Iceland trước nguy cơ vỡ nợ vòng hai

27/07/2010 00:45 GMT+7

Ngành tài chính Iceland đang đối mặt với nguy cơ sa vào vòng xoáy sụp đổ thứ hai sau quyết định mới đây của Tòa án tối cao nước này.

Ngày 9.3.2009, ngân hàng cuối cùng trong số 4 ngân hàng lớn nhất của Iceland là Straumur-Burdaras đã rơi vào tay chính phủ do cạn kiệt nguồn vốn giữa cơn bão tài chính quốc tế. Theo báo Guardian, Straumur-Burdaras theo chân 3 đại gia Glitnir, Landsbanki (còn gọi là Landsbankinn) và Kaupthing lọt vào danh sách quốc hữu hóa sau khi lỗ 699 triệu euro trong năm 2008. Cơ quan Giám sát tài chính Iceland đã đình chỉ hoạt động của hội đồng quản trị và thành lập một ủy ban mới để điều hành hoạt động của ngân hàng này.

Nguy cơ mới

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã kéo sập các ngân hàng lớn của Iceland từ tháng 10.2008. Hơn 1 năm sau sự kiện Straumur-Burdaras, báo cáo điều tra chính thức về nguyên nhân khiến hệ thống tài chính và tiền tệ Iceland sụp đổ do Ủy ban Điều tra đặc biệt của nước này công bố cho thấy chính phủ tiền nhiệm của Iceland đã "thiếu trách nhiệm trầm trọng", phớt lờ các tín hiệu cảnh báo và không thực thi các biện pháp cần thiết để ngăn chặn thảm họa kinh tế.

Chưa hết, các ngân hàng Iceland đang đối mặt với nguy cơ phải lao đao thêm lần nữa do một phán quyết của tòa án nước này. Bloomberg dẫn ước tính của Bộ Tài chính Iceland cho hay các nhà cho vay, bao gồm những người tiếp quản các ngân hàng Kaupthing, Glitnir và Landsbanki, có thể mất đến 4,3 tỉ USD, tương đương với 1/3 nền kinh tế Iceland, sau khi Tòa án tối cao nước này hôm 16.6 ra phán quyết cấm các khoản vay dựa trên ngoại tệ. Điều đó sẽ kéo nguồn vốn của một số ngân hàng xuống dưới mức tối thiểu hợp pháp.

Còn đó những nỗi lo 

Thông báo hôm 23.7 của Ủy ban Giám sát ngân hàng châu u cho biết chỉ có 7/91 ngân hàng ở cựu lục địa không qua được cuộc kiểm tra nhằm đánh giá khả năng ứng phó với một cuộc khủng hoảng mới. Tuy nhiên, theo báo The New York Times, những nghi vấn về cách thức tiến hành cuộc sát hạch khiến một số chuyên gia nghi ngờ rằng liệu kết quả trên có thể trấn an các nhà đầu tư vốn lo ngại về sự ổn định của hệ thống ngân hàng châu u hay không. Nhiều ngân hàng thuộc dạng "suýt rớt" trong cuộc sát hạch trên có thể phải chịu áp lực thị trường phải tăng vốn dự trữ để củng cố khả năng "sống sót" nếu lại xảy ra khủng hoảng.

Ông Gunnar Andersen, người đứng đầu Cơ quan Giám sát tài chính Iceland, cho biết: "Các ngân hàng có từ 1-2 tháng để bán tài sản hoặc huy động thêm vốn. Nếu không, họ có nguy cơ bị tước giấy phép".

Chính phủ Iceland, vốn đang dựa vào khoản vay 4,6 tỉ USD từ IMF để cứu vãn nền kinh tế, cho biết một cuộc giải cứu ngân hàng thứ hai sẽ là "cú đấm mạnh" vào nước này. Arnir Tomasson, người đứng đầu ủy ban giải quyết nợ của Ngân hàng Glitnir, nói các chủ nợ của Glitnir chắc chắn đang xem xét vị thế pháp lý của mình cũng như liệu họ có thể kiện Chính phủ Iceland hay không. AFP dẫn tuyên bố đưa ra cuối tháng trước của IMF nói rằng phán quyết của Tòa án tối cao Iceland có thể đe dọa sự hồi phục kinh tế của Iceland.

Hệ lụy

Một nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng tài chính của Iceland càng thêm trầm trọng là vì các ngân hàng vay các loại ngoại tệ như yen Nhật và franc Thụy Sĩ nhằm tận dụng lãi suất thấp rồi cho vay lại bằng đồng króna. Điều trớ trêu là đồng nội tệ của Iceland đã mất 39% giá trị so với đồng yen và 31% so với đồng franc Thụy Sĩ kể từ ngày 15.9.2008.

Các ngân hàng một mặt đang đau đầu nghĩ cách khắc phục hậu quả của chuyện này nhưng mặt khác lại phải bám vào các khoản vay dựa trên ngoại tệ để sống còn. Vì thế, tuy phán quyết nói trên nhằm ngăn chặn tình trạng ngân hàng "đánh cược" với ngoại tệ nhưng lại tước đi nguồn vốn hiếm hoi của họ. Bộ trưởng Tài chính Steingrimur J.Sigfusson cho biết các ngân hàng Iceland có tối đa 900 tỉ króna (khoảng 7,2 tỉ USD) giá trị các khoản vay bằng ngoại tệ.

Theo ông Gunnar Bjarni Vidarsson, chuyên gia kinh tế thuộc hãng IFS Consulting ở Reykjavik, riêng 3 ngân hàng lớn nhất có tổng vốn là 340 tỉ króna. "Nếu những ngân hàng này phải hạ 40-60% giá trị các khoản vay ngoại tệ, họ sẽ phá sản", ông nhận định.

Aska Capital, một ngân hàng với nguồn thu chính từ bộ phận cho vay mua xe, hôm 13.7 đã trở thành tổ chức tài chính đầu tiên tuyên bố phá sản do quyết định của Tòa án tối cao Iceland. Ngân hàng nào sẽ theo bước Aska Capital? Câu hỏi này chưa thể trả lời, nhưng liên minh cầm quyền tại Iceland cho biết gánh nặng nợ quốc gia khiến việc giải cứu các ngân hàng hầu như bất khả. Tổng nợ của Chính phủ Iceland sẽ đạt đến 110% GDP trong năm nay, theo ước tính của Ngân hàng Trung ương nước này, so với mức bình quân 80% của EU, liên minh mà Iceland đang muốn gia nhập.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.