Bác sĩ Nguyễn Đức Vũ - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, nguyên Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định, TP.HCM, nhìn nhận: “Về lý thuyết, để khám một bệnh nhi bình quân phải từ 10 - 15 phút, nhưng trên thực tế do lượng bệnh quá đông, nhất là những BV tuyến trên như TP.HCM, buộc BS phải giải quyết nhanh nên thời gian khám quá ngắn. Rõ ràng, việc khám nhanh như thế chưa thể đạt chất lượng, có thể bỏ qua tiền sử bệnh, những ca bệnh khó. Người bệnh không được tư vấn đầy đủ về bệnh tật cũng như hướng dẫn sử dụng thuốc”, BS Vũ nói.
PGS-TS Vũ Huy Trụ (Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Dược, TP.HCM) cũng cho rằng: “Việc khám quá nhanh có thể bỏ sót bệnh, nhất là những trường hợp bệnh khó. Ở các nước, thường thời gian khám cho một bệnh nhân là 30 phút. Còn ở ta, với tình trạng quá tải như hiện nay thì khó mà làm được điều đó”. BS Nguyễn Thị Hạnh Lê - nguyên Phó giám đốc BV Nhi đồng 2, cũng xác nhận phần lớn người bệnh khi đến BV công chỉ được khám từ 3 - 5 phút.
Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, BS Trương Thế Hiệp - Phó khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy, nói: “Cần giải quyết tình trạng quá tải ảo hiện nay. Nếu cứ để BV chuyên khoa lớn như Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 suốt ngày phải khám những ca bệnh thông thường như viêm họng, viêm đường hô hấp trên; hay BV Chợ Rẫy đi khám tăng huyết áp - những trường hợp này các BV tuyến dưới có thể làm được, thì BS ngồi phòng khám ở các BV ở tuyến của TP phải chạy đua từ 100 - 150 bệnh nhân/ngày - dẫn đến thời gian bệnh nhân được BS khám, tư vấn chóng vánh”. Tuy nhiên BS Hiệp cũng nhìn nhận, dù có đông bệnh thì khi đã tiếp xúc với bệnh nhân, BS phải hết sức có trách nhiệm. Thậm chí, như BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm (BV Nhi đồng 1), chia sẻ: “Có những trường hợp BS phải dừng lại thời gian lâu, hoặc đưa bệnh nhân vào khoa để kiểm tra kỹ nhằm tránh bỏ sót, chẩn đoán bệnh sai”. “Ít nhất BS phải dành cho mỗi bệnh nhân 10 - 15 phút để còn có thời gian giải thích về bệnh, chỉ định điều trị, xét nghiệm… Vì người bệnh đến với BS không chỉ để khám mà họ cần được tư vấn, giải thích về bệnh tình để được an tâm”, BS Khanh nói.
Thanh Tùng
>> Khám bệnh siêu tốc
>> Khám bệnh siêu tốc - Kỳ 2: “Cưỡi phản lực” xem bệnh
Bình luận (0)