Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm - Kỳ 3: 800 năm đào kênh Sắt

07/08/2013 00:20 GMT+7

Theo sử sách, kênh Sắt nằm trong hệ thống kênh nhà Lê được khởi đào năm 1003, do Lê Hoàn trực tiếp vào tận nơi chỉ huy, nối từ sông Bùng thuộc H.Diễn Châu đến sông Cấm thuộc H.Nghi Lộc, Nghệ An với chiều dài 19 km.

Đây cũng là con kênh gặp rất nhiều gian nan khi đào do có một đoạn đi qua mỏ sắt ở núi Sắt chứa nhiều đá quặng rắn. Sách Đồng Khánh địa dư chí lược Nghệ An tỉnh, trang 33 chép về đoạn kênh này như sau: “Một dòng kênh nhỏ, từ thôn Thổ Hậu qua xã Phú Hậu, tổng Quan Trung, xã Nho Lâm, tổng Cao Xá, ngoằn ngoèo chảy đến kênh Sắt bến đò sông Cấm rồi hợp dòng đổ xuống cửa biển, dài 9 dặm, rộng 7 trượng, triều lên sâu 5 thước, triều xuống sâu 3 thước”.

Kênh Sắt đoạn qua xã Nghi Yên, H.Nghi Lộc, sát với quốc lộ 1A - d
Kênh Sắt đoạn qua xã Nghi Yên, H.Nghi Lộc, sát với quốc lộ 1A - Ảnh: K.H 

Hiện làng Thổ Hậu thuộc xã Diễn Quảng. Điểm nối từ sông Bùng là điểm giáp ranh 3 xã Diễn Quảng, Diễn Hạnh và Diễn Phúc, H.Diễn Châu hiện nay. Từ điểm tiếp giáp này, kênh chảy ngoằn ngoèo về hướng nam để nối với sông Cấm. Đoạn từ sông Bùng xuyên qua cầu Đậu nối qua quốc lộ 7, người dân bản địa gọi là kênh Đậu, lòng kênh khá rộng. Dọc hai bên kênh là những ruộng lúa trổ bông nhờ nước tưới được lấy từ lòng kênh.

Qua xã Diễn Cát, kênh nhà Lê tiếp tục xuyên qua các xã Diễn Thọ, Diễn Lộc, mang nguồn nước tưới cho những cánh đồng ở đây. Đoạn này, nhiều năm trước, kênh ngày một cạn dần do bị bồi lấp. Từ năm 2012, chính quyền đã bắt đầu cho nạo vét, khơi thông dòng chảy, lòng kênh sau khi được nạo vét rộng khoảng 5 - 6 m, sâu hơn 1 m. Ngoài cung cấp nước tưới, kênh nhà Lê còn có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho các xã vùng đồng bằng này. Kênh nhà Lê ở đây có đoạn chảy qua phía tây đền Cuông, nơi thờ Thục An Dương Vương, tướng Cao Lỗ và công chúa Mỵ Châu với các truyền thuyết nổi tiếng xưa nay.

"Chuyên gia" Nguyễn Trường Tộ

Theo nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh, kênh Sắt là tên gọi đoạn kênh nhà Lê chảy qua Truông Sắt thuộc xã Diễn An, H.Diễn Châu và xã Nghi Yên, H.Nghi Lộc hiện nay. Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi rõ đoạn này được khởi đào từ năm 1003 do Lê Hoàn trực tiếp vào tận nơi chỉ đạo. Tuy nhiên, khi đào đến Truông Sắt thì gặp khó vì đây vùng núi non, có mỏ sắt với nhiều đá quặng rắn trong lòng đất.

Nhiều triều đại sau đó cũng bỏ công cố sức để đào thông đoạn này nhằm hoàn thiện hệ thống kênh nhà Lê nhưng không thực hiện được. Do chỉ đào được một khối lượng đất đá ít nên lòng kênh rất hẹp, nước cạn khiến tàu bè khi đến đoạn này đều bị mắc kẹt, không thể qua lại. Theo ông Tỉnh, đến đầu triều Nguyễn, đoạn kênh này vẫn chưa thể khơi thông. Một bài vè xuất hiện dưới triều Tự Đức có tên Đi phu đào kênh Sắt cho thấy triều đình đã phải huy động dân chúng ở Nghệ An, Hà Tĩnh đi phu để đào kênh rất cực khổ. Phải đến khi Hoàng Tá Viêm, đỗ cử nhân, nhậm chức Tổng đốc ở Nghệ An thì đoạn kênh này mới được khai thông.

