TNO

Bánh gai Đức Thọ thắm đượm tình quê

24/03/2015 10:30 GMT+7

(iHay) Vị ngọt của bánh gai Đức Thọ được tạo nên từ nước mật mía đặc trưng của người miền Trung.

(iHay) Ai đi qua huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đều dễ bắt gặp hình ảnh những rổ bánh gai bày bán hai bên đường hay tiếng rao bán bánh ở bến xe, ga tàu. Thứ bánh có màu đen, mềm dẻo và ngọt ngào ấy đã gắn bó với người dân Đức Thọ bao đời nay. 

>> Thương thầm bánh ít lá gai Bình Định


Bánh gai được gói bằng lá chuối khô dân dã

Bánh gai quê tôi được làm từ bột gạo nếp, sử dụng lá gai để làm dậy mùi của bánh. Nhân bánh làm bằng đậu xanh sên nhuyễn cùng đường. Thế nhưng, vị ngọt của phần vỏ bánh gai lại được tạo nên từ nước mật mía đặc trưng của người miền Trung.

Ngày nhỏ, tôi từng được ngồi kề bên xem ngoại làm bánh. Bàn tay ngoại nhồi bánh nhuần nhuyễn để khi hấp bánh được dẻo và mịn hơn. Ngoại bảo, muốn bánh gai ngon thì phải chọn gạo nếp thơm, xay thành bột rồi nhào với nước lá gai tươi. Ngày đó, lá gai mọc quanh vườn nên hễ muốn ăn bánh là tôi lại đi hái lá để ngoại làm. Ngoại giã nhuyễn lá gai rồi chắt lấy nước trộn với bột nếp. Thêm một ít mật mía vào phần bột nếp, vậy là mẻ bột đã “biến sắc” thành màu xanh đen.


 Bánh gai Đức Thọ có màu đen bóng láng  

Tôi thường hí hửng nhất khâu nặn bánh. Để nhân đậu thơm ngon hơn, ngoại trộn thêm cùi dừa đã nạo sợi. Nặn bánh gai cũng cần sự khéo léo bởi bột nếp dẻo, rất dễ dính vào tay. Ngoại chỉ tôi cách thoa một ít dầu ăn vào tay, rồi “véo” bột nếp, lăn tròn rồi ấn dẹt. Sau đó, tôi nhẹ nhàng đặt đậu xanh vào giữa, tỉ mỉ dùng lá chuối gói bánh lại gọn gàng.

Bánh sau khi gói xong, đặt vào chiếc nồi để hấp trong khoảng 2-3 giờ đồng hồ. Bánh chín, hương thơm tỏa khắp nơi khiến lũ bạn hàng xóm “không gọi mà sang”. Chúng tôi chầu chực cho tới khi nguội, từ từ bóc từng lớp lá và thưởng thức. Phần vỏ bánh lúc đã hoàn toàn chuyển sang màu đen, vừa ngọt vị mía vừa thơm mùi lá gai, mùi gạo nếp. Trong khi đó, nhân bánh đậu xanh quyện với mùi dừa vừa bùi, vừa ngậy. Ăn hết một cái, đứa nào đứa nấy lại xin ngoại thêm…

Những người lần đầu tiên ăn bánh gai chắc chắn thắc mắc rằng “sao bánh lại được gói bằng lá chuối khô mà không phải lá chuối tươi?”. Câu trả lời là bởi lá chuối khô có mùi thơm, khi kết hợp với mùi lá gai thì lại trở nên rất “hấp dẫn”. Ngoài ra, lá chuối khô giúp bánh bảo quản được lâu hơn.


 Bánh gai Đức Thọ có vị ngọt đặc trưng của mật mía 

Bánh gai quê ngoại luôn có sẵn bốn mùa. Món bánh dân dã này đã gắn bó với biết bao đời người và theo chân bao người con tới bao miền Tổ quốc. Mỗi khi ghé thăm quê, vẫn hình ảnh ngoại ngồi bên hiên làm bánh rồi gói cẩn thận cho con cháu làm quà, chúng tôi như chẳng muốn rời xa chốn này.

Hôm nay được ăn bánh gai của ngoại, tôi lại bồi hồi nhớ câu:

“Ai về Tùng Ảnh quê tui
Dâng hương Trần Phú, nhớ mùi bánh gai...”

Tuệ Minh

>> Mê mẩn bánh mì cay Hải Phòng
>> Khéo tay làm bánh lăn ăn Tết
>> Nhớ da diết cá hấp cuốn bánh tráng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.