Kể chuyện dòng sông xứ Quảng: Diêm Điền - dòng sông kỳ lạ

16/11/2024 07:30 GMT+7

Diêm Điền là tên con sông phía đông bắc TP.Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), và cũng là tên của một làng nằm bên bờ sông. Dù không phải sông đào, nhưng sông Diêm Điền lại được hình thành cách nay chỉ trên dưới một thế kỷ. Ở nơi bây giờ là sông, trước đây là đầm nước mặn với những con lạch ăn sâu vào đất liền.

Đầm nước mặn trở thành dòng sông

Diêm Điền (塩 田) nghĩa là ruộng muối. Tên gọi gợi cho thấy một phần diện tích nơi đây vốn là ruộng muối.

Những năm 1919 - 1929, thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ 2, trong đó có việc mở rộng diện tích trồng lúa, để làm ra nhiều gạo phục vụ xuất khẩu. Con đập ngăn mặn có tên dân gian là Bờ Đắp, về sau gọi là đập Khê Hòa, được xây dựng vào thời kỳ này, để ngăn nước mặn tràn lên vùng mặt nước và đồng đất phía tây. Bờ Đắp nối làng Trường Định (phía nam, sau thuộc xã Tịnh Khê) và làng Đông Hòa (phía bắc, sau thuộc xã Tịnh Hòa), đồng thời chia mặt nước đầm Diêm Điền làm hai phần. Đến thời điểm đó, Diêm Điền vẫn còn là đầm nước mặn đang trong quá trình ngọt hóa.

Năm 1948, ông Nguyễn Cát, người làng Tư Cung Bắc (nay thuộc xã Tịnh Hòa) được chính quyền H.Sơn Tịnh phân công làm Trưởng ban Kiến thiết kinh tế, phụ trách việc đào kênh Sơn Tịnh. Bấy giờ, Sơn Tịnh là một huyện sản xuất nông nghiệp, nhưng nguồn nước cho cây trồng dựa vào các guồng xe nước dọc sông Trà Khúc chỉ đảm bảo tưới cho vùng ven sông; phần lớn diện tích còn lại, nhất là vùng đông, dựa vào nước trời, hầu như năm nào cũng bị hạn hán đe dọa. Ông Nguyễn Cát đề xuất khơi cửa kênh lấy nước ở đoạn sông Trà Khúc phía tả ngạn, tại thôn Ngân Giang (xã Tịnh Hà), thông luồng, kết nối các đoạn bàu, lạch tự nhiên để hình thành kênh Sơn Tịnh. Sau gần 2 năm, kênh hoàn thành với tổng chiều dài 16 km, mang nước cho 1.500 ha đồng ruộng. Để ghi nhận công lao kiến thiết kênh Sơn Tịnh, người dân lấy tên ông Nguyễn Cát đặt cho con kênh, gọi là kênh Ông Cát.

Kể chuyện dòng sông xứ Quảng: Diêm Điền - dòng sông kỳ lạ- Ảnh 1.

Đuổi cá trên sông Diêm Điền

ẢNH: LÊ HỒNG KHÁNH

Sông Diêm Điền nên hình nên dạng chính từ khi có kênh Ông Cát. Gọi là sông, nhưng chính xác hơn, phía tây là con sông Diêm Điền, phía đông giáp Bờ Đắp là đầm nước ngọt, vượt qua Bờ Đắp là vùng biển Đông Hòa. Nguồn nước chính của sông Diêm Điền lấy từ sông Trà Khúc, qua kênh Ông Cát, thêm vào đó là nước sông Sử, kênh Núi Sứa và một số khe suối nhỏ trong hệ thống núi Long Đầu - Thình Thình. Đoạn sông chảy qua các làng Kim Lộc, Mỹ Lộc, Lệ Thủy (xã Tịnh Châu), Phú Vinh, Long Thành, Khánh Lâm (Tịnh Thiện) tên là Lệ Thủy, đến làng Diêm Điền (xã Tịnh Hòa), mang tên sông Diêm Điền, phía Tư Cung, Mỹ Lại (xã Tịnh Khê) gọi là sông Sau.

