Kế hoạch nâng cấp tên lửa chiến thuật của Nga

24/10/2004 22:32 GMT+7

Trong chuyến thăm căn cứ Votkinsk tại CH Udmurtia thuộc Nga ngày 20/10, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Ivanov bày tỏ sự hài lòng về kết quả vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava.

"Mọi việc diễn ra cho thấy kế hoạch Bulava đã đạt được sự hoàn hảo" - ông Ivanov nói. Theo đánh giá của giới chuyên môn, cuộc thử nghiệm hồi tháng 9 đã thành công ngoài mong đợi. Mô hình tên lửa đạn đạo chiến lược Bulava-30 (Cái chùy) sử dụng nhiên liệu rắn được phóng đi từ một tàu ngầm ở Bạch Hải. Sau khi đạt tới độ cao cần thiết để động cơ khởi động, mô hình rơi xuống biển theo đúng kế hoạch.

Một kế hoạch đồ sộ

Vụ thử tên lửa Bulava-30 hồi tháng 9 được coi là cột mốc quan trọng đối với kỹ thuật quân sự hàng hải cũng như đối với toàn bộ ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Cho dù con đường từ thử mô hình tới việc triển khai tên lửa thực thụ vẫn còn dài nhưng có thể thấy nước Nga đã tìm được hướng đi cho kế hoạch hiện đại hóa hệ thống tên lửa chiến thuật trên biển vốn đang ngày một già cỗi này. Sau cuộc thử nghiệm, loại tên lửa Bulava-30 dự tính sẽ được lắp cho tàu ngầm Yury Dolgoruky, loại tàu năng lượng hạt nhân thuộc thế hệ thứ 3, hiện đang được sản xuất tại Nhà máy SevMashPredpriyatiye.

Năm 1996, Nga bắt đầu triển khai sản xuất 6 tàu ngầm thế hệ thứ 3 trong dự án Borei-class Project 955. Tuy nhiên, việc sản xuất chiếc đầu tiên mang tên Yuri Dolgoruky đã gặp trục trặc trong kế hoạch sản xuất tên lửa Bark sử dụng nhiên liệu rắn trang bị cho tàu ngầm. Trung tâm Công nghệ thành phố Miass thực hiện công trình Bark nhưng sau 3 cuộc thử nghiệm thất bại, công trình đã phải ngưng lại. Dự án sản xuất Bulava ra đời với trách nhiệm chính thuộc về Học viện Công nghệ nhiệt Moscow (MIHT), nơi sản sinh ra những loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trứ danh như RT-2PM Topol và RP-2PMU Topol-M.

Bulava đã được thử nghiệm thành công và "bệ phóng" Yuri Dolgoruky dự tính sẽ được hoàn tất trong vòng 2 hoặc 3 năm nữa. Người Nga cho biết sẽ trang bị cho tàu ngầm này 12 tên lửa Bulava-30 hoặc tương đương. Sau Yuri Dolgoruky, sản phẩm thứ nhì mang tên Aleksandr Nevsky cũng đã được xúc tiến sản xuất hồi tháng 2. Và lễ "động thổ" chiếc tàu thứ 3 sẽ diễn ra trong vài tháng nữa.

Theo ông Gennady Suchkov - cựu Tư lệnh Hạm đội Phương Bắc, trong 60 tên lửa R-39 và RSM-52, chỉ có 10 quả còn gắn trên các tàu ngầm. Số còn lại sẽ được đưa tới các kho phế liệu. Vì thế, một kế hoạch thay thế quy mô lớn đang được vạch ra. Theo đó, đến năm 2012, hải quân Nga sẽ có ít nhất 18 tàu ngầm có gắn tên lửa đạn đạo. Hiện nay, bên cạnh 3 chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Typhoon, Nga còn có 6 chiếc lớp Delfin và 5 chiếc lớp Kalmar năng lượng hạt nhân, mỗi chiếc được trang bị tên lửa chứa chất nổ lỏng. Tuy nhiên, vẫn chưa một quan chức quân sự nào dám khẳng định những tàu này sẽ còn có thể hoạt động vào thời điểm năm 2012.

Đâu là tính khả thi?

Người Nga gọi tên lửa Topol - M là “vũ khí của thế kỷ 21”

Có một thực tế buồn là sự già cỗi và lạc hậu về kỹ thuật không phải là mối bận tâm duy nhất trong công nghệ sản xuất vũ khí hạt nhân của Nga. Điều khó khăn nhất hiện nay là những người đứng đầu nền quân sự Nga tỏ ra khá lúng túng trong việc xác định yêu cầu thực tiễn. Có vẻ như họ chưa biết đích xác hiện nay hải quân Nga cần trang bị loại tên lửa nào và cũng không biết trong tương lai 10 hoặc 15 năm nữa thì bộ mặt tên lửa sẽ ra sao. Gần đây, bất chấp việc kỳ phùng địch thủ MIHT thành công với Bulava-30, Trung tâm Công nghệ thành phố Miass cho biết đang hy vọng phục hồi lại dự án tên lửa Bark, đồng thời đề xuất kế hoạch nâng cấp loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RSM-52. Bên cạnh cái đã có và sắp có là Bulava và Topol-M, một vài dự án tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cũng đã được triển khai và một vài vụ thử đã thành công.

Theo các chuyên gia, hệ thống tên lửa Topol-M có những đặc tính nổi bật như tránh được sự phát hiện của vệ tinh cũng như các máy bay chiến đấu có hệ thống kiểm soát trên không khiến đối phương khó có thể ngăn chặn trong đợt tấn công đầu tiên. Những tính năng này có thể khiến người Nga hãnh diện, tuy nhiên tính thực thi của nó thì vẫn chưa ai dám khẳng định. Cách đây không lâu, Bộ trưởng Quốc phòng S.Ivanov cho biết ngân sách quốc phòng năm tới sẽ là 45 tỉ USD nhằm hiện đại hóa quân sự, trong số này có kinh phí dành cho dự án Bulava cũng như mua 4 tên lửa đạn đạo cho Lực lượng tên lửa chiến thuật. Tuy nhiên, ông Ivanov không cho biết đích xác đó là loại tên lửa gì. Vì thế, có thể hiểu bên cạnh các loại Topol-M, chưa có kế hoạch nào khác được vạch ra.

Đỗ Hùng
(Theo The Moscow News)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.