Hy vọng Thanh Niên duy trì 'Nhật ký Tết Việt' vào mỗi dịp tết đến xuân về

16/02/2022 08:00 GMT+7

Nhiều tác giả tâm sự, gửi bài cho mục Nhật ký Tết Việt để neo lại kỷ niệm của mình; san sẻ những suy tư để biết đâu một ai đó đang rơi vào hoàn cảnh như tác giả, sẽ đủ can đảm vượt qua những lo xa mà đoàn tụ với gia đình, nhất là khi dịp tết về.

Nhật ký Tết Việt là chuyên trang trên báo điện tử Thanh Niên được mở ra để bạn đọc (BĐ) chia sẻ những câu chuyện đầu xuân của cá nhân và gia đình trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 với sự đồng hành của Nhà phát triển Bất động sản Quốc tế Masterise Homes.

Đã có hàng trăm bài viết gửi về cho chuyên mục Nhật ký Tết Việt

ẢNH: T.N

“Dù thương mến bao nhiêu, người thân của ta cũng không thể chờ mãi!”

Ban đầu, Ban tổ chức dự kiến những bài viết, video, chùm ảnh đáp ứng tiêu chí của Thanh Niên sẽ được đăng tải trên chuyên trang Nhật ký Tết Việt từ ngày 29.1 - 10.2.2022. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, đã có trên 200 bài viết, thơ, chùm ảnh, video… với nhiều đề tài, thể loại được gửi về cho chuyên mục. Ban tổ chức đã phải kéo dài thêm đến ngày 15.2 để tiếp tục đăng tải những bài viết đầy ý nghĩa… Điều đó cho thấy sự quan tâm rất lớn của BĐ đối với chuyên mục này như chia sẻ của nhà thơ Trần Lê Sơn Ý (tác giả bài Ông nội mong manh và cái công tắc bí ẩn), một trong những tác giả có bài viết đăng trên chuyên mục Nhật ký Tết Việt: “Những ngày tết, năm nào cũng đều như bắp, tôi toàn tranh thủ sắp xếp mọi thứ để có thể về sớm nhất và cũng trì hoãn nhiều thứ để có thể vô trễ nhất. Vậy mà năm nào rời đi lòng cũng trĩu buồn. Biết rằng có trì hoãn kiểu gì thì cũng đến lúc phải từ biệt. Năm nay tôi rời sớm hơn bình thường nhưng lại nhẹ nhàng hơn bình thường. Phần vì các em vẫn còn ở lại thêm với ba má, với nội. Phần khác, có lẽ là sau hơn chục năm cuối cùng cả nhà cũng đã có một cái tết đủ đầy như thế. Năm nay lại là một năm đầy biến động mất mát, thương khó. Còn sống đã khó, đoàn tụ đã khó, di chuyển thôi cũng đã khó, ai dám mong tới chuyện đủ đầy. Cuối cùng thì lời giao hẹn cùng ba: “Mai kia dù có đi đâu làm gì, các con hãy tập hợp cùng nhau, chỉ cần ngồi bên nhau đêm giao thừa thôi cũng đủ” cũng đã được thực hiện. Ba đã chờ cả chục năm nay. Má cũng chờ. Cả ông nội tôi cũng chờ. Tôi không nhận ra điều ấy cho đến trước ngày đi. Thường thì tết trời khá lạnh, ông hay nằm trên giường đến khi nắng ấm. Hôm tôi đi, trời hãy còn sớm nhưng ông đã dậy. Chỉ ngồi đó và hỏi “khi nào con về, mấy ngày nữa con về, hai ngày nữa thôi nghen”. Tôi hiểu ra bao lâu nay ông cũng chờ mà không nói. Tôi biết có nhiều điều ta vẫn chờ mà không nói. Không riêng ông hay ba má của tôi! Vì vậy mà khoảng thời gian trước và sau tết là thời điểm có nhiều cảm xúc để cảm nhận, ngẫm nghĩ… Nhưng đây cũng là thời gian bận rộn khó sắp xếp để ngồi xuống viết. Dẫu vậy tôi vẫn viết, tranh thủ bằng điện thoại, bởi ngay buổi sáng hôm đó tôi nhận ra dù thương mến bao nhiêu, người thân của ta cũng không thể chờ mãi!”.

