Khám phá mặt nạ Việt

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
24/11/2018 07:03 GMT+7

Ngày 23.11, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa VN lần thứ 14 (2004 - 2018), lần đầu tiên Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chương trình Nghệ nhân trao truyền với chủ đề Mặt nạ thời gian.

Trong không gian trưng bày nhiều mặt nạ truyền thống, nghệ nhân Bùi Quý Phong (ảnh) đã giới thiệu nhiều thông tin thú vị về nghề làm mặt nạ thuần Việt từ giấy bồi đến các sinh viên Khoa Kiến trúc (Trường Đại học Duy Tân). Ông cũng chỉ ra những nét khác biệt trong mặt nạ dân gian và mặt nạ tuồng cổ của VN; giữa mặt nạ truyền thống VN và mặt nạ các nước châu Á.
Trong phần trao đổi với các sinh viên, nghệ nhân Bùi Quý Phong đã phân tích cụ thể về những đường nét, màu sắc giữa mặt nạ truyền thống VN với mặt nạ Kinh kịch Trung Quốc. Ông nói: “Sau mỗi mặt nạ là một linh hồn, là một vấn đề, có câu chuyện. Vẽ không có câu chuyện thì đừng vẽ…”. Tại buổi “trao truyền”, nghệ nhân Bùi Quý Phong đã hướng dẫn sinh viên cách vẽ mặt nạ truyền thống. Chương trình nhằm giúp công chúng, nhất là thế hệ trẻ, tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm thực tế nét đẹp cũng như giá trị văn hóa đặc sắc của mặt nạ Việt.
Chiều cùng ngày, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng phối hợp Bảo tàng Bình Định thực hiện triển lãm chủ đề Gốm Champa Bình Định (đến hết ngày 30.12). Triển lãm trưng bày bộ sưu tập gốm Champa với những tiêu bản đặc trưng, riêng biệt lần đầu tiên phát hiện tại Bình Định. Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng còn phối hợp với nhà khảo cổ Hồ Xuân Tịnh trưng bày bộ ảnh Kết nối đền tháp Champa Nam Trung bộ (diễn ra đến hết ngày 31.3.2019).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.