Kết thúc thi cao đẳng: Thí sinh phấn khởi vì đề thi vừa sức

16/07/2013 12:55 GMT+7

(TNO) Kết thúc 3 buổi thi kỳ thi cao đẳng, hầu hết thí sinh (TS) rời khỏi phòng thi với tâm trạng thoải mái, vui vẻ.

(TNO)  Kết thúc 3 buổi thi kỳ thi cao đẳng, hầu hết thí sinh (TS) rời khỏi phòng thi với tâm trạng thoải mái, vui vẻ.

>> Gợi ý giải đề thi môn văn (khối C, D)
>> Gợi ý giải đề thi môn lý (khối A, A1)
>> Gợi ý giải đề thi môn sinh
>> Gợi ý giải đề thi môn sử
>> Gợi ý giải đề thi môn tiếng Anh (khối A1, D)
>> Gợi ý giải đề thi môn hóa (khối A, B)
>> Gợi ý giải đề thi môn toán (Khối A, A1, B, D)  

Theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT sáng nay 16.7, đợt thi này có 39 TS vi phạm bị xử lý kỷ luật; trong đó có 35 TS bị đình chỉ thi và 4 TS bị khiển trách. Có 5 cán bộ bị xử lý kỷ luật (3 cán bộ bị đình chỉ làm công tác thi và 2 cán bộ bị khiển trách).

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, đề thi cao đẳng năm nay không có sai sót và đều nằm trong chương trình THPT.

 
TS hào hứng trao đổi sau khi thi xong môn văn sáng nay - Ảnh: Hoàng Quyên

Đề văn khối C, D sáng nay được nhiều TS đánh giá nhẹ nhàng và gần gũi.

Đề văn ra về những tác phẩm khá quen thuộc với học sinh như Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.

Câu tự luận được nhiều HS thích thú khi đưa ra câu nói “Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi”.

TS Trần Thị Nhẫn, học sinh Trường THPT Phan Chu Trinh, Đắk Lắk, cho biết câu 2 nghị luận xã hội là câu dễ nhất vì tính gần gũi, dễ nhận thấy trong thực tế cuộc sống.

TS Trường Thọ, học sinh Trung tâm GDTX Chu Văn An, TP.HCM, cho rằng với đề thi này, Thọ đã dùng ý của vế sau để làm bật vế đầu.

Để dẫn chứng cho bài viết của mình, Thọ đã đưa những vụ việc sai phạm, ăn xén, ăn bớt của các quan chức gần đây mà báo chí đăng tải. Những sai phạm đó được phanh phui nhưng không ai trong số quan chức nhận lỗi.

“Từ đó em cũng rút ra bài học cho bản thân là trong cuộc sống ít nhất phải có trách nhiệm...”, Thọ nói thêm.

Trong khi đó, đề thi môn lý (khối A, A1) và môn sinh cũng được TS đánh giá nhẹ nhàng, không có câu nào gài bẫy. Phần bài tập của môn lý và sinh chỉ cần giải 1, 2 bước đã cho ra đáp án.

Thầy Nguyễn Hữu Dương (Trường THPT Vĩnh Viễn TP.HCM): Cấu trúc đề thi văn quen thuộc

Câu 1 là câu hỏi giáo khoa. Trong mấy năm vừa qua, đây là dạng câu hỏi quen thuộc đối với thí sinh: hỏi về một chi tiết nội dung hoặc nghệ thuật của tác phẩm. Câu hỏi của đề bài đề cập đến một chi tiết thú vị trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình của nhà văn Nguyễn Thi mà chắc chắn thầy cô nào cũng đề cập đến khi hướng dẫn học sinh tìm hiểu đoạn trích này. Do đó, học sinh sẽ không gặp khó khăn khi trả lời câu hỏi này.

Câu 2 là câu nghị luận xã hội. Vấn đề được đặt ra trong đề bài rất gần gũi với đời sống và cũng phù hợp với trình độ suy nghĩ của học sinh. Lỗi, nhận lỗi và đổ lỗi là những vấn đề không kém tính thời sự.

Đối với TS, vấn đề này cũng có một ý nghĩa giáo dục tốt. Khi làm bài, TS không chỉ phải suy nghĩ mà còn có dịp tự nhìn lại để thấy được vấn đề và rút ra những bài học cần thiết cho bản thân.

Câu 3a và câu 3b là câu nghị luận văn học. Cả hai câu đều có dạng đề quen thuộc với TS: cảm nhận về một nội dung của một bài thơ và cảm nhận hình ảnh nhân vật trong một tác phẩm văn xuôi.

Nội dung bài thơ và nhân vật trong tác phẩm đều nằm trong phạm vi đã được quy định. Cho nên, cả hai câu này chắc không gây nhiều khó khăn cho TS. 

Nhìn chung, so với đề thi văn đại học khối C, D vừa qua, đề thi cao đẳng nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, nó vẫn có tính sư phạm, tính thời sự và tính phân loại phù hợp với một đề thi tuyển sinh.

Thầy Võ Lý Văn Long (Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn TP.HCM): Đề lý nhẹ nhàng

Đề thi vật lý cao đẳng năm nay tương đối hay và phù hợp. Phần lý thuyết cũng như phần bài tập trắc nghiệm trải đều chương trình phổ thông ở mức độ cơ bản cũng như nâng cao.

Ví dụ như phần lý thuyết về các tia bức xạ, cơ lượng tử, mạch LC… ở các câu 17, 22, 24, 28, 31, 40 ở mã đề 851, hầu như học sinh chỉ cần học vững lý thuyết cơ bản từ đó suy ra kết quả.

Phần bài tập tính toán trải đều ở các nội dung giao thoa sóng, truyền tải điện, giao thoa ánh sáng, phóng xạ, mạch điện xoay chiều…, hầu như không làm khó học sinh.

Tuy nhiên cũng có một vài câu mang tính phân loại học sinh ở phần cực trị dòng điện.

So với đề thi đại học, mức độ tính toán đề lý cao đẳng đơn giản hơn, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức và ôn luyện tốt sẽ đạt điểm cao.

Với đề thi này, học sinh trung bình có thể đạt từ 5-6 điểm; học sinh nắm vững kiến thức, có kỹ năng tính toán tốt sẽ đạt được điểm tối đa.

Hoàng Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.