Indonesia rúng động vì khủng bố

15/01/2016 09:11 GMT+7

Bảy vụ nổ liên tiếp, theo sau là đấu súng, làm 7 người chết ở thủ đô Jakarta (Indonesia) ngày 14.1 gây hoang mang trong khu vực về nguy cơ bị tấn công bởi IS.

Bảy vụ nổ liên tiếp, theo sau là đấu súng, làm 7 người chết ở thủ đô Jakarta (Indonesia) ngày 14.1 gây hoang mang trong khu vực về nguy cơ bị tấn công bởi IS.

Một kẻ tấn công chĩa súng vào cảnh sát và đám đông ở Jakarta - Ảnh: Reuters/Tân Hoa xãMột kẻ tấn công chĩa súng vào cảnh sát và đám đông ở Jakarta - Ảnh: Reuters/Tân Hoa xã
ít nhất 7 người chết, 20 người bị thương

Vietnam Airlines khai thác bình thường đường bay đi Jakarta

Vietnam Airlines tối qua 14.1 cho biết hiện tại kế hoạch khai thác các chuyến bay đến/đi từ Jakarta của hãng không bị ảnh hưởng sau vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Jakarta, Indonesia. Trong hôm qua 14.1, chuyến bay VN631 khởi hành từ TP.HCM đã hạ cánh an toàn tại sân bay Jakarta lúc 13 giờ (giờ địa phương) và chuyến bay VN630 khởi hành từ Jakarta đã hạ cánh an toàn tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc 16 giờ 50 (giờ địa phương). Đại diện Vietnam Airlines cũng cho biết sẽ thường xuyên cập nhật tình hình tại Jakarta.  
 M.Hà

