Ì ạch giải ngân gói hỗ trợ kinh tế

06/03/2023 06:34 GMT+7

Việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho nền kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm, nhiều mục tiêu chưa đạt được, thậm chí một số nguồn vốn khó có thể giải ngân hết trong năm 2023, gây lãng phí trong sử dụng nguồn lực.

"Giờ không phải là lúc tranh cãi tại ai"

Trong phiên giải trình tại phiên họp 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) gần đây, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình) "rất chậm". Một trong những nguyên nhân là đề xuất dự án của bộ, ngành, địa phương không sát thực tiễn, đặc biệt là các dự án y tế. Toàn bộ dự án của ngành y tế trình sau này thay đổi gần như toàn bộ. Trong khi đó, các chương trình khác giải ngân cũng chưa đạt mục tiêu.

Ì ạch giải ngân gói hỗ trợ kinh tế - Ảnh 1.

Doanh nghiệp cần sớm được hỗ trợ để phục hồi

NGỌC THẮNG

Đặc biệt, đối với 176.000 tỉ đồng chi đầu tư phát triển, lẽ ra hơn 1 năm các dự án đã phải khởi công, xây dựng thì đến nay mới tiến hành phân bổ vốn đợt 1 (147.138 tỉ đồng cho 94 nhiệm vụ, dự án). Khi xem xét phân bổ vốn đợt 2 (khoảng 14.710 tỉ đồng cho 129 dự án), không ít thành viên UBTVQH lo ngại rằng vốn đợt 1 còn đang "tắc", nhiều dự án trình đi trình lại, giờ không biết phân bổ vốn đợt 2 như thế nào, liệu có mang lại hiệu quả? Đó là kênh tài khóa, còn kênh chính sách tiền tệ cũng đang rất chậm, thậm chí gói hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỉ đồng đến nay mới giải ngân hỗ trợ được 134 tỉ đồng lãi suất.

Được Bộ trưởng Bộ KH-ĐT "điểm danh" là cơ quan trình đi trình lại nhiều lần các dự án, Bộ Y tế phản hồi việc triển khai dự án, giải ngân đầu tư công còn chậm do nhiều vướng mắc thủ tục, nhất là tồn đọng vốn tại các dự án đầu tư. Bộ này đề nghị UBND một số địa phương hỗ trợ phối hợp chặt chẽ để bố trí đất, triển khai giải phóng mặt bằng xây dựng một số cơ sở y tế mới trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025.

Bộ Y tế cũng chấp nhận và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ KH-ĐT xem xét điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2022 của bộ này đối với các dự án không có khả năng giải ngân; báo cáo Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Y tế (đợt 3) cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, để sớm triển khai các dự án khởi công mới cấp thiết.

Thông tin thêm, một chuyên gia về tài chính của Bộ Y tế cho hay chậm giải ngân vốn đầu tư công là có, trong đó có nguyên nhân do thủ tục rất vướng và có nguyên nhân do năng lực chủ đầu tư còn hạn chế. Ví dụ, dự án về xây dựng, lâu nay ngành y tế có kỹ sư, kỹ thuật viên về y tế, máy móc y tế nhưng kỹ sư xây dựng thì lại hầu như không có. Việc này gây khó khăn cho quá trình lập dự án, triển khai. Mặc dù thực tế triển khai sẽ thuê các đơn vị chuyên ngành nhưng về chuyên ngành cốt lõi cho dự án thì lại chưa nắm chắc. 

"Để sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, bây giờ không phải là lúc tranh cãi tại ai mà mỗi bộ, ngành liên quan đều cần tự nhìn thấy các vấn đề của mình để khắc phục. Quan trọng hơn nữa là phải cùng phối hợp chặt chẽ để đưa ra các giải pháp cụ thể, triển khai được", vị này nêu ý kiến và nói thêm gói hỗ trợ lãi suất chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) thuộc 11 ngành, đối tượng rất hạn chế. Chỉ những DN đi vay và đủ điều kiện vay vốn của ngân hàng mới nhận được hỗ trợ, trong khi nhiều DN khó khăn lại không được hỗ trợ.

"Nếu Nhà nước vẫn muốn dùng gói 40.000 tỉ đồng để hỗ trợ thì có thể chuyển sang đầu tư công hoặc miễn giảm thuế...", chuyên gia này đề xuất. Ông cũng cho rằng mục tiêu Chương trình tốt, nhưng xét từng gói cụ thể nếu không phù hợp cần báo cáo QH chuyển hướng mục tiêu. Ví dụ, gói "Máy tính cho em" mấy nghìn tỉ đồng nhưng triển khai chậm vì thời điểm hết dịch mới bắt đầu, trong khi đã qua thời điểm học online của cả nước.

