Khẩn trương di dân tránh bão

16/07/2010 16:55 GMT+7

* "Không thể chủ quan với bão số 1!" * Hàng loạt tàu cá Quảng Ngãi gặp nạn tại Hoàng Sa * Sức gió ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 13, 14 (TNO) Chiều nay (16.7), ông Bùi Trung Nghĩa, Phó chủ tịch thường trực UBND huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) cho biết, huyện sẽ khẩn trương tiến hành di dân để tránh cơn bão số 1.

>> Ngày mai, bão số 1 sẽ đổ bộ vào Hải Phòng - Nghệ An

Hai nhóm đối tượng bắt buộc phải di chuyển ngay là người già, trẻ nhỏ và các hộ dân ở những khu vực trũng, gần khu vực đê, kè có nguy cơ bị vỡ cao.

Theo thống kê ban đầu của UBND huyện, tại 5 xã và thị trấn của huyện sẽ có 1.400 người dân nằm trong diện phải di dời tại chỗ.

Vietnam Airlines lên kế hoạch bay bù để tránh bão

Theo thông cáo của Vietnam Airlines, tính đến 16 giờ 30 chiều nay (16.7), chưa có chuyến bay nào của hãng hàng không này bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 1 (bão Côn Sơn).

Dự kiến số chuyến bay đi và đến các sân bay trong ngày mai (17.7) là 219 chuyến quốc tế và nội địa, trong đó tập trung chủ yếu tại Hà Nội (130 chuyến), Đà Nẵng (54 chuyến), Huế (16 chuyến).

Vietnam Airlines hiện đã chủ động chuẩn bị các phương án dự phòng, tăng cường lực lượng trực điều hành 24/24, chuẩn bị máy bay và nguồn lực để tăng chuyến và bay bù trong trường hợp cần thiết, đồng thời thông tin tới hành khách sớm nhất về tình hình các chuyến bay.

Trí Quang

Toàn bộ số người dân trên sẽ được sơ tán đến các điểm cao gồm những nhà dân kiên cố khác, trường học, trụ sở… trên địa bàn huyện đảo.

Việc di dân sẽ thực hiện ngay trong chiều nay và phải hoàn thành trước 21 giờ tối nay. Huyện sẽ thành lập tổ kiểm tra trực tiếp giám sát việc di dân.

"Không thể chủ quan với bão số 1!"

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NN-PTNN kiêm Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư Cao Đức Phát trong buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh chiều nay (16.7) trước khi cơn bão số 1 đổ vào đất liền.

Nhận định đây là cơn bão mạnh và diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cùng các Sở ban ngành không được chủ quan, cần phải tập trung làm tốt công tác ứng phó với bão để không rơi vào tình thế bị động, đặc biệt đề phòng mưa lớn, ngập úng, sạt lở.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, đến thời điểm này, tỉnh đã triển khai thực hiện di dời 273/361 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở.

Năm nay tỉnh đã trang bị và lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc qua vệ tinh. Đồng thời trên các tàu du lịch cũng trang bị hệ thống liên lạc và định vị vệ tinh để đảm bảo thông tin thông suốt ngay trong điều kiện thời tiết xấu.

 
Ông Nguyễn Văn Đọc - Phó chủ tịch thường trực UBND Quảng Ninh báo cáo về công tác ứng phó bão số 1 - Ảnh M.L

Hiện tỉnh đang tổ chức kêu gọi, thông báo cho tất cả các phương tiện thủy khai thác thủy hải sản, vận tải, du lịch đang hoạt động di chuyển gấp vào đất liền và kiên quyết không cho bất cứ phương tiện tàu thuyền nào ra khơi.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã tập kết các vật tư đúng nơi quy định, gồm: 12.097m3 đá hộc, 94.485 bao tải, 3.195 rọ thép, 3.368 kg dây thép, 3.575m2 vải lọc, 50.600m2 vải bạt chống sóng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chuẩn bị 50 tấn thóc giống, 700 tấn phân bón dự phòng để đảm bảo khắc phục kịp thời những thiệt hại do bão lụt gây ra đối với sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Vũ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, đến 8 giờ sáng nay 16.7, tình hình neo đậu tàu thuyền cụ thể như sau:

Về tàu thuyền tuyến khơi: đêm qua và sáng 16.7, 23 tàu còn lại đã về đến bến nâng tổng số tàu thuyền tuyến khơi về neo tại các bến và các khu neo đậu trú gió, bão của địa phương lên 159 tàu thuyền. Cho đến thời điểm này, không có tàu nào đang hoạt động trên đường di chuyển và trong khu vực nguy hiểm trực tiếp của bão.

