Công tố viên trưởng ICC Karim Khan ngày 20.5 đã xin lệnh bắt quan chức cấp cao của Israel, bao gồm Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, cùng những lãnh đạo chủ chốt từ phía Hamas - gồm thủ lĩnh Yahya Sinwar, chỉ huy Mohammed Deif và lãnh đạo chính trị Ismail Haniyeh.
Hội đồng thẩm phán của ICC tại Hà Lan sẽ xem xét lệnh bắt trước khi ra phán quyết. Tòa hình sự trước đây cũng từng phát lệnh bắt với một số nguyên thủ quốc gia.
Công tố viên ICC xin lệnh bắt giữ các lãnh đạo Israel, Hamas
Thẩm quyền của ICC
Theo tạp chí Foreign Policy, ICC có thể truy tố công dân thuộc 124 quốc gia thành viên tham gia Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế, hoặc các tội ác được thực hiện trên lãnh thổ của một thành viên. Palestine là thành viên của Quy chế Rome trong khi Israel thì không, do đó ICC có thể truy tố các quan chức Tel Aviv đồng lõa với quân đội nước này thực hiện tội ác trên lãnh thổ người Palestine. Ngược lại, tòa án cũng có thể truy tố các cá nhân Hamas - là công dân Palestine - vi phạm tội ác quốc tế tại Israel sau vụ tấn công ngày 7.10.2023.
Trong tuyên bố, Văn phòng Công tố ICC cho hay "có cơ sở hợp lý" để tin rằng các lãnh đạo Israel và Hamas vi phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Phía Israel và Hamas đã bác bỏ cáo buộc trên, đồng thời chỉ trích quyết định của ông Khan. Hội đồng gồm 3 thẩm phán ICC sẽ xem xét đề nghị của phía công tố. Đây là quy trình không có thời hạn.
Giới quan sát hoài nghi hiệu quả thực tế ngay cả khi lệnh bắt được phê chuẩn. ICC không có thẩm quyền thực thi lệnh bắt, mà điều này nằm ở nghĩa vụ của 124 nước thành viên, nếu quan chức Israel hay Hamas nói trên đặt chân lên lãnh thổ. Ngay cả chế tài cho việc không bắt giữ cũng thuộc thẩm quyền của HĐBA LHQ và thường chỉ mang tính hình thức. HĐBA cũng có thể thông qua nghị quyết hoãn truy tố trong một năm và có thể liên tục gia hạn, theo Reuters.
Tổng thống Biden bảo vệ Israel sau lệnh bắt giữ của toà ICC
Nhiều rào cản
Israel hay chính quyền Palestine có thể kiến nghị hoãn vụ án với lý do đang thực hiện cuộc điều tra với các cá nhân và cáo buộc giống ICC. Khi này, phía công tố sẽ mất thêm thời gian xác minh, khiến vụ án bị kéo dài.
ICC từng phát lệnh bắt với cựu Tổng thống Sudan Omar al-Bashir vào năm 2009, song ông vẫn có thể đến nhiều nước mà không bị bắt, cho đến khi bị phế truất. Lập luận của các nước sở tại khi đó là ông al-Bashir được hưởng quyền miễn trừ với tư cách nguyên thủ quốc gia, dựa trên tập quán quốc tế, dù lập luận này bị ICC bác bỏ vào năm 2019.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng lệnh bắt nếu được thông qua sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến kế hoạch của lãnh đạo Israel và Hamas, đặc biệt ở lịch trình đối ngoại. Hồi năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin, người cũng bị ICC phát lệnh bắt, đã hủy kế hoạch dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tại Nam Phi, được cho là quyết định nhằm tránh đẩy Nam Phi vào tình thế khó xử khi phải có nghĩa vụ bắt ông Putin.
Ngoài ra, động thái của văn phòng công tố ICC có thể gián tiếp tạo sức nặng lên các vụ án quốc tế khác, chẳng hạn đề nghị cấm vận vũ khí với Israel, hay kiến nghị của Nam Phi lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) cáo buộc Israel phạm tội diệt chủng trong cuộc chiến ở Dải Gaza.
Tổng thống Biden nói Israel "không diệt chủng" ở Gaza
Hãng AFP đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 20.5 nói chiến dịch của Israel ở Dải Gaza không phải diệt chủng, đồng thời lên án công tố Karim Khan xin lệnh bắt lãnh đạo Tel Aviv. Ông Biden nhấn mạnh Israel mới là nạn nhân sau vụ tấn công của Hamas vào ngày 7.10.2023, đồng thời tái cam kết ủng hộ mạnh mẽ của Washington dành cho Israel trong nỗ lực loại bỏ Hamas. Chính quyền ông Biden những tháng qua phải đối mặt với sức ép về cách xử lý cuộc xung đột tại Gaza, trong bối cảnh giới chức y tế Gaza cho hay hơn 35.000 người đã thiệt mạng sau 7 tháng chiến sự và Gaza đứng trước nguy cơ khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Châu Âu cũng có những bất đồng về quyết định của công tố viên ICC. Đức và Ý lên án việc đánh đồng lãnh đạo Israel với phía Hamas, trong khi Bộ Ngoại giao Pháp ủng hộ xin lệnh bắt.
Bình luận (0)