40 năm mới biết mặt nhau
Ông Đinh Thế Văn hỏi đạo diễn Phạm Việt Tùng sau khi rời nhà ông: “Anh giờ muốn tìm gặp ai nữa?”. Ông Tùng nói: “Tôi muốn tìm ông Chắt, anh biết chỗ ở của ông ấy không?”. Ông Văn rút điện thoại di động, rồi mở cuốn sổ tay, được ông gọi là “danh bạ”, lọ mọ tìm một hồi: “Số của ông ấy đây rồi! Ông Chắt ở tận Hải Dương lận”. Sau 40 năm, ông Tùng “xới” lại câu chuyện giữa ông với vị tiểu đoàn trưởng, “người chỉ huy bắn rơi chiếc B52 xuống Ngọc Hà. Đó chính là ông Phạm Văn Chắt - ông Tùng nói, tôi chỉ nghe mấy anh ở Binh chủng Phòng không - Không quân nói lại vậy chứ nào đã gặp ông ấy đâu. Mấy lần ra Bắc tính tìm ông nhưng rồi bận bịu quá nên lại khất. Lần này thì cách gì tôi cũng quyết tâm gặp cho được ông ấy”.
Ông Chắt nay đã 75 tuổi nhưng còn khá nhanh nhẹn. Ông ra ngõ đón “đoàn” bằng một câu hỏi với ông Văn: “Mày vẫn khỏe chứ?”. “Tao khỏe!” - ông Văn đáp gọn. Đúng chất lính. Người 75, kẻ 74 “mày - tao” như thuở đôi mươi thời lính. Ông Văn làm người dẫn chuyện, giới thiệu với mọi người: “Đây là anh Chắt, người mà anh Tùng mong gặp 40 năm qua. Còn đây là anh Tùng, nhà báo, đạo diễn, người quay cảnh máy bay đơn vị Chắt bắn rơi năm 72 ấy”. Ba ông cụ, cười nói vang nhà, như thể họ đã tri kỷ mấy chục năm nay. Ông Chắt xuýt xoa: “Năm nào đến dịp kỷ niệm 12 ngày đêm Hà Nội, tôi cũng xem hình ảnh B52 cháy “to nhất”, rơi xuống Ngọc Hà. Đó là chiếc B52 do tiểu đoàn tôi bắn đấy. Tôi cứ mong có ngày gặp tác giả để uống với nhau chén rượu mừng hội ngộ và cảm ơn anh một tiếng”. Ông Tùng cắt lời: “Tôi cũng mong gặp anh để hỏi xem anh “bắn” thế nào mà nó lại rơi xuống ngay giữa lòng Hà Nội. May quá, nếu nó rơi ở xa, chắc là phim về 12 ngày đêm sẽ không có cảnh hoành tráng ấy. Tôi phải cảm ơn các anh mới đúng chứ ạ!”.
|
|
Hành quân thần tốc
Ông Chắt kể: “Tiểu đoàn 72 của tôi được giao nhiệm vụ đánh B52 bảo vệ thành phố cảng Hải Phòng. Đang đánh rất “hăng” suốt 5 ngày đêm thì chiều 23.12.1972, tôi nhận lệnh “hành quân thần tốc” lên Hà Nội để tăng cường quân, bảo vệ thủ đô. Cả tiểu đoàn hối hả, hành quân gấp trong đêm với phương châm: “Đi nhanh, đến đủ, trụ vững, đánh thắng, đơn vị an toàn”. Ngay trong đêm đó, chúng tôi có mặt tại trận địa Đại Chu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Triển khai xong trận địa, tôi được cấp trên khích tướng: “Các đồng chí có biết tiểu đoàn 77 của đồng chí Đinh Thế Văn đánh B52 thế nào chưa? Họ đã “sờ gáy” Nixon rồi đấy!”. Hồi đó, nghe nói đến ông Văn đây là tụi tôi phục lăn. Đâu có nghĩ ông Văn còm nhom thế này!”.
