Trả lời phỏng vấn Reuters ngày 15.9, giám đốc cơ quan an ninh hàng hải Indonesia (còn gọi là Bakamla), ông Aan Kurnia cho biết tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna hôm 12.9.
Tàu hải cảnh Trung Quốc rời khỏi khu vực vào ngày 14.9 sau khi phía Indonesia phát cảnh báo thông qua vô tuyến, theo ông Aan. Luật quốc tế cho phép tàu thuyền di chuyển qua EEZ của một quốc gia khác, nhưng tàu hải cảnh Trung Quốc hiện diện ở đó quá lâu, ông Aan lưu ý.
"Tàu Trung Quốc di chuyển theo vòng tròn nên chúng tôi nghi ngờ. Chúng tôi đã tiếp cận và phát hiện đó là tàu hải cảnh Trung Quốc", ông Aan nói, đồng thời cho biết lực lượng hải quân Indonesia sẽ tăng cường hoạt động tuần tra đảm bảo an ninh quanh quần đảo Natuna. Trước đó, Bộ Ngoại giao Indonesia đã gửi công hàm phản đối động thái của tàu hải cảnh Trung Quốc.
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân cho biết tàu hải cảnh thực hiện "nhiệm vụ tuần tra bình thường trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc". "Quyền và lợi ích của Trung Quốc trong các vùng biển liên quan ở Biển Đông là rõ ràng", ông Vương nói trong buổi họp báo ngày 15.9.
Cách đây 10 tháng, một cuộc đối đầu xảy ra khi một tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống các tàu cá tiến vào vùng biển phía bắc Natuna, buộc Indonesia phải điều động các chiến đấu cơ và huy động cả ngư dân của mình để ứng phó. Tàu hải cảnh Trung Quốc thường hoạt động bên cạnh các tàu cá mà theo giới chuyên gia là lực lượng dân quân biển.
Hồi năm 2017, Indonesia đã đổi tên khu vực phía bắc của EEZ là Biển Bắc Natuna nhằm đẩy lùi tham vọng củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ôm gần hết Biển Đông, bao gồm quần đảo Natuna.
Bình luận (0)