Báo Jakarta Globe trích lời các nhân chứng cho hay vụ nổ đầu tiên xảy ra ở bãi đỗ xe của quán cà phê Starbucks trong tòa nhà Skyline ở trung tâm thủ đô Jakarta lúc 10 giờ 50 phút (giờ địa phương). Liền sau đó, 6 vụ nổ liên tiếp xảy ra trong vòng 10 phút tại nhiều địa điểm lân cận, trong đó có một đồn cảnh sát ngay giao lộ. Các vụ nổ về sau được xác định là mang tính chất đánh bom tự sát và lựu đạn có thể cũng đã được sử dụng.
Một khu vực rộng lớn lập tức bị phong tỏa, trong khi cảnh sát truy lùng những kẻ vũ trang chạy bộ hoặc đi xe gắn máy. Lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố đã được triển khai. Không chỉ trong tòa nhà Skyline, cảnh sát còn lục soát cửa hàng thức ăn nhanh McDonald's trong trung tâm thương mại Sarinah bên cạnh. Đấu súng giữa cảnh sát và những kẻ tấn công mang khí giới đã diễn ra trong nhiều giờ sau đó, cạnh các tòa nhà thương mại và trên đường phố, gây kinh hoàng cho người dân. Tân Hoa xã chụp được bức ảnh một người đàn ông mang súng và đeo lựu đạn quanh mình chạy trên đường phố.
Cho đến gần cuối buổi chiều, tiếng súng mới chấm dứt và lời khẳng định “tình hình trong tầm kiểm soát” của các cơ quan an ninh và Tổng thống Indonesia Jokowi Widodo mới phần nào có tác dụng trấn an. Thông tin về con số thương vong, số kẻ tấn công và trang bị của chúng vô cùng rối rắm và thay đổi liên tục. Vào đầu giờ chiều, báo chí trích lời lực lượng an ninh cho hay có 6 người chết trong các vụ nổ và đấu súng, gồm 3 cảnh sát và 3 thường dân. Nhưng đến gần 19 giờ, thông tin chính thức từ Ban Thư ký Văn phòng chính phủ cho hay có 7 người chết, gồm 1 công dân Canada, 1 thường dân Indonesia và 5 kẻ tấn công. Ngoài ra, có 15 thường dân và 5 cảnh sát bị thương. Trước đó có tin 1 cảnh sát tử thương trong lúc đấu súng và 1 công dân Hà Lan thiệt mạng. Cơ quan ngoại giao của Hà Lan sau đó xác nhận 1 công dân của họ bị thương nặng.
Theo sau các vụ nổ, thị trường tài chính Indonesia biến động mạnh. Chỉ số chứng khoán Jakarta Composite giảm 2%; đồng rupiah giảm 1% so với đồng USD.
Tổng thống Jokowi Widodo đã cắt ngắn chuyến thăm tỉnh Tây Java để về thủ đô xử lý khủng hoảng. Gọi các vụ tấn công là “hành động khủng bố”, ông Jokowi tuyên bố: “Tôi đã lệnh cho cảnh sát trưởng và bộ trưởng nội vụ truy lùng và bắt bằng được những kẻ liên quan vụ này cũng như những kẻ nằm trong mạng lưới của chúng”.
Cơ quan ngoại giao nhiều quốc gia như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc... lần lượt có thông cáo cho hay không có công dân của họ bị ảnh hưởng trong các vụ tấn công. Ông Đoàn Văn Nam, cán bộ phụ trách thông tin của Đại sứ quán VN tại Jakarta, cho Thanh Niên hay không có thông tin về người Việt bị ảnh hưởng và sứ quán luôn theo dõi sát sao tình hình, tiếp nhận thông tin để kịp thời xử lý nếu có.
IS nhận trách nhiệm
Sau các vụ nổ, giới quan sát khu vực và thế giới lập tức liên hệ đến những vụ tấn công tương tự xảy ra cách đây chưa lâu ở thủ đô nước Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, mà thủ phạm là những tên khủng bố thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS). Có mặt ở hiện trường 2 giờ sau các vụ nổ, Giám đốc Cơ quan tình báo Indonesia, ông Sutiyoso thoạt đầu nhận định: “Không có dấu hiệu IS đứng sau vụ này”.
Nhưng nhận định của ông Sutiyoso đã bị cảnh sát bác bỏ sau đó. Phát biểu trước các phóng viên, Phó giám đốc Cảnh sát quốc gia Budi Gunawan nói ông tin rằng một nhóm vũ trang đóng ở thành phố Solo, tỉnh Trung Java, được biết có liên hệ với IS ở Syria, đứng sau các vụ này. Cảnh sát Jakarta cũng cho hay trước các vụ tấn công, IS đã phát một cảnh báo mơ hồ rằng sẽ có “một buổi hòa nhạc ở Indonesia và nó trở thành tin nóng của thế giới”.
Vào tối qua, thông qua kênh truyền thông Aamaaq, IS tuyên bố nhận trách nhiệm: “Các chiến binh IS sáng nay đã thực hiện một vụ tấn công vũ trang nhằm vào những người nước ngoài và các lực lượng an ninh bảo vệ họ ở thủ đô Indonesia”.
Nhận định với Thanh Niên về vụ tấn công, Phó giáo sư Kumar Ramakrishna, chuyên gia về các nhóm vũ trang ở Indonesia tại Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore), cho rằng sự dính líu của IS trong vụ tấn công hôm qua ở Jakarta là “rất rõ ràng” thể hiện qua cách thức và mục tiêu tấn công, khá tương tự vụ ở Paris ngày 13.11.2015. “Nhưng vấn đề là IS đã đóng vai trò nào? Có thể là những chiến binh Indonesia trở về từ cứ địa IS, cũng có thể là nhóm Chiến binh Hồi giáo Đông Indonesia (MIT) có liên hệ với IS, hoặc một sự kết hợp nào đó”, ông Ramakrishna phân tích.
