Kẻ biến thái đột nhập thang máy chung cư

07/06/2018 18:25 GMT+7

Mới đây, nữ doanh nhân 9X Tuệ Nghi đã chia sẻ câu chuyện về tình trạng xâm hại và quấy rối tình dục trong thang máy chung cư. Câu chuyện nhận được sự quan tâm của nhiều bạn gái trẻ.

Nhìn bằng ánh mắt quấy rối 

Mở đầu câu chuyện của mình, Tuệ Nghi viết: “Việc này khá phổ biến mặc dù thang máy nào cũng có camera an ninh, tuy nhiên chính vì nó không được đánh giá là nghiêm trọng như các vụ án hiếp dâm nên nạn nhân đa số đều chọn cách cho qua. Cá nhân mình hôm qua cũng suýt rơi vào trường hợp này cho nên quyết định viết về chủ đề này”.

Tuệ Nghi kể: “Trời chạng vạng, gã đàn ông đó đi ngay sau lưng mình, khi vào thang máy thì gã cũng vào theo, trong thang máy chỉ có mình với gã. Gã bắt đầu nhìn mình bằng ánh mắt biến thái, mình nhấn mạnh là nhìn bằng ánh mắt quấy rối chứ không phải là cái nhìn giao tiếp thông thường. Vì tại thang máy này, cách đây vài tuần cũng có một bạn gái bị một người lạ lao tới ôm và sờ soạng, nên mình rất cảnh giác. Mình không chọn cách né tránh ánh mắt đó, lúc này mà các bạn tránh né là gã được đà ngay... Mình trừng gã trong 10 giây thì gã cụp mắt xuống, lảng ra xa đứng (thang máy rộng)”.


Sau câu chuyện của Tuệ Nghi, nhiều cô gái trẻ cũng chia sẻ rằng đã từng bị như vậy.

N.A.T. nhân viên spa tại một chung cư ở Q.7, TP.HCM, cho biết hôm đó mình mặc đồ rất kín đáo nhưng cũng bị tên biến thái lao vào sàm sỡ. “Lúc đó mình bấm thang máy lên tầng 11, trong thang máy cũng có chị kia và con gái nhỏ bấm thang máy lên tầng 8. Tự dưng một tên lạ mặt chạy vào ôm chầm lấy mình và bắt đầu sờ soạng khắp người. Hoảng quá mình la lên. Thấy mình la lên quá trời và trong thang máy cũng có người nên người này buông ra. Nhưng vẫn nhìn mình chằm chằm. Chị đi cùng trong thang máy nháy mắt để mình cùng ra tầng 8 với chị. Lúc đó sợ quá, dù chị không ra tín hiệu thì mình cũng đi ra chứ không dám ở trong thang máy một mình với gã đàn ông đó”.

T. cũng cho biết thang máy của chung cư chị ở ai ra vào cũng được nên tình trạng này mới xảy ra. Sau sự việc, T. đã kể cho mọi người nghe và cũng thông báo cho ban quản lý tòa nhà. Cũng theo T. tại thời điểm đó cũng quá hoảng sợ nên cứ thế mà hét lên chứ chẳng biết ứng phó như thế nào. “May mà nó chịu buông tha chứ không chắc mình cũng chẳng biết phải làm sao. Từ đó về sau đi thang máy chẳng bao giờ mình dám đi một mình”.

Giấu nỗi sợ vào trong để tự cứu mình

Là người đã vượt qua được sự nguy hiểm khi đối diện với kẻ biến thái trong thang máy. Tuệ Nghi cho rằng: “Biết rằng phụ nữ gặp biến thái thì ai cũng sợ, nhưng vào thời điểm chỉ có một mình trong tình thế cấp bách thì yếu đuối cho ai xem? Tinh thần vững vàng, sự đề phòng cao độ, giấu nỗi sợ vào trong để tự cứu mình và nữ giới cũng nên học vài món võ đơn giản để tự vệ”.

Nếu bị tấn công, nên giả vờ đồng ý để đối tượng mất cảnh giác và từ đó lựa chọn những vị trí là điểm yếu của đối tượng như mắt, mũi, cằm và chổ hiểm để tấn công. Còn cứ vùng vẫy mà không có sự chống trả có trọng tâm thì sẽ rất dễ rơi vào tình huống nguy hiểm hơn

Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An

“Đi thang máy một mình với người lạ, đừng chăm chú vào điện thoại vì sẽ không quan sát được hành động của đối phương. Nếu thấy chỉ có mình với một đối tượng lạ trông có vẻ không được ổn lắm, thì tốt nhất không nên bước vào thang máy, chịu khó đợi thang khác. Có người khuyên rằng nếu gặp biến thái phải nhanh trí bấm hết các tầng cho cửa thang máy mở ra, tuy nhiên đây là một điều tuyệt đối không nên làm. Mình từng xem một đoạn trích xuất camera, hung thủ xâm hại nạn nhân trong thang máy bằng cách bấm hết các tầng để thang cứ ngừng và nó có nhiều thời gian hơn để thực hiện hành vi. Và tuyệt đối không tỏ ra yếu đuối, sợ hãi. Nếu chúng bắt được tín hiệu bạn run rẩy như một con thỏ, chúng sẽ hành động,…”, Tuệ Nghi chia sẻ.

Theo thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Hội tâm lý học xã hội Việt Nam, thì điều quan trọng là phải có kỹ năng quan sát và đoán định tình huống nguy hiểm, khi chúng ta rơi vào hoàn cảnh chỉ có một mình với một đối tượng có thể gây nguy hiểm.

“Vì vậy cần thực hiện một vài thao tác an toàn như đứng đối diện chứ không nên đứng quay lưng với đối tượng để có thể quan sát tốt và đưa ra cách phòng tránh. Thứ hai là thông thường thang máy trong các tòa nhà đều có nút bấm thông báo cho bảo vệ tòa nhà hoặc bộ phận kỹ thuật thang máy, vì thế nên đứng gần khu vực các nút bấm để có thể dễ dàng thực hiện thao tác bấm nút trong tình huống nguy cấp. Thứ 3 là lấy điện thoại gọi cho người thân. Có thể gọi giả định hoặc gọi thật càng tốt, và trong những trường hợp này nên dùng những câu mang tín hiệu thông báo như 'em đã lên thang máy rồi, anh ra đón em nhé' và cứ thực hiện cuộc trò chuyện qua lại với người thân trong suốt thời gian sử dụng thang máy để đối tượng chột dạ và từ bỏ ý định tấn công vì sợ bị phát hiện”, anh An khuyên.

Còn trong trường hợp bị tấn công thì phải làm thế nào? Trong trường hợp này, anh An nhấn mạnh: “Lúc đó không nên chống cự, vì trong một không gian như thang máy mà đối tượng mạnh hơn ta, càng chống cự một cách mạnh mẽ thì rất có khả năng đối tượng phản ứng mạnh hơn. Chính vì thế, đầu tiên nên giả vờ đồng ý để đối tượng mất cảnh giác và từ đó lựa chọn những vị trí là điểm yếu của đối tượng như mắt, mũi, cằm và chổ hiểm để tấn công. Còn cứ vùng vẫy mà không có sự chống trả có trọng tâm thì sẽ rất dễ rơi vào tình huống nguy hiểm hơn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.