Các nhà khoa học ở Viện KHKTTV-MT kết luận: “Khả năng xảy ra sóng thần ở vùng bờ biển nước ta là rất thấp”. Theo tính toán, động đất tại đới chìm Manila thuộc vùng biển ngoài khơi Philippines có thể đạt mức trên dưới 8 độ Richter và gây sóng thần ảnh hưởng tới nước ta. Theo tính toán, nếu động đất 9 độ Richter xảy ra ở đới chìm Manila thì sóng thần mất khoảng 1 giờ để tới các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và 2 giờ sau để tới bờ biển từ Quảng Nam đến Phan Rang. Tuy vậy, theo phân tích của các nhà khoa học Nhật Bản và Philippines, vì mảng lục địa Philippines bị gắn cố định ở hai đầu, nên khả năng xảy ra động đất ở cấp 9 tại đới chìm Manila là rất thấp. Trong trường hợp động đất 8,5 độ Richter, độ cao sóng thần vượt trên 1m sẽ gây nguy hiểm từ Vũng Tàu đến Nam Định. Trong đó, khu vực có độ cao sóng thần trên 2m trải dài từ Đà Nẵng đến Phan Thiết.
|
Nếu động đất xảy ra ở mức 7,5 độ Richter ở khu vực phía nam đảo Hải Nam, thì khu vực chịu ảnh hưởng của sóng thần là Đà Nẵng với độ cao của sóng thần chỉ ở mức 1m. Còn nếu xảy ra động đất ở đới chìm Ryukyu, thuộc vùng biển Nhật Bản thì sóng thần mất 2 giờ để lan truyền đến vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đó, phải mất thêm gần 3 giờ để đến vùng biển miền Trung.
Ngoài ra, theo các nhà khoa học, nước ta nằm trong vùng biển Đông, được che chắn khá kỹ bởi các quốc đảo hay bán đảo như Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia... Do đó, những cơn sóng thần từ ngoài khơi Thái Bình Dương rất khó xâm nhập và gây thiệt hại đáng kể.
Người dân tại Đà Nẵng đã hai lần khốn đốn vì tin đồn sóng thần đổ trực tiếp vào nơi này. Chiều ngày 8.7.2005, ở Q.Liên Chiểu, người dân chạy lên núi Hải Vân. Lần thứ hai, vào nửa đêm 27.12.2006, người dân các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn cũng tháo chạy nhưng sóng thần vẫn không xảy ra.
Hữu Trà
Bình luận (0)