Huỳnh Ngọc Sĩ bị tuyên án chung thân

19/10/2010 01:24 GMT+7

Tiếp tục điều tra 6 lần nhận hối lộ khác Mặc dù ông Huỳnh Ngọc Sĩ không nhận tội, và các luật sư bào chữa cho rằng chưa đủ chứng cứ buộc tội cần phải trả hồ sơ để điều tra lại, nhưng HĐXX kết luận đã đủ chứng cứ buộc tội và tuyên phạt Huỳnh Ngọc Sĩ mức án tù chung thân.

Theo HĐXX trong vụ án đặc biệt này có hai nguồn chứng cứ. Một, do Bộ Tư pháp Nhật Bản cung cấp theo Luật Tương trợ tư pháp được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định, và một do cơ quan điều tra thu thập. Nguồn chứng cứ do phía Nhật cung cấp là nguồn chứng cứ quan trọng để đánh giá xem bị cáo Sĩ có phạm tội hay không. Theo đó, năm 2008, Viện Công tố và tòa án địa phương Nhật Bản đã truy tố và xét xử ba bị cáo Sakashita Haruo, Sakano Tsuneo, Takasu Kunio nguyên là cựu quan chức của Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (viết tắt là PCI) theo pháp luật Nhật Bản về hành vi vi phạm luật chống cạnh tranh không lành mạnh. Vì vậy, theo luật pháp VN không thể điều tra, đưa ra xét xử ba quan chức này về tội đưa hối lộ dù hành vi đưa hối lộ xảy ra trên lãnh thổ VN. Cho nên việc cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ điều tra với những người này là có căn cứ và hợp pháp. Do pháp luật hình sự mỗi nước có áp dụng khác nhau, hành vi của các cựu quan chức PCI đưa hối lộ nhằm trục lợi là cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của luật pháp Nhật Bản còn luật pháp VN quy định hành vi này là đưa - nhận hối lộ nên không thể so sánh khập khiễng rằng những quan chức PCI bị xét xử về tội cạnh tranh không lành mạnh, Huỳnh Ngọc Sĩ lại bị xét xử về tội nhận hối lộ là thiếu công bằng. 

HĐXX còn nhận định, theo lời khai của ba bị cáo Nhật trên, để trúng được gói thầu tư vấn thiết kế xây dựng dự án (DA) Đại lộ Đông - Tây, các quan chức PCI đã từng bước tiếp cận và đưa hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ 10% giá trị hợp đồng này và 11% của giá trị hợp đồng tư vấn giám sát, tổng cộng là 2.600.000 USD. Ngày 28.5.2003, cả ba bị cáo nói trên đã đưa 262.000 USD cho bị cáo Sĩ tại Ban quản lý DA Đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM (viết tắt là BQL). Lời khai của họ đều phù hợp với nhau về thời gian, số tiền, địa điểm, mục đích. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra VN cũng thu thập được nhiều chứng cứ Sakashita rút tiền (trong số 262.000 USD) tại TP.HCM để chuẩn bị đưa hối lộ theo cam kết với bị cáo Sĩ.

Cũng theo HĐXX, việc luật sư Phan Trung Hoài bào chữa đưa ra các phiếu rút tiền ghi là chi trả lương cho nhân viên PCI không được HĐXX chấp nhận vì không phù hợp với tính khách quan của vụ án và mục đích của người đưa hối lộ. Cụ thể, Sakashita khai: “Về tiền mặt chúng tôi lấy từ nguồn tiền vốn thực hiện DA, có lúc mang tiền USD từ trụ sở chính của PCI rút ra mang qua VN, có lúc trụ sở chính của PCI chuyển tiền vào tài khoản chi nhánh Ngân hàng (NH) Tokyo Mitsubishi Nhật Bản tại TP.HCM để thực hiện DA Đại lộ Đông - Tây tại TP.HCM nhưng thực chất là rút tiền mặt để tại chỗ nhằm tạo quỹ đưa hối lộ. Số tiền đưa cho Sĩ không thể hợp thức hóa kế toán theo quy định nên chúng tôi đã chỉ đạo làm giả bản hợp đồng ảo với nội dung chi trả tiền công cho nhân viên PCI và các công ty ảo nào đó để hợp thức hóa”. Ngoài ra, ông Takasu nhập cảnh vào VN ngày 27.5.2003, đã nhận dạng được Huỳnh Ngọc Sĩ qua ảnh, vẽ được sơ đồ phòng làm việc dù lần đầu tiên đến VN.