Bao điều kỳ lạ

Trong khoảng thời gian hơn một thế kỷ, Diêm Điền từ một đầm nước mặn, dần dần biến thành một đầm nước ngọt đón nước từ con sông cùng có tên Diêm Điền. Đầm rộng hàng chục héc ta.

Mặc dù được ngọt hóa từ khá lâu, nhưng ven sông và đầm Diêm Điền vẫn còn nhiều loài thực vật chịu mặn, nhiều nhất là cỏ lác dưới mép nước và bình bát trên cạn. Không ít vườn nhà của người dân quanh vùng, nhiều giống cây ăn quả như mít, xoài, ổi xen lẫn với bình bát vốn là giống cây chịu mặn.

Kể chuyện dòng sông xứ Quảng: Diêm Điền - dòng sông kỳ lạ- Ảnh 2.

Hai nhà khảo cổ học đến từ Thụy Sĩ khảo sát động cát Bình Châu (tháng 2.2006)

ẢNH: LÊ HỒNG KHÁNH

Cách bờ nam sông Diêm Điền không xa là Thành cổ Châu Sa (thành Hời), một di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đây là thành đất duy nhất người Chăm còn để lại mà những dấu tích cho phép nhận diện vị trí cũng như vai trò của tòa thành đối với vùng đất có thể là một tiểu quốc (mandala) của người Chăm trong quá khứ.

Người viết bài này từng nhiều lần làm "kẻ đưa đường" cho các học giả trong và ngoài nước đến với sông và đầm Diêm Điền, thành Châu Sa như PGS-TS Andrew Hardy (Trung tâm Viễn Đông bác cổ Pháp tại Hà Nội), TS Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học, đã mất), PGS-TS Ngô Văn Doanh, nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật (đã mất), TS khảo cổ học Nguyễn Quốc Hiền (đã mất)… Họ đến đây khảo sát và có những phát hiện lý thú về sông Diêm Điền, thành cổ Châu Sa, di tích núi Chồi.

TS Nguyễn Tiến Đông chỉ ra dấu vết của dòng nước từng chảy vòng phía sau thành Châu Sa mà theo ông, đó chính là nhánh đường thủy nằm ở phía bắc, nối với biển qua đầm Diêm Điền, đối xứng với tuyến đường thủy nối với sông Trà Khúc ở phía nam. Ý kiến này khá phù hợp với ý kiến của nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật về một lạch nước cổ thông từ Biển Đông lên đầm nước Diêm Điền ở phía tây, băng qua những động cát Bình Châu, nơi có nhiều di chỉ khảo cổ liên quan đến thời kỳ Tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh và Chămpa.

Kể chuyện dòng sông xứ Quảng: Diêm Điền - dòng sông kỳ lạ- Ảnh 3.

Ngôi miếu cổ ở làng Khánh Vân bên sông Diêm Điền, khi xây dựng người Việt đã tận dụng những viên gạch từ một công trình kiến trúc Chăm đổ nát

ẢNH: LÊ HỒNG KHÁNH

Vào năm 1993, các nhà khảo cổ phát hiện di tích lò gốm Núi Chồi, nằm bên bờ sông Diêm Điền. Sản phẩm tìm thấy trong lò gốm là những tiểu phẩm đất nung, tựa hình cánh sen, kích thước giống nhau, thể hiện các nội dung liên quan đến Phật giáo, niên đại khoảng thế kỷ 7 - 8.

Theo PGS-TS Ngô Văn Doanh, tiểu phẩm gốm ở Núi Chồi có hình dáng, kích thước và hình tượng thể hiện giống các tiểu phẩm đất nung nguồn gốc từ đền Chayan của vương quốc Srivijaya (thế kỷ 7 - 13), miền nam Thái Lan. Ông viết: "Đây là những bằng chứng vật chất lần đầu tiên phát hiện cho thấy Chămpa và Srivijaya (Tam Phật Tề), một trung tâm Phật giáo Đại thừa lớn nhất phương Đông thời bấy giờ, đã có những mối quan hệ qua lại thực sự". (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.