Phát biểu tọa đàm, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM thông tin, tính tới cuối năm 2022, trên địa bàn thành phố có 3.227 cơ sở lưu trú du lịch các loại, tương ứng với hơn 65.000 phòng đủ điều kiện kinh doanh. Đối với hệ thống khách sạn từ 4 - 5 sao, trong 2022, công suất bán buồng/phòng bình quân đạt từ 75% trở lên, ổn định về tình hình kinh doanh và doanh thu của cả năm 2022.
Nguồn khách nói trên tập trung vào các đối tượng là chuyên gia nước ngoài làm việc tại TP.HCM, các nhóm khách du lịch quốc tế - là khách trung thành của hệ thống khách sạn đặt tại thành phố và số lượng lớn các đoàn khách MICE quốc tế đến tổ chức hội nghị khuyến thưởng và kết hợp tham quan du lịch.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, hệ thống khách sạn tập trung ở đối tượng từ 0 - 3 sao trên địa bàn thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như hạn chế về nguồn khách quốc tế chưa kịp hồi phục, sức mua của thị trường chưa có dấu hiệu tăng trưởng như cùng kỳ 2019; khó khăn về nguồn lực nhân sự có kinh nghiệm chuyên môn... Doanh số bán phòng và mức độ thu hút khách lưu trú bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chia sẻ kỹ hơn về những khó khăn mà Sở Du lịch TP.HCM đã nhận diện, bà Nguyễn Thị Thúy Loan, đại diện hệ thống khách sạn A25 cho biết dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các khách sạn. "Hôm nay chúng tôi được có mặt trong hội trường này cũng là điều may mắn, là điều phi thường. Mặc dù dịch bệnh đã qua đi nhưng hậu quả để lại quá nặng nề. Đến tận bây giờ, lượng du khách vẫn không thể ổn định như trước dịch" - bà Loan bắt đầu phần phát biểu.
Cụ thể, trong ba năm dịch bệnh, A25 đã đóng cửa ít nhất 2 năm. Mở cửa trở lại khoảng 1 năm trở lại đây nên cơ sở vật chất bị xuống cấp nghiêm trọng. Tường nhà thấm dột, các thiết bị điện tử như tivi, tủ lạnh, hệ thống đèn trang trí... đều phải thay thế mới. Trong khi đó, do lượng khách du lịch chưa hồi phục nên doanh thu khách sạn sụt giảm. Doanh thu chỉ đủ đáp ứng các khoản chi phí phải trả hàng tháng như: lương, chi phí điện nước, Internet, và các khoản phí khác.
Cùng với đó, các chi phí điện nước, vốn vay nhà nước cũng đã hết thời hạn ưu đãi. Lương nhân viên ngày càng cao nên các nguồn vốn nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất hầu như không còn. Hiện nay, đầu tư nâng cấp hay mua sắm cái gì, doanh nghiệp cũng phải đắn đo, cân nhắc, mất rất nhiều thời gian. Tiền không có, lãi ngân hàng vẫn cao nên "lực bất tòng tâm". Do đó, rất khó làm hài lòng những du khách khó tính.
"Đặc biệt, nguồn lực nhân sự hiện nay thiếu hụt trầm trọng. Chúng tôi luôn rơi vào tình trạng "cháy" nhân sự do bỏ việc nhiều. Bộ phận tuyển dụng liên tục tuyển người nhưng chất lượng đầu vào quá kém, chưa đáp ứng nhu cầu làm việc tối thiểu tại khách sạn. Phần lớn nhân sự có trải qua chương trình đào tạo, nhưng thiếu kinh nghiệm thực tế. Chất lượng phục vụ khách vì thế cũng giảm, không được như ý" - bà Loan nói.
Trước thực trạng trên, bà Nguyễn Thị Thúy Loan đề xuất nhà nước có chính sách giảm khung giá điện kinh doanh dịch vụ lưu trú bằng với khung giá điện sản xuất trong vòng 3 năm để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Hiện nay, giá bán điện ở khung kinh doanh dịch vụ là cao nhất trong các khung giá. Bên cạnh đó, kiến nghị giảm giá nước sinh hoạt và chi phí internet cho ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú.
"Chúng tôi mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, được hỗ trợ giãn nợ vay, để hỗ trợ các doanh nghiệp chúng tôi có điều kiện nâng cấp cơ sở vật chất, có chi phí nâng cấp ứng dụng công nghệ số để phục vụ khách du lịch một cách tốt nhất" - đại diện khách sạn A25 chia sẻ.
Bình luận (0)