TNO

Trót yêu bún riêu Buôn Ma Thuột

20/09/2016 15:08 GMT+7

(iHay) Là người miền Tây nhưng không hiểu sao tôi lại trót yêu cái mùi, cái vị của bún riêu Buôn Ma Thuột.

(iHay) Là người miền Tây nhưng không hiểu sao tôi lại trót yêu cái mùi, cái vị của bún riêu Buôn Ma Thuột.

Không màu mè, không chịu thay đổi mình là những điều mà người ta vẫn thường nói về bún riêu Buôn Ma Thuột. Và có lẽ vì những điều đó mà ai đã lỡ ăn thì sẽ trót yêu luôn tô bún riêu của xứ này.
Ở Sài Gòn, gần như không món ăn vùng nào là không có. Nhưng khi ăn ở Sài Gòn, người ta sẽ thấy Sài Gòn có khả năng thay đổi hương vị gốc của tất cả món ngon từ mọi vùng đất. Ăn món quê trên đất Sài Gòn chỉ để bớt nhớ, chứ khó mà tận hưởng lại cái vị gốc của món ăn ấy. Thế nhưng, với món bún riêu Buôn Ma Thuột thì lại khác. Món ăn này chẳng cần biết người Sài Gòn có thích thú mùi vị của mình hay không, hay người Sài Gòn có chào đón mình không, nó vẫn giữ đúng mọi thứ từ các cách ăn rau phải thái mỏng, từng tóp mỡ đến cái hương vị nước lèo có một không hai.
Nếu bún riêu miền Nam có nào là đậu chiên, chả lụa, thịt viên… thì tô bún Buôn Mê Thuột thì lại khác. Cọng bún nhỏ, nước dùng chỉ tới lưng tô. Một đến hai miếng riêu nhỏ kèm tóp mỡ mà thôi. Chưa kể do được ăn với rau sống băm nhuyễn, nên tô bún nhìn rất thanh cảnh. Màu xanh của rau cùng màu đỏ óng ánh của nước lèo càng thêm hấp dẫn thực khách. Rau của món bún này khá đa dạng gồm xà lách và bắp chuối bào mỏng, bắp cải trộn với rau thơm. Hai loại rau không thể thiếu khi thưởng thức bún riêu Buôn Ma Thuột là rau kinh giới và húng. Một điểm nữa cũng khiến hương vị của bún riêu vùng tây nguyên đặc biệt là miếng riêu béo thơm. Được biết, riêu được nấu bằng tôm, cua đồng giã nhuyễn, trộn cùng ít thịt nạc dăm và trứng. Riêu có tôm khiến cho tô bún có vị ngọt thanh, còn cua đồng giúp tăng vị béo rất vừa ăn. Màu đỏ của món bún riêu Buôn Ma Thuột hoàn toàn dựa vào cà chua xào và ít màu tự nhiên của hạt điều, nên rất an toàn.
Chỉ cần gắp một đũa đưa lên miệng, những ai từng nếm qua bún riêu tại Buôn Ma Thuột hay cả người con xa xứ của vùng đất này đều phải thốt lên rằng: “Chính là nó! Không thể lẫn vào đâu được”. Ăn bún riêu tại Buôn Ma Thuột, thực khách thường tìm đến quán Đoàn Kết, còn ở Sài Gòn người ta lại đến quán café Bâng Khuâng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.