Indo-Pacific - tâm điểm bên lề hội nghị thượng đỉnh G20

Khánh An
Khánh An
31/10/2021 11:05 GMT+7

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) là tâm điểm của nhiều nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh G20 đang diễn ra ở Ý.

Lãnh đạo các nước G20 tại hội nghị thượng đỉnh ở Rome

reuters

Theo tờ Nikkei Asia, giới lãnh đạo Mỹ và châu Âu tận dụng cơ hội tại cuộc họp thượng đỉnh G20 ở Rome (Ý) để nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Indo-Pacific và trao đổi với các đối tác trong khu vực.

Hội nghị thượng đỉnh G20 (30-31.10) là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của các nước thành viên trong 2 năm qua, dù một số lãnh đạo như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tham dự trực tuyến.

Đến tối 30.10 (giờ địa phương) Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp lãnh đạo các nước Ấn Độ, Indonesia và Hàn Quốc, lần nào ông cũng đề cập Indo-Pacific và nhấn mạnh cam kết của Pháp vì sự ổn định và hợp tác trong khu vực.

Tổng thống Macron còn cam kết tăng cường mối quan hệ giữa châu Âu với Đông Nam Á trong thời gian Pháp giữ vai trò chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu và nửa đầu năm 2022.

Liên minh châu Âu (EU) cũng nỗ lực tăng cường quan hệ với các thành viên G-20 đến từ Indo-Pacific. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen để thảo luận về khí hậu, Afghanistan và Indo-Pacific.

“EU là một trong những đối tác rất quan trọng của Ấn Độ và tại các cuộc gặp hôm nay, các nhà lãnh đạo đã xem xét lại hợp tác Ấn Độ - EU về chính trị, an ninh, thương mại, đầu tư cũng như Lộ trình 2025 đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh Ấn Độ - EU mới đây”, theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng đã gặp ông Michel để thảo luận về biện pháp tăng cường mối quan hệ đối tác, cũng như hợp tác kỹ thuật số, thiết bị vi xử lý, chuỗi cung ứng và liên minh Úc, Anh, Mỹ (AUKUS).

Thông cáo chung của các nhà lãnh đạo ghi nhận “tầm quan trọng của sự hợp tác mạnh mẽ ở Indo-Pacific, đặc biệt là với các thách thức kinh tế và chiến lược gia tăng ở đó”.

“Họ ủng hộ đối thoại tiếp tục và hợp tác thực tế với các đối tác ở Indo-Pacific, lưu ý tầm quan trọng trong nỗ lực chung nhằm ủng hộ trật tự thế giới dựa trên pháp luật và quyết định các tiếp cận chung đối với các thách thức toàn cầu”, theo thông cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.