Không nên lệ thuộc vào một thị trường khách
Cụ thể, trong tổng số 4.284.130 lượt khách quốc tế đến VN 4 tháng đầu năm, khách châu Á chiếm gần 3/4, đạt 3,065 triệu lượt khách, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, khách đến từ Trung Quốc (TQ) lập kỷ lục, tăng 61,1%, chiếm 1/4 tổng lượng khách quốc tế với trên 1,27 triệu lượt khách.
Khách đến từ Campuchia, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật cũng tăng mạnh còn khách châu Âu, châu Mỹ tăng chậm hơn. Có thể thấy sự dịch chuyển rõ ràng trong cơ cấu nguồn du khách ngoại tới VN. Nếu cách đây 2 năm, du khách Nga ồ ạt tới VN thì hiện nay, các điểm đến được coi là thủ phủ của khách Nga, khách Hàn như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, khách TQ đã tăng mạnh. Từ đầu năm 2016 đến nay, cơ cấu khách quốc tế đến VN có sự thay đổi rõ rệt, khách TQ thường xuyên đứng đầu các bảng thống kê.
Chuyên gia du lịch Huỳnh Văn Sơn cho rằng để khai thác tốt nguồn khách ngoại, cần phải có phân tích, đánh giá rõ ràng nguyên nhân của sự chuyển dịch này là do thị trường du lịch của ta tốt lên, có đột phá hay do biến động an ninh, chính trị từ các khu vực lân cận khiến khách có xu hướng chuyển điểm đến VN như trong thời gian qua. Từ đó mới đưa ra các giải pháp để khai thác cho phù hợp. Ông nhận định: “Nếu VN là lựa chọn khi khách cân nhắc chuyển điểm đến do các nguyên nhân khách quan bên ngoài thì đây rõ ràng là cơ hội tốt cho du lịch VN. Chúng ta có cơ hội để tiếp cận với luồng khách mới, lượng khách lớn nên cũng cần cơ cấu lại sản phẩm, tổ chức lại điểm đến sao cho phù hợp”.
Với cái nhìn thận trọng, PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, đánh giá TQ nằm trong nhóm thị trường phát triển ưu tiên của du lịch VN do lượng khách lớn, nhu cầu cao, thuận lợi về địa lý, có khả năng khai thác lâu dài. Tuy nhiên, do quá gần, lượng khách tự tổ chức đi đường bộ qua biên giới, qua các cửa khẩu rất lớn nên chất lượng nguồn khách kém, khả năng khai thác thấp. Chưa kể đến sự bùng nổ của dịch vụ “tour 0 đồng” ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn thu. “TQ là thị trường lỏng lẻo, phụ thuộc nhiều vào chính sách của nước họ. Hằng năm, TQ đều đưa ra danh sách các nước hạn chế cho người dân TQ đến du lịch. Đã từng có lúc VN lọt danh sách này rồi. Nếu quá phụ thuộc vào nguồn khách này, không cẩn thận, du lịch Việt cũng cần giải cứu”, vị này cảnh báo.
Dẫn chứng việc du khách Nga ồ ạt vào VN cách đây vài năm sau đó sụt giảm mạnh khiến nhiều điểm đến phụ thuộc vào nguồn khách này lao đao, một chuyên gia du lịch cho rằng chúng ta không nên lệ thuộc vào một thị trường khách vì như vậy sẽ dễ gặp rủi ro. Để bền vững, phải xây dựng, triển khai, mở rộng, quảng bá thu hút khách từ các thị trường tiềm năng, trọng điểm, ổn định, có mức chi trả cao như Tây Âu, Bắc Mỹ, ASEAN, Ấn Độ.
Khai thác chưa tương xứng
Lượng tăng đột biến nhưng giá trị mang lại cho du lịch của VN theo hầu hết chuyên gia là chưa tương xứng do chúng ta chưa biết cách khai thác. Ông Trịnh Quảng Thang, Phó trưởng khoa Du lịch - Trường ĐH Văn Lang đánh giá du lịch Việt đang sở hữu rất nhiều tiềm năng nhưng chưa được đầu tư phát triển một cách tương xứng. Ông nhấn mạnh: “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nếu được đầu tư bài bản thì không chỉ ngành này mà rất nhiều ngành khác cũng "ăn theo", mang lại nguồn lợi lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên du lịch VN bị doanh nghiệp, lữ hành các nước lợi dụng quá nhiều khiến lợi nhuận thu về từ du lịch không được như mong đợi. Chính vì thế, bên cạnh đầu tư xây dựng sản phẩm phải có chính sách quản lý, phát triển phù hợp, không để các công ty nước ngoài lợi dụng gây thiệt hại và ảnh hưởng lớn cho toàn ngành”.
Ông Phạm Trung Lương chỉ ra, du lịch Việt còn bài toán chưa giải sức chứa của điểm đến. Phải tính toán lượng du khách quốc tế đến một điểm là bao nhiêu, phân bổ như thế nào, từ đó có chiến lược khai thác sao cho phù hợp. Nếu không giải được bài toán này thì ngay cả việc tính toán thu nhập du lịch cũng không thể có con số chính xác. Từ quan điểm này, ông Lương cho rằng muốn đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn với mục tiêu đạt doanh thu 35 tỉ USD vào năm 2020 thì trước hết phải đặt ra câu hỏi như thế nào là mũi nhọn, mục tiêu, tiêu chuẩn cụ thể ra sao. Tất cả những câu hỏi này đều chưa có lời đáp. "Hiện tại khách đến một TP lớn, cũng chủ trương phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn như TP.HCM mà chi tiêu một ngày không quá 40 USD/người thì con số 35 tỉ USD chắc chắn rất khó”, ông Lương thẳng thắn.
Cụ thể hơn, theo chuyên gia Huỳnh Văn Sơn, muốn phát triển du lịch thì quan trọng nhất là tổ chức du lịch, liên kết doanh nghiệp với nhau, liên kết các sản phẩm du lịch, tổ chức đưa các sản phẩm tới tận tay khách du lịch. Điều này đòi hỏi vai trò rất lớn của nhà nước kết hợp với sự chủ động của doanh nghiệp. “Để biết du lịch Việt có thể trở thành kinh tế mũi nhọn hay không, phải đánh giá thông qua các sản phẩm du lịch. Chỉ riêng dự án Safari ở Củ Chi mà khởi động từ 2004 đến nay chưa hoàn thành.
Vậy 5 năm, 10 năm nữa chúng ta có những sản phẩm du lịch nào nhìn thấy được, sờ vào được? Chúng ta có gì đủ sức giữ chân lượng khách du lịch lớn như vậy? Tổ chức sản phẩm yếu kém, ì ạch thì khách có đông cũng không bền, không chất lượng”, ông Sơn đặt vấn đề.
Nên trực tiếp quảng bá, xúc tiến
VN nên học hỏi cách tổ chức từ các nước có nền du lịch phát triển như Thái Lan, Singapore. Các nước này đều có văn phòng đại diện tại các thị trường trọng điểm để trực tiếp quảng bá, xúc tiến. Kinh phí xúc tiến của họ được lượng hóa một cách chi tiết, đầu tư cho việc gắn kết, tạo động lực cho các doanh nghiệp lữ hành đưa khách sang nước họ. Bên cạnh đó, tổ chức các sản phẩm du lịch độc, lạ, phù hợp với thị hiếu của khách như phát triển du lịch homestay, các chợ đêm, khu mua sắm...
Ông Huỳnh Văn Sơn, chuyên gia du lịch
|
Bình luận (0)