Khai phá tiềm năng Tây Bắc

05/04/2015 06:39 GMT+7

“Tại sao vùng đất chiến lược, phên giậu của Tổ quốc có quá nhiều tiềm năng nhưng đồng bào, bà con vẫn nghèo nhất cả nước”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc, đặt vấn đề tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Bắc diễn ra hôm qua (4.4).

“Tại sao vùng đất chiến lược, phên giậu của Tổ quốc có quá nhiều tiềm năng nhưng đồng bào, bà con vẫn nghèo nhất cả nước”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc, đặt vấn đề tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Bắc diễn ra hôm qua (4.4).

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp kêu gọi đầu tư vào Tây Bắc Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp kêu gọi đầu tư vào Tây Bắc - Ảnh: Anh Vũ

Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT tại hội nghị, thu nhập bình quân đầu người của Tây Bắc chỉ đạt 24,7 triệu đồng/năm, thấp nhất cả nước; cứ 4 hộ đang sinh sống ở đây thì có 1 hộ nghèo. Về vốn đầu tư, cả vùng chỉ đạt 320.000 tỉ đồng, chiếm 2% tổng vốn đầu tư trên toàn quốc. Có hơn 15.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, chiếm 4,4% so với cả nước. Tính đến năm 2013, toàn vùng Tây Bắc thu hút được 442 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 7,8 tỉ USD, so với 16.000 dự án của cả nước vẫn còn rất ít.

Chính phủ chân thành kêu gọi các doanh nghiệp chung tay đầu tư, góp sức để đưa Tây Bắc đi lên, đúng với tiềm năng của mảnh đất hào hùng này

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Nhìn vào con số khiêm tốn đó, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi các DN hãy đầu tư vào Tây Bắc. Trước hết là vì kinh tế, sau đó là để chung tay xây dựng cho một mảnh đất hào hùng, mảnh đất của những đồng bào dân tộc sắt son, chung thủy.

“Gánh” tín dụng lên vùng cao

Bà Đỗ Thị Thanh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đông Ấn, chia sẻ bà cùng chồng rời Hà Nội lên Sơn La ấp ủ những dự án lớn, hiện đã được tỉnh cấp cho hơn 700 ha rừng trồng vầu làm tăm tre, chân hương xuất sang Ấn Độ và 200 ha đất trồng cây bạc hà chiết xuất tinh dầu xuất khẩu sang Nhật Bản. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất là vốn tự có chỉ hơn 3 tỉ đồng, quá thiếu, trong khi ngân hàng (NH) không muốn cho vay vì công ty không có tài sản đảm bảo. “NH từ chối không cho vay, tôi thấy họ cũng có cái lý vì e ngại rủi ro. Nhưng chúng tôi vay tiền đều chuyển hết cho người dân mua con giống và trồng trên mảnh đất của họ. Nhà nước đang hỗ trợ đầu tư vào nông, lâm nghiệp nên tôi nghĩ cần có hỗ trợ về vốn cho DN”, bà Phương đề nghị.

Không chỉ DN, các hộ dân vốn là đồng bào dân tộc trên cao nguyên Mộc Châu cũng đang mong mỏi được vay vốn để thoát nghèo, làm giàu. Như hộ bà Lò Thị Viên, dân tộc Thái ở bản Phiêng Hạ, xã Phiêng Luông, H.Mộc Châu, Sơn La dám mạnh dạn đầu tư 6.000 m2 đất trồng chè, mở rộng thêm mô hình vườn - ao - chuồng nuôi bò, lợn gà và thả cá. “Nhà tôi mong được vay 50 triệu đồng của NH Chính sách và xã hội để phát triển kinh tế gia đình”, bà Lò Thị Viên bày tỏ.

Tây Bắc gồm 12 tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng và 21 huyện phía tây tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, chiếm 1/3 diện tích cả nước với dân số hơn 10 triệu người.

