Iran, Ả Rập Xê Út: Sóng gió Trung Đông

12/10/2011 15:12 GMT+7

(TNO) Những tố cáo về âm mưu ám sát Đại sứ Ả Rập Xê Út tại Mỹ là vụ khiêu khích mới nhất và có lẽ là táo tợn nhất trong mối quan hệ thù hận chực chờ bùng phát giữa Iran và Ả Rập Xê Út, hai thế lực trong khu vực vốn từ lâu đã phát động các cuộc chiến ủy nhiệm để giành vị thế trong thế giới Hồi giáo.

>> Iran phản ứng với cáo buộc khủng bố của Mỹ
>> Mỹ phá âm mưu ám sát Đại sứ Ả Rập Xê Út

Bất luận ai là người đứng sau, âm mưu tấn công ở Washington có vẻ như được chuẩn bị để khai mào một cuộc chiến tại Trung Đông.

Khu vực này vốn đã ở bên bờ vực xung đột xung quanh chương trình hạt nhân của Iran, với việc Israel ngày càng bồn chồn trước những tiến triển của Iran trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân.

Những bức điện tín ngoại giao bị rò rỉ của Mỹ từng cho thấy, Quốc vương Ả Rập Abdullah đã liên tục thúc giục Mỹ “hãy đập đầu con rắn” và tấn công Iran.


 Đại sứ Ả Rập Xê Út tại Mỹ Adel al-Jubeir - Ảnh: AFP

Theo tờ The Guardian, vụ ám sát Đại sứ Ả Rập Xê Út với con số thiệt hại nhân mạng lớn của người Mỹ (nếu xảy ra) và có lẽ thêm cả một cuộc tấn công tòa Đại sứ Israel sẽ bảo đảm làm bùng lên ngọn lửa tại Trung Đông.

Iran và Ả Rập Xê Út vốn đã ở trong tình trạng chiến tranh lạnh vài thập kỷ, đặc biệt kể từ khi cuộc cách mạng Iran 1979 thiết lập nên chế độ thần quyền ở Tehran, vốn công khai thách thức tính hợp pháp của vương triều Ả Rập Xê Út. Mối thù hận càng được kích phát bởi những căng thẳng phe phái.

Iran có dân số chủ yếu là người Hồi giáo dòng Shiite trong khi Ả Rập Xê Út phần lớn là người Sunni. Tuy nhiên, trung tâm tham vọng của cả hai là áp đặt sự thống trị về kinh tế và chính trị trên khắp Trung Đông.

Xung đột giữa hai nước từng dâng cao và chìm xuống trong nhiều năm, song nó đã bùng phát với sự mãnh liệt được tiếp thêm từ Mùa xuân Ả Rập, vốn kích phát các cuộc nổi dậy lật đổ hoặc đe dọa lật đổ những đồng minh lâu đời của cả hai.

Quan chức hai nước này không tốn thời gian để mạt sát lẫn nhau sau khi Bộ Tư pháp Mỹ thông báo, họ đã khởi tố hai người Iran âm mưu ám sát Adel al-Jubeir, Đại sứ Ả Rập Xê Út tại Mỹ và là người tin cẩn của Quốc vương Abdullah.

Tòa Đại sứ Ả Rập Xê Út tại Washington tuyên bố âm mưu là “một sự vi phạm hèn hạ các quy tắc, tiêu chuẩn cùng các công ước và không phù hợp với các nguyên tắc của nhân loại”. Trong khi đó, phía Iran tố cáo đây là một âm mưu của Mỹ và Israel nhằm cô lập Iran.

Căng thẳng giữa hai nước tăng cao vào tháng 3, khi Ả Rập Xê Út gửi binh lính sang đất nước láng giềng Bahrain để yểm trợ cho gia đình hoàng gia dòng Sunni giữa lúc có những lo ngại rằng những người biểu tình Shiite có thể sẽ đứng về phía Iran.

Trong khi đó, Tehran cũng hết sức lo ngại về cuộc nổi dậy thách thức quyền cai trị của gia đình Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, đồng minh Ả Rập thân cận nhất của Iran.

Một hậu quả có thể từ âm mưu nói trên là Ả Rập Xê Út sẽ trả đũa bằng cách tăng cường hỗ trợ phong trào biểu tình tại Syria.

“Ả Rập Xê Út miễn cưỡng ra mặt chống đối chế độ Syria. Song lúc này họ sẽ trở nên táo tợn hơn”, ông Hilal Khashan, giáo sư khoa học chính trị tại trường Đại học Mỹ ở Beirut, nói với tờ Washington Post.

Ả Rập Xê Út và Iran cũng cạnh tranh gay gắt để giành ảnh hưởng tại Iraq từ năm 2003, khi Mỹ phát động cuộc chiến vốn lật đổ Saddam Hussein, song đồng thời kích phát một cuộc chiến tranh phe phái tại nước này.

Hai đối thủ trên cũng cạnh tranh giành ảnh hưởng ở Li-băng và Palestine.

Ông Frederic Wehrey, một nhà phân tích chuyên về quan hệ Ả Rập Xê Út - Iran của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển của Mỹ (Rand Corp.), nói: “Những chiếc găng tay đã được vất ra. Chúng ta đã ở mức thấp (trong quan hệ Ả Rập Xê Út - Iran) và điều này chỉ làm mọi chuyện tồi tệ hơn”.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn thấy khó hiểu khi người Iran mở rộng cuộc chiến ủy nhiệm giữa họ và Ả Rập Xê Út đến đất Mỹ.

Chuyên gia Alireza Nader thuộc Rand Corp. nói với tờ New York Times: “Đây là một thủ đoạn rủi ro cao mà ít hiệu quả và làm điều này trên đất Mỹ thậm chí sẽ nhiều khả năng thất bại hơn”.

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.