Kêu gọi đầu tư nhà máy chiếu xạ thanh long

08/11/2008 12:06 GMT+7

(TNO) Hôm qua 7.11, Bộ NN&PTNT đã tổ chức họp báo về sự kiện trái thanh long Việt Nam đi Mỹ. Những trái thanh long đầu tiên của người dân Bình Thuận đã đến với thị trường Mỹ từ ngày 28.10. Nhưng câu chuyện về trái thanh long đi Mỹ vẫn “nóng”.

Theo qui định của Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA), khi trái cây nhập vào thị trường nước này phải đạt các tiêu chí sau: Đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm do Cơ quan kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm Mỹ (FDA) qui định; Cơ quan nhập khẩu Mỹ chứng nhận là sản phẩm không có sâu bệnh hại, và cuối cùng là phải được chiếu xạ. Theo tài liệu của các doanh nghiệp Mỹ cung cấp thì thanh long là trái cây được USDA qui định chiếu xạ kĩ nhất, lâu nhất so các  loại  trái cây khác (400- Minimum Absorbed Dose).

Ngoài những khó khăn như sản xuất thanh long theo từng lô trong trang trại phải được Cục kiểm dịch thực vật Mỹ cấp mã vạch; đóng gói trái thanh long trong một dây chuyền lạnh khép kín tiệt trùng, thì việc chiếu xạ cho trái thanh long đang là khâu “nhiêu khê” nhất hiện nay mà các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây vào Mỹ gặp phải. Sở dĩ phía Mỹ bắt buộc trái thanh long phải chiếu xạ là vì trái cây Việt Nam hiện chưa khắc phục triệt để nạn ruồi đục quả. Đây là một loại sâu hại có thể lây lan rất nhanh được cơ quan kiểm dịch thực vật nhiều nước quan tâm chứ không riêng Mỹ.

Ngày 15.10, ngay sau khi đặt bút kí vào giấy chứng nhận nhà đóng gói thanh long đạt tiêu chuẩn Mỹ cho cơ sở thanh long Bảo Thanh (Hàm Thuận Nam- Bình Thuận), ông Tom Sutton- Chuyên viên cao cấp của USDA cho PV Thanh Niên biết:  Hiện nay chưa có phương pháp nào khác có thể thay thế phương pháp chiếu xạ cho trái cây khi vào thị trường Mỹ. Nếu Bình Thuận có ý định xây dựng nhà máy chiếu xạ thanh long, phía Mỹ sẽ sẵn sàng giúp đỡ, tất nhiên nhà máy ấy phải hội đủ các tiêu chuẩn của Mỹ.

Hiện nay, khâu chiếu xạ trái thanh long trước khi vào Mỹ do Nhà máy chiếu xạ của Công ty TNHH Sơn Sơn (ở TPHCM) đảm trách. Đây là nhà máy chiếu xạ duy nhất tại Việt Nam được USDA cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn Mỹ; đồng thời các thiết bị của nhà máy này cũng nhập từ Hoa Kỳ. Tất cả thanh long của Việt Nam muốn vào Mỹ phải qua cửa chiếu xạ tại đây.

Ngày 3.11 vừa qua, ba doanh nghiệp buôn trái cây từ Mỹ cùng với Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ) về Bình Thuận cùng ngồi với lãnh đạo UBND tỉnh tìm phương thức đầu tư nhà máy chiếu xạ trái thanh long. Tại buổi làm việc này, ông  Nguyễn Văn Thu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, Bình Thuận mời gọi các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư nhà máy chiếu xạ, thậm chí là nhà máy chế biến nước trái cây từ thanh long ngay tại Bình Thuận. Và các nhà đầu tư sẽ được ưu đãi theo phương thức “trải thảm đỏ”. Theo gợi ý của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, các doanh nghiệp Mỹ muốn cùng với các doanh nghiệp tại Bình Thuận hợp tác đầu tư nhà máy chiếu xạ thanh long ngay tại Bình Thuận để góp phần làm giảm đi giá thành xuất khẩu trái thanh long hiện nay. Nhưng lại phát sinh những khó khăn mới, khi một doanh nghiệp tại Bình Thuận muốn đầu tư nhà máy chiếu xạ bằng nguồn thiết bị máy móc của một nước khác, chứ không phải Mỹ (vì thiết bị của Mỹ giá rất cao). Vấn đề là nhà máy chiếu xạ ấy có được phía Mỹ chấp nhận cấp chứng chỉ tiêu chuẩn hay không ? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.

Chỉ tiêu chiếu xạ cần thiết cho thanh long
Một doanh nghiệp từ Mỹ thông báo với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận rằng nếu nhanh nhất thì cũng phải từ 9 tháng đến 1 năm mới có thể hoàn thành một nhà máy chiếu xạ. Vì vậy, trước mắt thì các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải chở thanh long vào nhà máy của Sơn Sơn để chiếu xạ bởi không có cách nào khác.
Hiện nay, tại huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đã có 4 cơ sở được USDA cấp chứng chỉ nhà đóng gói thanh long đạt tiêu chuẩn Mỹ. Nguồn hàng chủ yếu đi Mỹ vẫn là từ diện tích thanh long được cấp chứng chỉ EUREP.GAP (Chứng chỉ Châu u) như HTX thanh long Hàm Minh, Công ty Hoàng Hậu, trang trại Duy Lan… Hiện nay Bình Thuận đang triển khai nhân rộng diện tích thanh long theo tiêu chuẩn Viet.Gap (Tiêu chuẩn Việt Nam). Sau đó sẽ phát triển công nghệ sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn Mỹ. Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 10.000 ha thanh long với sản lượng bình quân 200.000 tấn/năm; chủ yếu vẫn xuất khẩu đi các thị trường Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc, Thái Lan và các nước châu u như Đức, Hà Lan.

Hôm qua 7.11, làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ KHCN Hoàng Văn Phong nói: “ Với nhiều nước, trái thanh long là trái cây của người giàu và giới thượng lưu. Nhiều nhà ngoại giao đến Việt Nam muốn đem trái thanh long về nước làm qùa, nhưng không qua được cửa khẩu nước họ”. Cũng trong buổi làm việc này, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Bộ KHCN nghiên cứu giúp tỉnh đề tài “Nghiên cứu áp dụng các tiến bộ kĩ thuật trong việc phòng trừ ruồi đục quả và bệnh đen cành trên cây thanh long”.

Bài, ảnh: Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.