Sau lễ chào cờ trọng thể, Tổng bí thư - Chủ tịch QH khóa XII Nguyễn Phú Trọng sẽ phát biểu khai mạc kỳ họp và điều khiển các phiên họp cho đến khi QH bầu được Chủ tịch QH khóa XIII. Theo nghị trình, trong buổi sáng đầu tiên diễn ra kỳ họp, Phó chủ tịch QH - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng bầu cử T.Ư Tòng Thị Phóng sẽ trình bày báo cáo kết quả cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Huỳnh Đảm sẽ Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII.
Các đại biểu QH về Hà Nội dự kỳ họp thứ nhất - Ảnh: TTXVN |
Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Chính phủ báo cáo “Tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2011”. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền thay mặt Hội đồng dân tộc và các ủy ban của QH trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo trên của Chính phủ.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng sẽ trình bày Tờ trình giới thiệu danh sách để QH bầu Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu để QH biểu quyết thông qua.
Tiếp nối nội dung Tờ trình đề nghị QH phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009 do Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tại kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH khóa XII ông Phùng Quốc Hiển sẽ trình bày Báo cáo thẩm tra nội dung này.
Một nội dung khác được đông đảo cử tri và người dân quan tâm là các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011 cũng sẽ được Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tại nghị trường và ngay sau đó là Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của QH.
Sau khi Ủy ban Thẩm tra tư cách đại biểu báo cáo kết quả thẩm tra và QH thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc xác nhận tư cách đại biểu của các ĐBQH, chương trình ngày khai mạc kỳ họp sẽ khép lại với nội dung Chủ tịch QH khóa XII Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ủy ban thường vụ QH khóa XII trình bày Tờ trình về số Phó chủ tịch QH và số ủy viên Ủy ban thường vụ QH khóa XIII.
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 dự kiến kéo dài 14 ngày rưỡi (21.7- 6.8), trong đó sẽ dành khoảng 11 ngày để xem xét, quyết định về công tác tổ chức và nhân sự, như bầu Chủ tịch QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng, quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ, số lượng phó thủ tướng.
Cử tri bất bình trước hành vi xâm phạm chủ quyền ở biển Đông
Một trong những nội dung đáng chú ý trong phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII, sáng nay 21.7 là bản báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri do Ủy ban Trung ương MTTQ VN trình bày.
Theo báo cáo, trong quá trình tham gia tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII và bầu cử ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016, MTTQ các cấp đã phối hợp tổ chức hơn 123.000 hội nghị tiếp xúc cử tri để những người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử và đã ghi nhận gần 390.000 ý kiến phát biểu của cử tri.
Trong các kiến nghị gửi tới QH, cử tri bày tỏ phấn khởi trước thành công của Đại hội XI, cuộc bầu cử ĐBQH, ĐB HĐND vừa qua cũng như thành tựu đạt được của 25 năm đổi mới. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng về sự phát triển chưa vững chắc của nền kinh tế, việc quản lý đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản có nhiều bất cập; lạm phát, giá cả tiếp tục tăng cao ảnh hưởng bất lợi đến đời sống của nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội; cải cách thủ tục hành chính còn chậm, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi... Đặc biệt, “cử tri và nhân dân rất bất bình với việc gần đây một số tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền của nước ta, gây ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa 2 nước”.
Cần nâng cao chất lượng giám sát tại các kỳ họp của QH
Đông đảo cử tri và nhân dân mong muốn những người được QH bầu hoặc được phê chuẩn cần có chương trình hành động gửi đến Ủy ban Thường vụ QH và Ủy ban Trung ương MTTQVN để theo dõi, giám sát.
Ngoài ra, cử tri kiến nghị QH tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của QH, giám sát của Ủy ban Thường vụ QH, các cơ quan của QH, các ĐBQH; quan tâm giám sát các lĩnh vực mà nhân dân có nhiều ý kiến bức xúc, nhất là trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, nợ công và chi tiêu công, cải cách hành chính, việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân…
Bảo Cầm
Bình luận (0)