'Huyền thoại Kim Dung' ngay trong thế giới Kim Dung của thời 7X

31/10/2018 19:06 GMT+7

"Ai cũng đọc Kim Dung hết", bố tôi kể lại cái trào lưu "đọc Kim Dung" ở Sài Gòn ngày xưa. Dĩ nhiên đấy chỉ là một cách nói phóng đại, nhưng nó phản ánh một tình trạng có thật vào thời ấy.

Nhiều người mua báo trước tiên là để đọc truyện Kim Dung ở mục phơi-dơ-tông (feuilleton). Đa số sinh viên đều đọc.
Đấy thật sự là một trào lưu. Nhưng, tôi không lớn lên trong cái trào lưu ấy. Thế hệ 7X như tôi lớn lên trong cái thời kỳ mà truyện Kim Dung... không được xuất bản. "Kim Dung" trong thế hệ của tôi là những cuốn truyện cũ đã trên dưới 20 năm. Bạn bè thân lắm thì mới chuyền tay cho mượn (nếu gia đình còn giữ được sách cũ). Ai biết "mối" thì thuê. Cũng đã có một thời kỳ hoàng kim cho lĩnh vực thuê sách, nhưng đâu phải chỗ nào cũng có truyện Kim Dung!
Nhà văn Kim Dung Nhật báo Quang Hoa (Hồng Kông)
Hóa ra, truyện Kim Dung thời các thế hệ trước không quý bằng, đâu có đáng gọi là "báu vật" như thế hệ của tôi! Sau này cũng vậy, sách mới in trông đẹp đẽ, bắt mắt. Nhưng không bao giờ tìm lại được cái "phần hồn" của những cuốn Kim Dung trong thời kỳ của tôi - và chỉ trong thời kỳ của tôi mà thôi! Sự "thân thuộc" từ những trang sách cũ, với cái màu giấy đã ố cùng kiểu chữ đặc trưng, vẫn hằn mãi trong ký ức của chúng tôi rồi, không lẫn vào đâu được.
Thời tôi, thường phải đọc lén Kim Dung, vì rất nhiều lẽ. Xã hội cấm đoán đã đành, gia đình cũng cấm - vì cái lý do rất ư là... Kim Dung: đọc lỡ mê thì còn học hành gì nữa! Mà quả đúng vậy. Cứ phải đọc ngấu nghiến. Chưa kể, phải đọc cho kỳ hết là còn để đỡ... tiền thuê sách.
Trước đây, tôi cứ ngỡ mình mê mẩn Kim Dung - cụ thể hơn, mê chính những quyển truyện Kim Dung chuyền tay trong thế hệ mình - chẳng qua vì ấn tượng ban đầu khi nào cũng sâu đậm hơn cả. Kỳ thực, không phải như vậy. Và cái gọi là phần hồn của "Kim Dung thời tôi" cũng không hẳn chỉ là loại giấy, kiểu chữ quen thuộc. Diễn giải thế nào nhỉ, thôi cứ ví dụ bằng một đoạn như vầy.
(Đoạn Trương Vô Kỵ lên Quang Minh Đỉnh, bất ngờ bị một đối thủ sau lưng chụp bao bố bắt đi - trong "Ỷ Thiên Đồ Long Ký").
- Ngươi là ai? - Vô Kỵ hỏi.
- Nói không được.
- Sao lại nói không được?
- Nói không được là nói không được. Hỏi lắm vậy.
- Ta dẫu có chết thì cũng muốn biết mình chết về tay ai. Trượng phu quang minh lỗi lạc, cớ sao không dám nói tên.
- Thì ta đã nói rồi mà.
(Hết trích)
Hóa ra nhân vật kia tên là Nói Không Được. Thật là bất ngờ, thú vị, sảng khoái, thư giãn... Tên riêng thì phải viết hoa, dĩ nhiên. Nhưng bối cảnh ở đây là hai nhân vật không thấy mặt nhau đang nói chuyện, nên sự thể hiện của đoạn dịch kia là quá tuyệt vời. Sách mới sau này, đoạn dịch ấy chẳng khác gì gáo nước lạnh dội thẳng vào mặt những ai đang cố đọc để tìm lại chút hương xưa.
- Ngươi là ai?
- Thuyết Bất Đắc.
Chấm hết mọi sự hấp dẫn. Không có chút bất ngờ nào. Chẳng hề giải trí chỗ nào. Lại còn làm cho những câu tiếp theo coi như vô nghĩa, thừa thãi.
Cho nên, "Kim Dung trong thế hệ tôi" đã trở thành một huyền thoại - một huyền thoại riêng, độc lập với những tác phẩm xuất sắc của Kim Dung mà ai cũng biết. Trước đó không có, hoặc có nhưng không quý như vậy (vì ai cũng tiếp cận quá dễ dàng). Sau này càng không thể có, vì không bao giờ thay thế lại được cái "phần hồn" kia.
Thế hệ 7X của tôi không chỉ tận hưởng tính giải trí cao độ từ những tình tiết "biết là... xạo, nhưng có cơ sở, rất hợp lý" mà tác giả Kim Dung tưởng tượng ra, một cách thần sầu. Tùy theo độ tuổi, kinh nghiệm sống, tùy cả vào trình độ, mỗi người đều có thể thưởng thức "truyện chưởng" của Kim Dung theo một cách riêng. Và dù mỗi người tự đi theo còn đường riêng của mình, thì cuối cùng tất cả đều được dẫn vào một thế giới tuyệt vời mang tên Kim Dung.
Phim "Cô gái đồ long" năm 1986 YesAsia
Thời tôi, Tiền Phong Từ Khánh Phụng dịch "Ỷ Thiên Đồ Long Ký""Cô Gái Đồ Long". Say sưa đọc đến hết truyện, rút cuộc cũng chẳng biết Cô Gái Đồ Long là... cô nào. Giới nghiên cứu cũng đã viết không ít về điều này. Vậy, thế hệ của tôi nghĩ gì? Nói thật ra, chúng tôi... chẳng nghĩ gì cả. Cái tên truyện "Cô Gái Đồ Long" quá hay, quá... kiếm hiệp, quá hấp dẫn. Thế là đủ.
Vì khi bậc thầy đã dịch như thế thì tốt nhất chúng tôi cứ yên tâm thưởng thức mà thôi. Cái đẳng cấp thượng thừa của dịch giả thì đã được tỏ rõ qua đoạn dịch về Nói Không Được rồi mà!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.