Người dân còn chủ quan
Theo thống kê của EVN SPC, từ đầu năm đến nay, trên toàn địa bàn 21 tỉnh, thành phía nam xảy ra 67 vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) cao áp; trong đó lưới điện 110 kV 22 sự cố, tăng 4 vụ; lưới điện 22 kV 45 sự cố, giảm 7 vụ so với cùng kỳ, tập trung ở các tỉnh Đồng Nai (10 vụ), Bình Dương (8 vụ), Kiên Giang (5 vụ), An Giang (3 vụ)…
Đặc biệt, tình hình tai nạn điện do vi phạm HLATLĐ cao áp cũng phức tạp không kém. Đến hết tháng 8 xảy ra 30 vụ tai nạn điện, làm chết 8 người và bị thương 30 người. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chủ quan, không chấp hành quy định về an toàn điện dẫn đến tai nạn đáng tiếc, như: xây dựng, cải tạo nhà; phương tiện thi công vi phạm; lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo; chặt cây...
Theo ông Hồ Quang Ái, Phó tổng giám đốc EVN SPC, thời gian qua, EVN SPC đã tăng cường kiểm tra, thực hiện nhiều giải pháp để ngăn ngừa sự cố và tai nạn điện do vi phạm HLATLĐ cao áp tại các công ty điện lực trực thuộc. Tuy nhiên vẫn tồn tại một số hạn chế như: các đơn vị kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp công trình, nhà ở vi phạm HLATLĐ cao áp nhưng chưa phối hợp tốt với chính quyền địa phương xử lý dứt điểm; bảng thống kê cây xanh có khả năng ngã đổ vào lưới điện không thể hiện rõ các trường hợp phải chặt tỉa trong kỳ kiểm tra; còn nhiều vị trí vượt sông chưa lắp đặt biển báo theo quy định…
tin liên quan
Đảm bảo an toàn điện trong mùa mưa bãoTổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã phối hợp với 21 công ty điện lực trực thuộc đề ra các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão.
Trong 6 tháng cuối năm 2017, EVN SPC đặt ra mục tiêu giảm 50% số vụ vi phạm HLATLĐ cao áp, giảm sự cố lưới điện và tai nạn điện trong dân. Ngoài việc phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành, công ty điện lực đề ra giải pháp kéo giảm sự cố và tai nạn điện, EVN SPC tiếp tục hợp đồng với đài truyền hình các tỉnh, thành phát phóng sự: “Tai nạn điện và biện pháp phòng tránh khi sử dụng điện” và “Vi phạm HLATLĐ cao áp, hậu quả khôn lường” để tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Bên cạnh đó sẽ tổ chức kiểm tra toàn diện hành lang lưới điện, thống kê và lập kế hoạch xử lý dứt điểm đối với các trường hợp vi phạm HLATLĐ cao áp; trong đó phải áp dụng các giải pháp kỹ thuật, cải tạo, nâng cấp, hạ ngầm lưới điện để xóa các vụ vi phạm hành lang.
Cũng theo ông Ái, EVN SPC phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra lưới điện khách hàng, đặc biệt là các đường dây câu đuôi ở vùng nuôi thủy sản, trồng thanh long... Nếu phát hiện trường hợp không đảm an toàn sẽ hướng dẫn thiết kế lắp đặt đường dây, sử dụng vật tư, thiết bị điện theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn nhằm hạn chế tối đa tai nạn điện cho người dân; đồng thời tổ chức tháo dỡ dây câu tạp, bảng hiệu, lưới điện hạ áp, cáp viễn thông, cáp truyền hình treo trái phép trên trụ điện. Ngoài ra, tổng công ty cũng tổ chức khắc phục các khoảng vượt lộ, vượt sông không đạt khoảng cách và thực hiện lắp đặt biển báo theo quy định của cơ quan quản lý đường bộ, đường thủy nội địa hoặc Sở GTVT tỉnh; có kế hoạch di dời, gia cố các tuyến đường dây, vị trí trụ có nguy cơ sạt lở gần bờ sông, bờ đê, đặc biệt là các vùng đang có hiện tượng sạt lở như An Giang, Đồng Tháp...
Công ty lưới điện cao thế miền Nam (thuộc EVN SPC) tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm sự cố lưới điện do vi phạm HLATLĐ cao áp như: thực hiện các công trình sửa chữa lớn nối thêm đoạn trụ bê tông ly tâm 4 m cho các đường dây 110 kV, cải tạo xà để nâng cao đường dây thêm 4 m; hoàn tất việc lắp đặt biển báo tại các vị trí giao chéo giữa đường dây 110 kV với đường thủy nội địa; bồi thường, chặt hạ cây cao su ngoài hành lang có nguy cơ ngã đổ vào đường dây 110 kV tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Bình Thuận.
|
Bình luận (0)