Theo sử sách ghi lại, Tổng đốc Viêm lúc đó đã viết thư mời Nguyễn Trường Tộ, người có nhiều kiến thức khoa học, đã từng học môn địa chất ở Pháp để nhờ giúp đỡ. Nguyễn Trường Tộ lúc bấy giờ đang bị bệnh, nằm điều trị ở nhà thờ Xã Đoài cách đó khoảng chục cây số, nhận được thư, ông đã nhờ người cáng ông đến nơi để thị sát. Sau khi được Nguyễn Trường Tộ cắm mốc, chỉ cách đào để tránh những nơi có đá, quặng rắn, khoảng một tháng thì đoạn kênh này được khơi thông.     

Tọa độ lửa

Kênh Sắt, đặc biệt đoạn tiếp giáp với sông Cấm trong chiến tranh chống Mỹ là tọa độ lửa vô cùng ác liệt do máy bay Mỹ suốt đêm ngày dội bom để phá cây cầu Cấm nối quốc lộ 1A nhằm cắt đứt con đường huyết mạch từ bắc vào nam.

Tại xóm Tây Sơn, xã Nghi Yên, H.Nghi Lộc, năm 1996, ngành giao thông vận tải đã cho xây dựng một đài tưởng niệm kênh nhà Lê nằm sát bên dòng kênh để ghi công những chiến sĩ đã hy sinh trên dòng kênh này trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Cụ Nguyễn Văn Thành (91 tuổi), cư dân của xóm Tây Sơn nguyên là Xã đội trưởng xã Nghi Yên trong những năm chống Mỹ, kể rằng thời chiến tranh, đoạn kênh này mỗi ngày có hàng chục tàu, thuyền vận chuyển vũ khí, lương thực từ miền Bắc vào để chi viện cho chiến trường miền Nam. Thời đó ở cửa sông Cấm đổ ra biển chưa có cống ngăn mặn nên thủy triều thông vào kênh và khi triều lên thì nước kênh rất sâu, tàu thuyền qua lại dễ dàng. Do kênh nhà Lê nối với sông Cấm ở ngay cầu Cấm (nối QL1A), nơi máy bay Mỹ ngày đêm tập trung dội bom, nên khi tàu thuyền chở lương thực, vũ khí chi viện qua đây đều rất khó khăn và nhiều tàu, thuyền đã bị trúng bom, tổn thất về người cũng nhiều.

Cụ Thành cho biết trước đây kênh nhà Lê đoạn này lắm tôm, nhiều cá, là nguồn cung cấp thực phẩm cho cư dân cả vùng. Bây giờ, mực nước kênh cạn hơn, chỉ còn trên dưới một mét, tôm cá vẫn còn nhưng không bằng xưa.

Ngày nay, kênh Sắt đoạn qua xã Nghi Yên vẫn còn khá rộng. Riêng đoạn tiếp giáp với xã Diễn Lộc, H.Diễn Châu kênh nhỏ hơn và đã bị cạn, chảy ngoằn ngoèo, tuy nhiên nguồn nước vẫn chảy thông và đang được nạo vét, mở rộng. Ở cửa sông Cấm đổ ra biển ở xã Nghi Quang, H.Nghi Lộc, người ta đã cho xây một cống ngăn mặn nên kênh Sắt hiện chứa nước ngọt từ sông Lam ở Nam Đàn theo kênh đào và kênh nhà Lê chảy về. Năm 1996, khi mở rộng quốc lộ 1A, một đoạn kênh Sắt nằm cạnh quốc lộ này bị lấn mất một phần. Hiện, tuyến đường này tiếp tục được mở rộng nhưng khi qua đoạn kênh này, người ta cho đường chạy vòng lên phía chân núi nằm ở hướng tây để tránh kênh nhà Lê.

Năm 2012, tỉnh Nghệ An cho nạo vét, mở rộng kênh Sắt đoạn qua H.Diễn Châu với chiều dài 9 km, kinh phí 99 tỉ đồng. Đến nay, việc nạo vét đang được thực hiện. Kênh Sắt hiện cung cấp nước tưới cho hơn 1.000 ha lúa và thoát lũ cho 8 xã phía nam Diễn Châu.

Khánh Hoan

>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm - Kỳ 2: "Dự án kinh tế - quân sự" của Lê Hoàn
>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm: Khởi nguồn cho sự nghiệp nam tiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.