Gói hỗ trợ lãi suất giải ngân chỉ đạt 0,3%

Theo Bộ KH-ĐT, Chương trình còn gặp vướng ở việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất. Cụ thể, tại Nghị quyết 43/2022/QH15, QH đã thông qua sử dụng tối đa 40.000 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết năm 2022, giải ngân chính sách hỗ trợ 2% lãi suất rất chậm so với yêu cầu đề ra; mới đạt hơn 134 tỉ đồng, tương đương hơn 0,3% tổng nguồn lực. Hiện NHNN đang phối hợp sửa Nghị định số 31/2022/NĐ-CP để tạo điều kiện triển khai thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nguồn lực còn lại để thực hiện chính sách còn rất lớn, khả năng đến hết năm 2023 sẽ không giải ngân hết.

Ì ạch giải ngân gói hỗ trợ kinh tế - Ảnh 2.

Khi được hỏi về tiếp cận gói hỗ trợ 40.000 tỉ đồng, lãi suất 2%, anh Phạm Mạnh Cường (41 tuổi), Giám đốc Công ty CP vận tải kho bãi An Cường ở Hà Đông (Hà Nội), lắc đầu ngao ngán nói không thể vay nổi. Anh Cường kể giữa năm 2022, do ảnh hưởng chung của dịch Covid-19 nên công ty rất khó khăn. 

"Khi nghe báo chí đưa tin nhiều về gói hỗ trợ 40.000 tỉ đồng, lãi suất 2% thì mừng như đang trôi giữa dòng nước lại vớ được phao cứu sinh. Nhưng khi "gõ cửa" các ngân hàng, hồ sơ vay vốn của công ty đều bị trả về với nhiều lý do như: phương án kinh doanh không khả thi, khó có khả năng trả nợ…", anh Cường nói và cho biết sau đó anh tiếp tục nộp hồ sơ vay vốn gói hỗ trợ này qua một vài ngân hàng khác nhưng cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Kiên trì "gõ cửa" nhiều ngân hàng, đến tháng 11.2022, DN của anh Cường đành từ bỏ ý định vay vốn gói hỗ trợ.

Tương tự, bà Nguyễn Ngọc Thu (55 tuổi), Phó giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP thương mại đầu tư Bình An (DN chuyên kinh doanh về gỗ ở H.Thạch Thất, Hà Nội), kể đã ôm hồ sơ vay vốn gói 40.000 tỉ đồng, lãi suất 2% từ khi có gói này đến hết năm 2022, nhưng không được ngân hàng nào đồng ý dù có quan hệ làm ăn từ trước. "Lý do thì vô vàn, nhưng tóm lại kết quả là đến nay DN vẫn không vay được đồng nào từ gói hỗ trợ đó. Giai đoạn khó khăn nhất của công ty đã qua rồi, hiện tại DN cũng không còn quá mặn mà với gói hỗ trợ ấy. Khó hơn lên trời, khó quá thì đành bỏ qua thôi", bà Thu chia sẻ.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng Chương trình cho thấy Đảng và Nhà nước dành rất nhiều quan tâm cho phục hồi, tăng trưởng. Một số gói và chính sách có hiệu quả tốt như: gói giải ngân cơ sở hạ tầng, các chính sách giảm phí, lệ phí, giảm 2% thuế giá trị giá tăng... Tuy nhiên, việc giải ngân chậm nhiều gói hỗ trợ cho thấy ngân sách đi vay mà không dùng được, rất lãng phí. "Triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất cực kỳ chậm. Ngay khi triển khai, chúng tôi đã nói đây là gói rất khó, cần xem xét đầy đủ và cẩn trọng. Thực tế, cả năm 2022 mới giải ngân được 135 tỉ đồng; cả năm 2023 nếu đẩy mạnh cùng lắm được 400 tỉ đồng, chỉ đạt khoảng 1% trên tổng số 40.000 tỉ đồng", ông Thịnh nói.

Thực hiện chưa đến nơi, đến chốn

Ông Trần Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá VN, cho rằng gói hỗ trợ người dân khắc phục, tìm lại việc làm, sinh kế trong chương trình phục hồi kinh tế sau thời gian dài chịu ảnh hưởng Covid-19 là chính sách nhân văn, "nhưng thực hiện thì chưa đến nơi, đến chốn". Đến nay, khảo sát ở các địa phương cho thấy chưa có ngư dân nào được hưởng chính sách hỗ trợ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.