Khám xét chỗ ở khi vắng mặt đương sự có được không?

24/12/2017 09:40 GMT+7

Bộ luật tố tụng Hình sự 2003 (BL TTHS) quy định rõ khi nào cơ quan chức năng tiến hành khám xét nhà ở.

Có thể khám xét trước khi khởi tố bị can được không?
Theo quy định, việc khám xét có thể được thực hiện khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật tài sản có liên quan đến vụ án, người đang có lệnh truy nã.
Cơ quan điều tra nhận thấy rằng nếu không tiến hành khám xét ngay thì công cụ phương tiện, đồ vật, tài sản, tài liệu liên quan đến vụ án….có thể bị tẩu tán tiêu hủy, thì tiến hành khám xét.
Căn cứ khám xét được quy định tại điều 140 BL TTHS, khám xét có thể được thực hiện trước hoặc sau khi khởi tố bị can; có thể áp dụng đối với bị can hoặc người liên quan.
Theo Luật sư (LS) Nguyễn Thành Công (thuộc Đoàn LS TP.HCM), căn cứ để khám xét chỗ ở của một người theo khoản 1 Điều 140 BL TTHS thì việc khám chỗ ở chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định chỗ ở của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
Ngoài ra, khám chỗ ở cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 141 BL TTHS, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện KSND và Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó chánh án TAND và Toà án quân sự các cấp; Thẩm phán giữ chức vụ Chánh tòa, Phó chánh tòa Tòa phúc thẩm TAND tối cao; Hội đồng xét xử; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp ra lệnh khám xét chỗ ở.
Với lệnh khám xét trong trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Cũng căn cứ vào khoản 2 Điều 141 BL TTHS thẩm quyền ra lệnh khám xét trong trường hợp không thể trì hoãn gồm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khám xét xong, người có thẩm quyền ra lệnh khám trong trường hợp này phải thông báo bằng văn bản gửi cho Viện KSND cùng cấp.
Khám xét khi vắng chủ nhà được không?
Đối với trình tự, thủ tục khi thực hiện lệnh khám chỗ ở, LS Công cho rằng, căn cứ vào Điều 143 BL TTHS, khi bắt đầu khám chỗ ở, người khám xét phải đọc lệnh khám và đưa cho đương sự đọc lệnh khám đó; giải thích cho đương sự và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ. Người tiến hành khám phải yêu cầu đương sự đưa ra những đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án, nếu đương sự từ chối thì tiến hành khám xét.
Khi khám chỗ ở, địa điểm phải có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ; có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến. Trong trường hợp đương sự và người trong gia đình họ cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc đi vắng lâu ngày mà việc khám xét không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người láng giềng chứng kiến.
Khi tiến hành khám chỗ ở, những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám xét, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xét xong. Không được khám chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Phải có lệnh khám xét 
Đối với việc khi đương sự nhận thấy chỗ ở của mình bị khám xét không theo đúng các trình tự thủ tục như trên (vi phạm hình thức) hoặc có căn cứ cho rằng lệnh, quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình (vi phạm về nội dung) thì đương sự có quyền được khiếu nại, căn cứ vào Điều 325 BL TTHS. Thời hiệu khiếu nại là 15 ngày kể từ ngày nhận được lệnh, quyết định, hành vi mà đương sự cho rằng có vi phạm pháp luật.
“Đương sự có quyền được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm và được bồi thường theo quy định của pháp luật theo điểm đ khoản 1 Điều 326 BL TTHS”, LS Công nhấn mạnh.
Pháp luật cũng quy định rõ về việc khám xét trái pháp luật. Theo LS Nguyễn Văn Trình (thuộc Đoàn LS TP.HCM), theo Điều 124 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội xâm phạm chỗ ở của công dân thì người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Còn theo điểm a khoản 1 Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội xâm phạm chỗ ở của người khác thì người nào “khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác” thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm; hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
LS Công cho biết thêm, trong mọi trường hợp việc khám xét chỗ ở phải có lệnh bằng văn bản theo đúng thủ tục pháp lý từ người có thẩm quyền, kể cả các trường hợp bắt người khẩn cấp thì việc khám nơi ở này cũng không được phép, tức là bắt buộc phải có lệnh khám xét.
Trường hợp nào có thể khám xét khi chưa có lệnh? 
LS Công nói: “Tất nhiên, trong thực tế thì do tính khẩn cấp của việc bắt người phạm tội quả tang hay người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt quan trọng như quy định tại Điều 81 BL TTHS, Cơ quan Công an có quyền thực hiện việc khám xét ngay mà chưa có lệnh vì căn cứ vào quy định ở điểm c, khoản 1, điều 81 BL TTHS "khi thấy dấu vết của tội phạm tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm.... Có nghĩa là, chỉ được khám trong các trường hợp rất hạn chế”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.