Nhưng gần đây, nhất là từ năm 2015 đến nay, con tôm đã “bén duyên” với vùng đất này, giúp người dân trong huyện thoát nghèo và trở nên giàu có.
Xây biệt thự nhờ trúng tôm
Ông Phan Văn Nam (60 tuổi, ấp Thị Mỹ, xã Vĩnh Phong, H.Vĩnh Thuận) cho biết địa phương ông thực sự “chuyển mình” từ khi Nhà nước đầu tư nạo vét kênh rạch, giúp dân thuận lợi trong tưới tiêu, chủ động nước vào đồng ruộng nuôi tôm, xen cua và trồng 1 vụ lúa. Ông Nam có trên 200 công đất nuôi tôm, xen cua, hằng năm cho thu nhập cả tỉ đồng.
Còn lão nông Nguyễn Hoàng Lựu (62 tuổi, ấp Thị Mỹ) thì cho biết từ khi kênh rạch được khơi thông, đời sống nhân dân nâng lên rõ rệt. Những vuông tôm rộng mút mắt, mỗi vụ thu hoạch hàng tấn tôm liên tiếp mọc lên. “Năm 1991, tôi về ấp Thị Mỹ lập nghiệp và được cấp gần 20 công đất canh tác. 6 năm liên tiếp “trúng đậm” tôm, cua, tôi mua thêm đất, đến năm 1997 gia đình tôi đã sở hữu được 200 công. Sau đó, nhờ tiếp tục “trúng” tôm nên tôi quyết định cất căn nhà trị giá 100 cây vàng. Hiện ở ấp Thị Mỹ đã có hàng chục căn biệt thự mi ni mọc lên giữa các cánh đồng tôm vốn trước đây toàn là cỏ năng và lau sậy. Nhiều hộ có mức thu nhập mỗi năm từ 400 - 600 triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng. Giờ mua xe hơi là chuyện nhỏ, chỉ cần 1 - 2 vụ tôm”, ông Lựu chia sẻ.
|
Theo thống kê của UBND H.Vĩnh Thuận, hiện thu nhập bình quân đầu người trên trên địa bàn đạt 57,6 triệu đồng (tương đương 2.505 USD), tăng gần 4 triệu đồng so với cách nay 5 năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,06% theo chuẩn đa chiều, bình quân giảm 1,8%/năm.
Đăng ký nhãn hiệu “Tôm càng xanh Vĩnh Thuận”
Tôm được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Vĩnh Thuận, giá trị sản xuất chiếm 67,13% tỷ trọng ngành nông nghiệp. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện đặc biệt coi trọng chỉ đạo phát triển tiềm năng này. Đến nay toàn huyện có trên 28.300 ha đất nuôi tôm và các loại thủy sản. Huyện cũng xây dựng xong khu nuôi tôm công nghiệp với diện tích 286 ha ở xã Vĩnh Phong. Nhờ được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, chú trọng con giống và hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, 5 năm qua, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 127.300 tấn, trong đó sản lượng tôm trên 67.800 tấn, tăng trên 27.400 tấn so nhiệm kỳ trước và vượt xa so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
|
Ông Phạm Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Thuận, khẳng định: “Tôm là thế mạnh của huyện Vĩnh Thuận, tới đây địa phương vẫn tập trung lãnh đạo phát triển tiềm năng này, trong đó có tôm càng xanh”. Tôm càng xanh Vĩnh Thuận là tôm thiên nhiên, sinh trưởng chủ yếu nhờ rong, sinh vật phù du từ rơm rạ còn sót lại trên nền đất lúa, nhờ đó chất lượng thịt chắc, ngon. “Huyện vận động bà con nông dân cố gắng duy trì 1 vụ lúa trên nền đất tôm để tận dụng rơm rạ làm thức ăn cho tôm. Mục đích chính là hướng đến nền nông nghiệp sạch, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất và sau thu hoạch; nâng cao chất lượng, giá trị, tính cạnh tranh. Huyện cũng đã đề xuất tỉnh kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến tôm để hướng đến nâng cao giá trị, đầu ra ổn định và tăng thu nhập cho nông dân”, ông Hậu nói. Ngoài ra, để nâng cao giá trị con tôm, nhất là tôm càng xanh, huyện đang chỉ đạo xây dựng thương hiệu và đăng ký nhãn hiệu “Tôm càng xanh Vĩnh Thuận”.
Nhờ khai thác tốt tiềm năng thế mạnh, trong đó có tôm, đời sống người dân huyện Vĩnh Thuận dần nâng cao, qua đó đồng lòng cùng chính quyền thực hiện xây dựng nông thôn mới. Hiện huyện vùng sâu Vĩnh Thuận hiện có 7/7 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Riêng huyện đạt 9/9 tiêu chí và đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp thẩm quyền công nhận huyện Vĩnh Thuận là huyện nông thôn mới vào cuối năm nay.
Bình luận (0)