“Tây Bắc gần mà xa, xa mà gần”. Đó là chia sẻ của Thống đốc NH Nhà nước VN Nguyễn Văn Bình. Ông cũng ví von lên Tây Bắc thì phải “gánh”, “cõng” tín dụng chứ không thể bơm chảy suôn sẻ như dưới xuôi. “Tây Bắc xa về địa lý, nhưng lại rất gần vì là nguồn nước cấp cho sinh hoạt, cho sản xuất công nghiệp của Hà Nội và các tỉnh dưới xuôi”, ông Bình nói. Theo ông, muốn đưa Tây Bắc đi lên, các NH phải bám sát từng hộ dân, DN, phải ăn, nằm cùng họ để cho vay vốn. Đối với Công ty CP Đông Ấn, ông yêu cầu các NH phải ngồi lại với nhau, khó ở đâu tháo gỡ ở đó; tư vấn, sớm cho vay vốn, kể cả sẵn sàng đưa dự án vào cho vay thí điểm theo chuỗi liên kết mà Chính phủ đang triển khai. Đối với các hộ dân muốn vay vốn, ông Bình đã yêu cầu NH Chính sách và xã hội lập tức vào cuộc.

Những cam kết đó được Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng hết sức ủng hộ. Bà cũng cho rằng đầu tư vào Tây Bắc, vùng đất cách mạng, cần có trách nhiệm của DN, của lãnh đạo địa phương, là cách để tri ân các đồng bào dân tộc. Bà cho biết tại Hội nghị IPU vừa qua, bạn bè quốc tế được thưởng thức cam và mật ong Hà Giang, chè Tuyên Quang, quýt Lạng Sơn. Đó đều là sản vật ngon của các địa phương mà tới đây cần phải tập trung đầu tư vốn, công nghệ để cho ra sản phẩm ngon, chất lượng hơn nữa của vùng Tây Bắc.

Định vị lại chiến lược đầu tư

Đó là đề xuất của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc. Theo ông, tiềm năng rất lớn của Tây Bắc chính là “nông nghiệp công nghệ cao”. Tây Bắc nên đi theo hướng trở thành “bếp ăn thế giới”, cung cấp nông sản sạch cho các nước trong khu vực và toàn cầu.

“Hôm qua, chúng ta đã thưởng thức món cá tầm rất ngon. Đó là hướng đột phá từ nông nghiệp sẽ mang lại siêu lợi nhuận. Các DN hãy đầu tư vào Tây Bắc, trước hết là nông nghiệp công nghệ cao”, ông Lộc nói và cho biết thời gian tới VCCI sẽ thành lập Hội đồng Hiệp hội Các DN Tây Bắc, liên kết các DN trong vùng.

Để biến những cam kết, lời nói thành hành động, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phải sớm bắt tay vào đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, cần thu hút các nguồn lực vào phát triển rừng, giảm thiểu nương rẫy. Khuyến khích công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nuôi trồng thủy sản ở các hồ thủy điện trong vùng, tăng cường công tác khuyến ngư, phát triển trang trại nuôi cá hồi, cá tầm vùng nước lạnh. Phát triển du lịch, các điểm, khu, tour du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái như: Mộc Châu Sơn La, Điện Biên Phủ, Pắc Bó, Tân Trào, Đền Hùng, Sa Pa, hồ Thác Bà, Ba Bể, công viên địa chất Đồng Văn... Đồng thời, thu hút nguồn lực để đầu tư, phát triển các khu kinh tế cửa khẩu.

“Chính phủ chân thành kêu gọi các DN chung tay đầu tư, góp sức để đưa Tây Bắc đi lên, đúng với tiềm năng của mảnh đất hào hùng này”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Một số dự án lớn đang kêu gọi đầu tư

- Công trình cảng hàng không (Bảo Thắng, Lào Cai) 5.300 tỉ đồng.

- Đầu tư phát triển du lịch sinh thái hồ Ba Bể (Bắc Kạn), tổng mức đầu tư 50 - 100 triệu USD.

- Nhà máy chế biến chè Shan (Na Hang, Tuyên Quang), tổng vốn 2 triệu USD.

- Khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm (Yên Sơn, Tuyên Quang) tổng vốn đầu tư 30 triệu USD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.