HĐXX còn nhận định việc Huỳnh Ngọc Sĩ có  nhận tiền hay không còn được xem xét, đánh giá qua động cơ, mục đích, có làm lợi cho PCI hay không để kết luận. Theo HĐXX, Quyết định 622 của Thủ tướng Chính phủ quy định hình thức của gói thầu tư vấn giám sát là đấu thầu cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, Huỳnh Ngọc Sĩ thừa nhận ngày 18.3.2002, đã ký công văn đề nghị các cấp xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch đấu thầu giai đoạn 1 của DA, trong đó có nội dung chỉ định thầu cho PCI thực hiện gói thầu tư vấn giám sát. Huỳnh Ngọc Sĩ cũng chỉ đạo cho Lê Quả phát biểu tại cuộc đàm phán với NH JBIC về việc chỉ định thầu nói trên.

Điều này, thể hiện mục đích, động cơ của Huỳnh Ngọc Sĩ làm một việc có lợi cho PCI khi không phải tham gia đấu thầu quốc tế. Ngoài ra, trong biên bản thảo luận giữa NH JBIC và Chính phủ VN trong phần dự toán chi phí quy định mức lương chuyên gia tư vấn là 2.500.000 yen/tháng/người là căn cứ dùng để đàm phán, ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế (TVTK). Thực tế, Huỳnh Ngọc Sĩ đã ký hợp đồng TVTK với PCI, phê duyệt mức lương chuyên gia tư vấn nước ngoài thấp nhất là 2.523.000 yen/tháng/người, cao nhất 3.279.000 yen/tháng/người. So với dự toán đã chênh lệch tăng 53.595.625 yen (tương đương gần 7 tỉ đồng).

Việc làm này là có lợi cho PCI phù hợp với lời khai của Lê Quả “việc trả lương tư vấn nước ngoài tăng là một thiếu sót của đoàn đàm phán”; phù hợp với biên bản xác minh của Vụ Kết cấu hạ tầng đô thị - Bộ Kế hoạch - Đầu tư xác định khi đàm phán thương thảo ký kết hợp đồng TVTK DA Đại lộ Đông - Tây, BQL không được ký vượt mức trần, nếu sau khi đàm phán đơn giá của các chi phí dịch vụ tư vấn vượt trần phải báo cáo xin phê duyệt của các cấp có thẩm quyền sau đó mới được ký hợp đồng; trong khi đó tại biên bản xác minh của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính thì từ 28.10.1999 đến nay, Bộ Tài chính không nhận được văn bản nào khác về chi phí dịch vụ tư vấn của DA Đại lộ Đông - Tây.

HĐXX còn dẫn chứng nhiều căn cứ cho thấy Huỳnh Ngọc Sĩ còn tạo điều kiện cho PCI có những điều kiện thuận lợi khi thanh toán chưa có biên bản nghiệm thu, PCI chưa mở bảo lãnh NH cho các khoản tạm ứng. Việc làm này không đúng các cam kết của hợp đồng.

Từ đó, HĐXX kết luận, xuất phát từ động cơ tư lợi, Huỳnh Ngọc Sĩ đã làm những việc có lợi cho PCI. Xét số tiền nhận hối lộ là đặc biệt lớn, nên HĐXX quyết định tuyên mức án chung thân đối với Huỳnh Ngọc Sĩ, buộc nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ bất chính là 262.000 USD. Ngoài ra, HĐXX tiếp tục kê biên 2 căn nhà mặt tiền ở Q.3 của gia đình Huỳnh Ngọc Sĩ để đảm bảo cho việc thi hành án. HĐXX cũng kiến nghị Cơ quan CSĐT, Viện KSND tối cao tiếp tục điều tra làm rõ 6 lần nhận hối lộ khác của Huỳnh Ngọc Sĩ để xử lý tiếp.

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.