Israel hé lộ tham vọng kiểm soát Gaza giữa lúc áp lực đè nặng lên Mỹ

07/11/2023 11:28 GMT+7

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết nước này sẽ chịu trách nhiệm về an ninh của Dải Gaza vô thời hạn sau khi cuộc chiến với Hamas kết thúc, giữa lúc chính quyền Mỹ chịu sức ép ngày càng lớn trong việc kiềm chế đồng minh.

"Israel sẽ chịu trách nhiệm về an ninh tổng thể (ở Gaza) trong một khoảng thời gian không xác định... Khi chúng tôi không gánh vác trách nhiệm về an ninh đó, điều chúng tôi phải đối mặt là sự trỗi dậy của khủng bố Hamas ở quy mô mà chúng tôi không thể tưởng tượng được", ông Netanyahu nói trong một cuộc phỏng vấn với ABC News (Mỹ), phát sóng hôm 6.11.

Israel trước đó được cho là vẫn chưa hình dung rõ ràng về tương lai Gaza sau khi chiến sự kết thúc, dù họ quyết tâm tiêu diệt Hamas, tổ chức chính trị - quân sự Palestine đã kiểm soát Gaza trên thực tế từ năm 2007.

Điểm xung đột: Quân Israel "cắt đôi" Gaza; Tổng thống Ukraine nói xung đột chưa bế tắc

Gaza, một dải đất hẹp ven biển với khoảng 2,3 triệu dân trước chiến sự, là một trong 3 khu vực mà người Palestine cư trú và coi là lãnh thổ "nhà nước tương lai" của họ, cùng với Bờ Tây và Đông Jerusalem.

Phát biểu mới nhất của ông Netanyahu trên truyền hình Mỹ hé lộ phần nào ý định của Israel và dẫn đến những lo ngại mới về xung đột đã kéo dài hàng thập niên giữa người Israel và người Palestine.

Israel hé lộ tham vọng kiểm soát Gaza giữa lúc áp lực đè nặng lên Mỹ - Ảnh 1.

Quân đội Israel gần Gaza hôm 6.11

REUTERS

Israel đã rút quân khỏi Dải Gaza vào năm 2005. Hai năm sau, Hamas giành quyền lực từ đảng Fatah của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, lực lượng đang lãnh đạo Chính quyền Palestine và thực thi quyền tự trị hạn chế ở một số khu vực của Bờ Tây.

Washington đã lên tiếng ủng hộ giải pháp "hai nhà nước" để giải quyết xung đột Israel-Palestine. Trong cuộc gặp với ông Abbas tại Bờ Tây hôm 5.11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Chính quyền Palestine nên là thế lực kiểm soát Gaza sau chiến sự, theo AFP. Song Hamas cho biết họ sẽ không bao giờ chấp nhận một chính phủ bù nhìn ở Gaza và "không có thế lực nào trên trái đất có thể tiêu diệt" họ.

Trong cuộc phỏng vấn với ABC News, Thủ tướng Netanyahu cũng cho biết Israel sẽ xem xét "ngừng bắn chiến thuật" tạm thời trong giao tranh ở Gaza để tạo điều kiện cho việc đưa viện trợ nhân đạo vào khu vực cũng như sơ tán các con tin mà Hamas bắt giữ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo tái khẳng định Israel không chấp nhận ngừng bắn hoàn toàn chừng nào chưa giải cứu được toàn bộ con tin.

Nhóm nhà ngoại giao Mỹ lên án chính sách của Washington về Israel

"Về những lần tạm thời ngừng bắn quy mô nhỏ, mang tính chiến thuật - một giờ ở đây, một giờ ở đó - chúng tôi đã từng làm trước đây. Tôi cho rằng chúng tôi sẽ kiểm tra tình hình, để cho phép hàng hóa, viện trợ nhân đạo đi vào (Gaza), hoặc cho phép con tin thoát đi", ông Netanyahu nói trong cuộc phỏng vấn.

Cuộc phỏng vấn diễn ra cùng ngày Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với ông Netanyahu để thảo luận về khả năng "ngừng bắn chiến thuật" ở Gaza. Washington đang hứng chịu sức ép ngày càng lớn cả trong lẫn ngoài nước về việc kiềm chế Israel, giữa lúc thương vong và khủng hoảng nhân đạo ở Gaza gây ra sự phẫn nộ trên toàn cầu.

Sức ép với Mỹ

Politico hôm 6.11 tiết lộ nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích cách tiếp cận và chính sách của chính quyền Biden đối với xung đột Hamas-Israel. Là đồng minh chủ chốt, Mỹ cho rằng Israel có quyền tự vệ, cam kết ủng hộ nước này trong cuộc chiến với Hamas và đến nay vẫn không kêu gọi đình chiến.

Theo tài liệu nội bộ của Bộ Ngoại giao Mỹ mà Politico xem được, các nhân viên của bộ đưa ra hai yêu cầu chính đối với ông Biden: ủng hộ ngừng bắn hoàn toàn, cũng như cân bằng giữa trao đổi riêng tư và tuyên bố công khai đối với Israel, bao gồm việc chỉ trích chiến thuật quân sự của Israel và cách nước này đối xử với người Palestine.

10.000 người thiệt mạng trong xung đột Gaza, LHQ yêu cầu ngừng bắn

Tài liệu này cho rằng khoảng cách giữa thông điệp riêng tư và công khai của Washington "góp phần khiến công chúng tại khu vực nghĩ Mỹ thiên vị và không trung thực", và điều này không thúc đẩy, thậm chí là gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới.

Hôm 19.10, Ngoại trưởng Blinken đã gửi thư cho toàn thể nhân viên, thừa nhận những tổn thương tinh thần mà xung đột Hamas-Israel đã gây ra cho những người làm việc Bộ Ngoại giao Mỹ, giữa lúc truyền thông đưa tin về sự bất mãn trong cơ quan này vì phản ứng của Washington.

Những cuộc biểu tình phản đối Mỹ và Israel, tại Mỹ và một số nước, cũng có tiềm năng trở thành thách thức đối với ông Biden, trong bối cảnh ông đang tìm cách ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa thông qua cuộc bầu cử năm sau.

Hàng trăm nhà hoạt động Do Thái đã xâm chiếm Tượng Nữ thần Tự do ở thành phố New York (Mỹ) hôm 6.11 để yêu cầu Israel ngừng bắn và chấm dứt "cuộc bắn phá diệt chủng" nhằm vào dân thường ở Gaza.

Mặc áo phông đen có in khẩu hiệu "Người Do Thái yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức" hoặc "Không được nhân danh chúng tôi", những người biểu tình giăng biểu ngữ có nội dung "Cả thế giới đang theo dõi" và "Người Palestine nên được tự do" tại chân công trình biểu tượng của New York, theo AFP.

Thành phố này là nơi sinh sống của khoảng hai triệu người Do Thái và hàng trăm nghìn người Hồi giáo, và cho đến nay chưa ghi nhận bạo lực liên quan đến xung đột Hamas-Israel, mặc dù có thể thấy rõ căng thẳng ở một số địa điểm như trường đại học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.