Làm gì để hết quy hoạch treo?
Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM, cho rằng thực tế khi làm quy hoạch thường định hướng 15 năm, nên cũng khó lường trước được hết những khó khăn. “Cần rà soát thường xuyên, thúc đẩy các quy hoạch làm đúng tiến độ, nếu không phù hợp sẽ điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh DA để phù hợp hơn”, ông Dũng nói.
|
Bình luận về tình trạng quy hoạch treo hiện nay, KTS Nguyễn Trường Lưu cho rằng, luật Đất đai có quy định rõ về quy trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Tuy nhiên, việc hủy bỏ quy hoạch thì chưa có một quy định rõ ràng, cụ thể sẽ do cơ quan nào thực hiện. Theo ông, do việc công bố hủy quy hoạch không khác nào thừa nhận cái sai, thiếu tầm nhìn, kèm theo đó là việc giải quyết hậu quả do quy hoạch treo gây ra, nên có rất ít DA quy hoạch treo được xóa.
|
Ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Ủy ban MTTQ TP.HCM, nhấn mạnh việc TP cho người dân xây nhà tạm trong vùng quy hoạch treo với điều kiện khi giải tỏa không bồi thường cũng vi phạm quyền lợi người dân, là quy định nửa vời, cải lương.
Luật sư sẽ hỗ trợ
Đó là khẳng định của luật gia Lê Hiếu Đằng khi trả lời phỏng vấn của Thanh Niên. Theo ông, khi một đồ án quy hoạch bị treo quá lâu, nghĩa là quy hoạch không đúng, từ đó làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân nên họ có thể kiện. Thực tế hiện nay, việc giải quyết các vụ kiện như vậy sẽ nhùng nhằng, kéo dài nhưng người dân vẫn phải kiện. “Có thể tòa án không giải quyết được, nhưng dư luận, người dân sẽ ủng hộ. Nếu không kiện ra tòa thì người dân chịu rất nhiều thiệt thòi. Có những luật sư (LS) sẵn sàng đứng ra giúp người dân. Giới luật gia TP, các đoàn thể sẽ hỗ trợ việc này”, ông Đằng cho hay.
Theo LS Trần Văn Sáu (Đoàn LS An Giang), quy hoạch treo là rào cản phát triển của xã hội, của người dân. Theo quy định của pháp luật, mọi việc gây thiệt hại cho người dân phải bồi thường. Tuy nhiên có tình trạng hiện nay ở nhiều nơi, chính quyền thông báo là quy hoạch nhưng lại “ém” không ban hành văn bản chính thức về vấn đề này nên người dân khó có cơ sở để kiện. “Đây là cái sai rất lớn của cơ quan hành chính nhà nước, vi phạm quyền cơ bản của công dân”, LS Sáu phân tích.
Đình Sơn
>> Kỳ 2: Xóa quy hoạch, dân vẫn khổ
>> Kẹt cứng trong quy hoạch treo
Bình luận (0)