Sau bao nhiêu chờ đợi, cuối cùng học sinh, giáo viên và phụ huynh đã phần nào yên tâm vì Bộ GD-ĐT đã thực hiện lời hứa đổi mới ngay từ đề thi trong ngày thi tốt nghiệp THPT hôm qua.
Đề thi môn văn được đánh giá hay, đơn giản và ngồn ngộn những vấn đề của đời sống hiện thực. Thoát khỏi quan niệm môn thi tốt nghiệp là phải thật nhẹ nhàng, ít phân hóa; môn lý năm nay được giới chuyên môn cho rằng ngang ngửa với kỳ thi tuyển sinh CĐ. Một cách khéo léo, tinh tế, người ra đề môn sử biết cách lồng vấn đề thời sự: giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình thông qua câu hỏi về nguyên tắc hoạt động của tổ chức Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng và có ý nghĩa hơn nhiều là đề thi năm nay, đặc biệt ở hai môn xã hội, đã thoát khỏi tư duy học thuộc lòng, chỉ thuần hỏi về kiến thức. Ở những đề thi như thế này, học sinh có điều kiện nêu lên quan điểm cá nhân, bộc lộ những kỹ năng, tư duy của riêng mình. Quan điểm ra đề thi này nếu thực hiện thường xuyên sẽ tạo động lực trong việc đổi mới dạy và học ở trường phổ thông.
Thế nhưng bên cạnh sự hồ hởi này vẫn không tránh khỏi những âu lo. Sự thay đổi trong cách ra đề thi môn ngữ văn như thế này - bám quá sát vào thời sự xã hội - có khiến môn văn giảm dần ý nghĩa của “cái đẹp” đặc thù của văn chương? Môn văn có vô tình trở thành sự “tích hợp” của nhiều môn khác như lịch sử, địa lý, chính trị, giáo dục công dân cộng lại? Nếu quá lệ thuộc việc phải bám vào thời sự để nhận được sự hưởng ứng của xã hội thì đề thi không còn yếu tố bất ngờ, được chờ đợi. Bằng chứng là hầu hết các thí sinh đều cho biết không có bất ngờ gì với nội dung liên quan đến biển Đông trong đề thi môn ngữ văn và lịch sử. Thầy và trò đã ôn luyện về vấn đề này rất nhiều nên nếu năm nay đề không ra nội dung này, mới là chuyện… lạ.
Một băn khoăn khác, cũng là nỗi lo của nhiều thí sinh rằng đề thi mở thì cách chấm thi thoáng đến đâu, như thế nào để đánh giá đúng bài làm của thí sinh? Trước và ngay trong kỳ thi, lãnh đạo Bộ khẳng định đáp án năm nay chắc chắn sẽ rất đổi mới. Việc phải có đủ bao nhiêu ý mới được điểm cao chắc chắn sẽ không diễn ra nữa. Tuy nhiên, không phải lúc nào và bao giờ, giám khảo cũng thực hiện đúng những yêu cầu của chấm thi, nhất là những yêu cầu hết sức chung chung.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có nhiều đổi mới, trong đó có những điều lần đầu tiên thực hiện, để tạo tiền đề cho những cải tổ thi cử thật sự bắt đầu sau năm 2015. Những thay đổi trong cách ra đề thi chỉ là bước đầu của cuộc “hành trình” đổi mới. Còn những vấn đề tiếp theo chưa biết sẽ thực hiện như thế nào, chẳng hạn việc công nhận và xếp loại tốt nghiệp sẽ kết hợp 50% là điểm trung bình 4 môn thi tốt nghiệp và 50% điểm trung bình kết quả học tập năm học lớp 12. Bộ cho biết đã thành lập nhiều đoàn thanh tra để xem xét các trường đánh giá điểm học tập lớp 12 của học sinh. Liệu Bộ có thanh tra và phát hiện được hết các tiêu cực (nếu có) ở các trường không? Chỉ biết rằng ngay tại TP.HCM đã có trường hợp nâng điểm toàn bộ một môn của học sinh lớp 12 để có được kết quả “đẹp”.
Hy vọng với việc giữ lời hứa trong đổi mới đề thi, Bộ vẫn tiếp tục phát huy điều này trong các bước tiếp theo, còn lại của kỳ thi tốt nghiệp THPT để dư luận không đặt câu hỏi liệu có cần thiết tổ chức một kỳ thi quy mô nhưng gần 100% học sinh tốt nghiệp mà chất lượng còn quá xa với mong muốn của xã hội?
Nhiên An
Bình luận (0)