Neo lại kỷ niệm

Tác giả Trương Quốc Phong với chú chó mà anh tự sự rằng “đến những chú chó từng nuôi cũng ngóng thương mình”

ẢNH: TRƯỜNG GIANG

Tác giả Trương Quốc Phong (Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu; tác giả bài Tết đoàn viên sau đại dịch: Đến những chú chó từng nuôi cũng ngóng thương mình) “bật mí” hoàn cảnh ra đời của bài viết: “Những ngày giãn cách, tôi thèm lắm bữa cơm nhà. Một thân một mình giữa Sài Gòn lập nghiệp hơn 20 năm, tôi đã quen với việc một mình mưu sinh nơi đất khách quê người. Tôi cũng dần quen với cơm hàng cháo chợ và không còn xa lạ hay lóng ngóng mỗi khi vào bếp. Nhưng khi đại dịch Covid-19 xảy ra, tôi mới thấu đời người phiêu lưu, mưu sinh ở trọ nó buồn và hết sức cám cảnh. Sự chơ vơ đó, nó được nhân lên khi đại dịch đến, người cách ly người, nhà cách ly nhà, phường rồi quận cách ly, khắp nơi giăng dây để đảm bảo sự an toàn. Cả TP chung tay chống dịch, tôi vui vẻ làm quen với 4 bức tường mỗi ngày. Tôi, một mình bên mâm cơm đơn sơ trong căn nhà trọ đóng kín cửa, trong khi, hàng xóm, mọi người được sum vầy là những hình ảnh có lẽ trong ký ức tôi mãi mãi sau này không thể nào quên. Và chính những lúc thui thủi trong nhà trọ như vậy, tôi đã nhớ và thèm đến quay quắt bữa cơm gia đình. Tôi chờ hết dịch. Cứ chờ từ ngày này đến ngày khác, hết tuần này đến tuần khác. Cho đến lúc tôi bị Covid-19 chuyển biến nặng với 19 ngày nhập viện cận kề sinh tử. Trong những ngày trên giường bệnh, tôi thương rồi nhớ người thân. Tôi hình dung và nhớ lại những bữa cơm đoàn viên. Nó thôi thúc tôi ngày ngày, tháng tháng… Nhưng rồi, cũng chỉ vì lo xa và sợ rủi ro cho người lớn tuổi sức yếu, tôi đã không đủ can đảm và liều lĩnh để làm được điều mình muốn. Dịp tết này, khi hay tin dịch bệnh được kiểm soát. Ba má tôi đã chích đủ liều vắc xin và khỏe mạnh, tôi mới an tâm để quay về. Bữa cơm đoàn viên, bữa cơm gia đình, giản đơn thôi sao mà ngon đến thế. Tình cờ tôi đọc báo và biết Thanh Niên có trang Nhật ký Tết Việt, tôi nghĩ, hay là mình cứ viết lại những tâm sự và cảm xúc của mình. Trước là để neo lại kỷ niệm của mình. Sau là tìm thấy sự đồng cảm, san sẻ và biết đâu một ai đó đang rơi vào hoàn cảnh như tôi, họ sẽ đủ can đảm vượt qua những lo xa mà đoàn tụ với gia đình, nhất là khi dịp tết về. Bữa cơm gia đình, bữa cơm quê nhà bao giờ cũng sẵn sàng. Rồi khi về nhà, tôi thấy ngay cả con chó cũng vui mừng, ngóng đợi mình và chúng cứ quấn quýt mãi không thôi. Càng nghĩ, tôi càng thương ba má tôi nhiều hơn. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia trang Nhật ký Tết Việt của Báo Thanh Niên. Tôi có đọc được rất nhiều câu chuyện và tâm sự của mọi người. Có câu chuyện làm cho tôi lặng đi vì cảm xúc. Có câu chuyện khiến cho tôi thấy lòng mình ấm áp, bâng khuâng. Tôi cũng bắt gặp những cảm xúc, tuổi thơ của mình đã trôi qua đâu đó, trải dài trong các bài viết của nhiều độc giả đến từ khắp nơi trên cả nước. Và quan trọng hơn, tôi rút tỉa được thêm nhiều câu chuyện, nếp nhà, văn hóa của một số vùng miền mà tôi chưa có cơ hội đặt chân đến. Tôi hy vọng, Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục duy trì trang Nhật ký Tết Việt này vào mỗi dịp tết đến xuân về. Tôi xin cảm ơn Báo Thanh Niên và nhà tài trợ đã đồng hành tổ chức trang Nhật ký Tết Việt này. Cảm ơn vì đã giúp tôi cùng nhiều người trên khắp mọi miền đất nước neo giữ và lan tỏa những câu chuyện, kỷ niệm đáng nhớ nhân dịp đầu xuân”.

Gìn giữ nếp nhà

Tôi thích hai câu ở Sư ông (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) trong bài Giao cảm: “Chầm chậm xuân về lòng đất chuyển. Nhạc trời thanh thoát rộn muôn phương” nên nghĩ mình sẽ viết bài theo tứ đó. Chuyên mục Nhật ký Tết Việt là mục khá hấp dẫn để khuyến khích mọi người ghi lại những sự kiện, những góp nhặt chỉ riêng dành cho tết. Vốn dĩ tết ai cũng tất bật nên dành thời gian viết và lưu giữ lại sẽ rất quý. Ngoài ra, mục này phù hợp giới thiệu rộng rãi để nhiều người biết và tham gia, đặc biệt mấy bạn trẻ nhằm hướng các bạn trong việc gìn giữ nếp nhà”.

(Quảng Dung, tác giả bài viết Xuân sau cửa An)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.