Bốn mươi năm rồi mà ông Chắt chẳng quên một chi tiết nào về những “khẩu lệnh” lúc hành quân cũng như khi đánh B52, kể cả tên những người lính đã cùng ông trên “mâm pháo”. Nào Nguyễn Văn Tuyền, người Nghệ An, trắc thủ cự ly; Trương Đăng Khoa, người Thái Bình, trắc thủ phương vị; rồi Nguyễn Đức Chiêu, người Hà Nội, trắc thủ góc tà... Bấy nhiêu đó đủ để biết chuyện đánh B52 đã ám ảnh người lính già này đến nhường nào.
Đuốc sáng giữa trời đêm
Ông Chắt tiếp tục khen bạn: “Tên lửa đã sẵn sàng nhưng bắn “vuốt đuôi” hoài, suốt 3 đêm, chúng tôi vẫn trắng tay. Chợt nghĩ đến cách đánh của ông Văn đây là “có lý” nhất: vượt trước nửa góc, nôm na là bắn đón đầu. Vấn đề là mình làm sao xác định cho được đâu là B52 giả, đâu là chính nó. Thường thì khi vào cự ly 32 km, đám máy bay chầu rìa theo B52, chúng dạt ra hết, chỉ mỗi mình nó lao về hướng trút bom. Lúc ấy mình “ấn nút” tên lửa thì chạy đàng giời!”.
Ông Chắt vẫn còn nhớ như in cái khoảnh khắc để đời của đơn vị ông. Lúc ấy là 23 giờ 03 phút, radar phát hiện có một tốp B52 đang tiến về hướng Hà Nội. Sau khi nghe các trắc thủ báo cáo, vị tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Dự: “Bắn”. Hai dòng lửa sáng lòa như xé tan màn đêm. Rồi một chùm lửa như ngọn đuốc khổng lồ, mỗi lúc một to thêm, thắp sáng cả một góc trời Hà Nội. Trận địa như sôi lên: “Nó cháy rồi!”. Đó chính là chiếc máy bay rơi xuống làng hoa Ngọc Hà đêm 27.12.1972. Cả 6 phi công địch “treo” lơ lửng lưng chừng trời của hồ Trúc Bạch. Sáng ngày 28, lúc trận địa chưa kịp tan thuốc súng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có mặt. Ông khen toàn tiểu đoàn bằng một câu mát ruột: “Đây là một trận đánh xuất sắc, lần đầu tiên máy bay B52 bị ta bắn rơi ngay giữa lòng Hà Nội, bắt giặc lái trên hè phố, xuất sắc hơn nữa là chúng chưa kịp cắt bom gây tội ác”.
Mấy chục năm rồi, mỗi khi có dịp lên Hà Nội, ông Chắt lại ghé ngang hồ Vĩnh Tiệp, nơi có con “ngáo ộp” bị đơn vị ông hạ đo ván, giờ còn trơ khung sắt. Những lúc ấy, trong ông lại dậy lên tiếng reo vui của cả tiểu đoàn đêm hôm đó: “Nó cháy rồi!”. Vâng, nó đã cháy và nó nằm đó. Ngần ấy thôi cũng đủ để lòng người lính già ấm nóng mãi tuổi đôi mươi.
Tôi hỏi cả hai vị tiểu đoàn trưởng năm nào: “Lẽ ra các bác phải được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang chứ ạ?”. Cả hai cùng im lặng hồi lâu. Rồi ông Chắt lên tiếng: “Anh hùng cũng có số cháu ơi!”. Nghe ông nói vậy, tôi buồn giùm cho ông thêm một chút, vì như ông nói, cả cái giấy khen cho trận đánh ấy, ông cũng chưa được nhận bao giờ.
Trần Đăng
>> Kể chuyện đánh B52 - "Sổ đỏ"
Bình luận (0)