Năm 1992, khi đào móng xây nhà trên đường Hà Nội, người ta đã tìm thấy 17 bộ hài cốt cùng các kỷ vật trung đội cảm tử quân 9, trong đó có khẩu ru-lô và con dao găm của anh Vĩnh Tập thường mang khi chiến đấu. Còn Vĩnh Mẫn mới 14 tuổi đã đi theo Việt Minh ở trong đội trinh sát thiếu niên Giải phóng quân, với hơn 20 đồng đội, hằng ngày chạy liên lạc đưa mật lệnh, tin tức chỉ huy khắp các đơn vị của Vệ quốc đoàn . Vĩnh Mẫn là bạn thân của Phùng Quán trong đội trinh sát thiếu niên ấy. Cuộc chiến đấu của họ đã được Phùng Quán tái hiện lại một cách bi hùng trong tiểu thuyết nổi tiếng Tuổi thơ dữ dội.

Năm 1948, Vĩnh Mẫn được đặt lại tên là Phan Thắng và được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Học xong khóa V trường lục quân Trần Quốc Toản, ông được giữ lại trường dạy học. Năm 1951, được phân công Nam tiến, đi bộ 8 tháng vào miền Đông Nam Bộ, được anh Ba Trà (Trần Văn Trà) và Bảy Thuận (Nguyễn Đức Thuận, tác giả cuốn Bất khuất nổi tiếng) giao làm đại đội phó, sau đó làm chính trị viên trưởng đại đội. Đại đội này hoạt động cả ở chiến trường Campuchia, sau đó về Sa Đéc. Năm 1954 Phan Thắng tập kết ra Bắc, trở lại trường Lục quân học khóa 10, sau đó vì có kinh nghiệm ở miền Nam nên được ở trong Ban Công tác đặc biệt: Ban đi B. Tháng 2.1965, ông đi tàu không số vào Nam Bộ công tác, nhưng tàu phải quay lại và được Tổng cục Chính trị phân công làm Trưởng ban tuyên huấn D125. Sau 1975, ông về Huế và được phân công làm Trưởng ban C-K (tức Lào - Campuchia) Bình Trị Thiên, cũng là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt bấy giờ. Năm 1989 ông nghỉ hưu, về lại ngôi nhà bên sông Hương của bố mẹ để lại.

Vĩnh Mẫn tủm tỉm cười bảo tôi: “Anh không viết văn viết báo như chú. Cái nghề của anh là cây bút chì và cây kéo. Bút chì để gạch đít và đánh dấu. Kéo để cắt tất cả các tài liệu, bài báo có liên quan đến những vấn đề mà mình quan tâm. Cắt rồi để riêng từng chủ đề vào từng bì một. Thế là cứ đụng đến cái gì cũng có thể có tư liệu để suy ngẫm, bàn luận...”. Cứ cây bút chì và cây kéo nhỏ, ông đã đi với D125, với các chiến sĩ tàu không số suốt bao năm sóng gió cuộc đời. Và bây giờ vẫn thế. Trong ông luôn ăm ắp chuyện những chuyến tàu vượt biển Đông. Đầy ắp những tên bến bãi, kho đổ hàng... Ông còn bảo tôi : “Viết về đoàn tàu không số mà không viết về những bến bãi thầm lặng ấy thì chỉ mới được một nửa, vì không có chỗ dựa là lòng dân thì chiến sĩ trên tàu anh dũng mấy cũng vô ích”.

 
Ông Vĩnh Mẫn (cuối bên phải) với anh em thuyền trưởng tàu không số - Ảnh Ngô Minh

Khi tôi báo tin đang viết về ông trong dịp kỷ niệm 50 năm tàu không số, ông giãy nảy : “Đừng viết về mình. Mình chỉ là người đi nghiên cứu, chỉ là người “ăn theo”anh em thôi mà! Phải viết về các chiến sĩ và các bến bãi tiếp nhận hàng...”. Nhưng tôi vẫn viết, vì ông là một nhân chứng sống. Ông đã từng bao lần đứng trước anh em cảm tử quân sắp xẻ dọc biển Đông đi cứu nước, nói với họ những điều gan ruột trước khi họ đi vào chốn hiểm nguy. Ông chia sẻ chứ không hề răn dạy hay thao thao sách vở. Khi đã nghỉ hưu gần hai chục năm, trải qua bao biến động, ông vẫn không quên đồng đội, ông là người bôn ba kết nối để có được Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển. Nguyễn Hoàng Phát, Nguyễn Văn Lắm, một thời là Chính ủy Đoàn 125 tìm về Huế gặp ông; Hồ Đắc Thạnh, thuyền trường tàu không số xưa, thư từ tâm huyết với ông... Ông thuộc từng chuyến tàu, thuộc hoàn cảnh gia đình từng thủy thủ, nên đã cùng với anh em bằng mọi cách để đưa con đường mòn trên biển với những con người trên những chuyến tàu không số ra công khai.

Vĩnh Mẫn thuộc lịch sử Đoàn tàu không số đến nỗi, đã 81 tuổi rồi, thế mà tháng 4.2011 vừa rồi, có nhà báo Đức Hellmut Kapfenberger sang Việt Nam muốn viết về Đoàn tàu không số thời chống Mỹ, gửi yêu cầu đến muốn phỏng vấn lãnh đạo Lữ đoàn 125. Anh em đã gửi 7 câu hỏi của nhà báo Đức vào Huế cho ông. Ông điện bảo anh em : “Mình không viết, mình sẽ nói kỹ về từng vấn đề qua điện thoại, bố trí máy ghi âm rồi ghi ra làm tư liệu mà trả lời cho họ...”. Thế rồi ông nói rành rọt, suốt cả buổi sáng về đoàn tàu không số...

Ngô Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.