Indonesia rúng động vì khủng bốCác địa điểm bị tấn công  - Ảnh: Daily Mail
Bất an lan rộng
Indonesia là quốc gia bị đe dọa trường kỳ bởi các nhóm vũ trang và vụ tấn công khủng bố quy mô lớn cuối cùng xảy ra vào tháng 7.2009. Vụ tấn công xảy ra sau 6 năm Indonesia được tạm yên đã gây chấn động khu vực, trước mối nguy IS đang lan tràn khắp thế giới.
Bình luận về vụ tấn công mới nhất, Phó giáo sư Ramakrishna cho rằng đây có thể là phát pháo khởi đầu các vụ tương tự mà IS có thể thực hiện trong khu vực Đông Nam Á. “IS có mạng lưới ủng hộ khắp khu vực. Các nhóm vũ trang ở miền nam Philippines và Indonesia như MIT đã thể hiện sự ủng hộ IS. Vì vậy, chính phủ các quốc gia trong khu vực cần hết sức cẩn thận”, ông nói.
Jakarta ngày 14.1 đã siết chặt an ninh toàn quốc và đặt các lực lượng bảo an trong tình trạng sẵn sàng hành động. Một loạt nước láng giềng đã lên án vụ tấn công, tuyên bố sẽ hỗ trợ Indonesia truy bắt và trừng phạt thủ phạm, đồng thời cũng đặt an ninh quốc gia mình trong tình trạng khẩn cấp. Quân đội Singapore chiều 14.1 tuyên bố: “Các binh sĩ làm nhiệm vụ của chúng tôi sẽ tăng thêm khâu kiểm tra để phát hiện những dấu hiệu bất thường và phản ứng ngay với những hành vi khả nghi”. Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng khẳng định an ninh nước này đã được nâng lên mức cao nhất. Trong khi đó, cảnh sát và quân đội Philippines ra thông cáo: “Các lực lượng an ninh của chúng tôi nhận thức rõ mối đe dọa đang nổi lên và sẽ thực hiện mọi biện pháp để ngăn chặn các hành động khủng bố trên toàn quốc”.
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên liệu mục tiêu tiếp theo có thể nơi nào, Phó giáo sư Ramakrishna không giấu sự lo ngại của ông: “Tôi e rằng Malaysia, nơi lý tưởng của IS đang được lan truyền và trở thành mối lo thực sự, và Philippines, nơi các nhóm vũ trang ở miền nam đã công khai ủng hộ IS, cần phải tăng cường an ninh tối đa”. Ông Ramakrishna cũng nhấn mạnh, vụ tấn công ngày 14.1 nhằm vào trung tâm thương mại Sarinah và quán cà phê Starbucks, những nơi công cộng, cho thấy “giết thường dân là hành động không gớm tay của IS”.
Hoạt động khủng bố tại Indonesia
12.2000: Các quả bom tự chế được giấu trong những gói quà Giáng sinh gửi tới nhiều nhà thờ ở Indonesia, khiến ít nhất 19 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
10.2002: Hàng loạt hộp đêm trên đảo Bali bị đánh bom, cướp đi sinh mạng của 202 người, hầu hết là du khách nước ngoài.
9.2004: Một vụ đánh bom tự sát bằng xe hơi bên ngoài Đại sứ quán Úc ở Jakarta khiến 10 người chết.
5.2005: Đánh bom kép tại một ngôi chợ ở thị trấn Tentena khiến 22 người thiệt mạng. Vụ tấn công mang dấu ấn của tổ chức Hồi giáo cực đoan Jemaah Islamiyah.
10.2005: Ba kẻ đánh bom liều chết nhằm vào các tụ điểm đông du khách ở Bali, khiến 20 người thiệt mạng.
7.2009: Nhiều vụ đánh bom tự sát nhằm vào các khách sạn sang trọng Ritz-Carlton và JW Marriott ở Jakarta làm 7 người chết và hơn 40 người khác bị thương.
8 - 9.2009: Noordin Mohammed Top, nghi phạm chủ mưu các vụ đánh bom ở Bali, bị tiêu diệt trong cuộc bố ráp của cảnh sát tại đảo Java. Ba đồng phạm của Top cũng bị tiêu diệt sau khi cảnh sát phát hiện âm mưu đánh bom ám sát Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono.
6.2011: Abu Bakar Bashir, lãnh tụ tinh thần của Jemaah Islamiyah, lãnh án 15 năm tù giam vì rót tiền cho các hoạt động khủng bố.
6.2013: Badri Hartono, thủ lĩnh của một tổ chức có tên gọi là al-Qaeda Indonesia, bị kết án 10 năm tù vì tuyển người cho các trại huấn luyện khủng bố.
12.2014: Cảnh sát bắt giữ 6 người tìm cách đến Syria để tham gia tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Ước tính có 514 người Indonesia đã đến Iraq và Syria sát cánh cùng IS.
11 - 12.2015: Indonesia tăng cường an ninh tại các sân bay theo sau thông tin về việc một sân bay tại thủ đô Jakarta bị đe dọa đánh bom. Cảnh sát cũng đã chặn đứng nhiều âm mưu tấn công khủng bố, trong đó có kế hoạch tấn công liều chết trong dịp năm mới.    
Châu Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.