Kéo tiền nhàn rỗi vào chứng khoán

13/11/2008 22:38 GMT+7

Theo nhiều chuyên gia, để thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển bền vững cần có sự tham gia nguồn vốn tích lũy của người dân trong nước.

Tại buổi tọa đàm về TTCK do trường Đại học Kinh tế TP.HCM và Công ty chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (SBS) tổ chức ngày 13.11, thạc sĩ Đinh Thế Hiển, thành viên Hội đồng đầu tư Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), cho rằng nguồn vốn của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài có vai trò khá quan trọng đối với TTCK Việt Nam. Trong 14 phiên giao dịch cuối tháng 10, NĐT nước ngoài bán ròng hơn 1.000 tỉ đồng khiến cho VN-Index phá sâu qua đáy 366 điểm. 1.000 tỉ đồng không nhiều đối với TTCK nhưng vì diễn ra cùng một lúc, một “cục” gây cho thị trường chao đảo.

Với nguồn vốn “yếu và tăng chậm” như hiện nay, các chuyên gia cho rằng TTCK rất khó phát triển. Theo chuyên gia kinh tế Huy Nam, nếu không có biện pháp hữu hiệu phát triển TTCK thì các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong huy động vốn. TTCK hiện nay đang giao dịch thứ cấp (mua bán chứng khoán) là chủ yếu mà bỏ quên thị trường sơ cấp (cổ phiếu mới phát hành). Trong khi đó, các quỹ đầu tư gián tiếp chủ yếu tham gia thị trường sơ cấp, “vỗ béo” xong quăng lên thị trường thứ cấp. Chính vì vậy, các nhà quản lý và doanh nghiệp cần có sự cải thiện ở thị trường sơ cấp.

Để kích cầu thị trường, ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc SBS cho rằng lãi suất cho vay hiện nay còn cao, cần giảm xuống khoảng 10% - 12%/năm là NĐT có thể chấp nhận được. Nhưng PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP.HCM, phân tích: “Quan điểm của tôi là tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức 12%/năm để mức lãi suất cho vay trần ở 18%/năm, từ đó các ngân hàng có thể cho khách hàng vay với những mức lãi suất khác nhau tùy theo mức độ rủi ro. Còn lãi suất huy động sẽ dưới 10%/năm. Trường hợp khách hàng gửi tiền chê lãi suất thấp, muốn có lợi nhuận nhiều hơn thì đổ tiền vào đầu tư chứng khoán”.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc nghiệp vụ Quỹ đầu tư Dragon Capital tiết lộ: “Trong 2 tháng qua, các NĐT nước ngoài bán ra khoảng 1 tỉ USD trái phiếu và khối ngân hàng trong nước đã mua hết số trái phiếu này. Bởi lãi suất trái phiếu hiện nay khoảng 16% - 17%/năm, trong khi lãi suất cho vay khoảng 17%/năm. Nếu ngân hàng dùng tiền này cho vay thì gặp nhiều rủi ro hơn, còn mua trái phiếu của các tổ chức phát hành lại an toàn hơn nhiều”.

Thạc sĩ Đinh Thế Hiển kiến nghị, trong khi các công ty cổ phần niêm yết theo kế hoạch, các công ty phát hành tăng vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, việc IPO không thể trì hoãn... thì cần đẩy mạnh nguồn vốn kích cầu bằng cách đa dạng hóa định chế tài chính thu hút nguồn vốn của người dân. Những người có thu nhập trung bình khá, có tích lũy đều đặn từ lương hoặc thu nhập kinh doanh có thể bỏ tiền vào quỹ bảo hiểm nhân thọ, quỹ hưu trí, đầu tư vào chứng khoán...

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.