Về tàu thuyền có công suất nhỏ hơn 90CV: các tàu thuyền có công suất nhỏ đã neo, đậu tại các bến cá, các khu neo trú tại các vịnh và các đảo ven bờ của tỉnh. Được biết, hiện trên toàn tỉnh Quảng Ninh có 12.080 tàu thuyền khai thác thủy hải sản.

Các tàu thuyền đang được chằng néo chặt chẽ, tránh va đập - Ảnh: Mộc Lan

Hà Tĩnh: Nhiều tàu thuyền mất liên lạc

Tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, tính đến 18 giờ chiều nay đã liên lạc với gần 4.000 tàu thuyền và cơ bản các tàu đã tìm đến âu, cảng trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, còn một số tàu thuyền vẫn chưa liên lạc được.

Ông Biện Ngọc Cường, Trưởng Công an xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, cho biết 169 tàu thuyền của xã khi đang chạy vào bờ tránh báo thì có 4 chủ tàu mất liên lạc và hơn 20 thuyền viên đang ở trên tàu.

Bốn chủ tàu gồm: ông Nguyên Văn Đạo, Nguy Văn Thịnh, Nguyễn Văn Thành, Trần Văn Vinh đều trú tại xã Thạch Kim.

 
Ngư dân đang cho tàu thuyền cập bến an toàn trước cơn bão số 1 đổ bộ vào Hà Tĩnh - Ảnh: Hoa Trương

Cùng ngày, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện khẩn gửi các cấp, ngành yêu cầu phải tập trung trong công tác phòng chống bão lụt. Nghiêm cấm tàu thuyền tự ý ra khơi khi bão số 1 chưa tan.

Bên cạnh đó UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện miền biển Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên… phải tăng cường gia cố đê điều. Những huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh đề phòng xuất hiện mưa to gây ra lũ cục bộ.

 

Một số hộ dân sống xung quanh biển Thạch Hải, huyện Lộc Hà đang tập trung chằng chống nhà cửa, phòng chống cơn bão - Ảnh: Hoa Trương

* Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ ngày 16.7, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng - Nghệ An khoảng 450km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển vịnh Bắc Bộ.

Lãnh đạo đơn vị điện lực trực liên tục

Hôm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có công điện khẩn yêu cầu các đơn vị trực thuộc đảm bảo an toàn cung cấp điện, chuẩn bị đầy đủ người, phương tiện để khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra.

Lãnh đạo các đơn vị nằm trong vùng ảnh hưởng của bão trực liên tục trong thời gian bão đi qua để kịp thời giải quyết công việc.

Các công ty thủy điện theo dõi sát tình hình thủy văn để vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa và vùng hạ du. (Theo website chinhphu.vn)

Như vậy khoảng trưa và chiều ngày 17.7, vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An.

Đến 16 giờ ngày 17.7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, ngay trên địa phận các tỉnh Hải Phòng - Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km/giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Trong khoảng 24 - 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4 giờ ngày 18.7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 104,8 độ Kinh Đông, trên địa phận các tỉnh Phú Thọ - Yên Bái. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (từ 39 đến 49 km/giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Trong khoảng 36 - 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Trị gió sẽ mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội. Từ đêm nay (16.7), vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh đến Quảng Bình gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13.

Từ sáng 17.7 ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 2 - 4 mét. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Hàng loạt tàu cá Quảng Ngãi gặp nạn tại Hoàng Sa

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tính đến 17 giờ chiều nay 16.7, có 6 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi trên đường di chuyển trú bão số 1 đã gặp nạn tại quần đảo Hoàng Sa, khiến tính mạng của hàng chục ngư dân đang bị đe dọa.

Cụ thể, tàu QNg-96615 TS của ông Võ Văn Tân (ở xã An Vĩnh, H.Lý Sơn) bị phá nước, mắc cạn vào chiều tối 15.7 tại tọa độ 16,34 vĩ độ bắc, 111,43 kinh độ đông, trên tàu có 15 lao động đã được tàu QNg-96525 TS của ông Phan Thanh Bình (ở cùng quê) cứu hộ.

Tàu QNg-95904 TS của ông Nguyễn Văn Trung (ở xã Bình Châu, H.Bình Sơn), trên tàu có 14 lao động bị chìm tại khu vực đảo Trụ Cẩu. Rất may, 3 ngư dân đã được cứu hộ lên tàu QNg-95613 TS của ông Võ Văn Lựu; 11 ngư dân còn lại đã được tàu ông Phan Thanh Bình (ở xã An Hải, H.Lý Sơn) cứu hộ. Hiện tàu cá của ông Bình cũng đang tìm mọi cách để hỗ trợ trục vớt tàu ông Trung.

Tàu QNg-96219 TS của ông Nguyễn Ngọc Tiến (ở xã An Hải, H.Lý Sơn), trên tàu có 15 lao động, bị phá nước sáng 16.7 tại tọa độ 17,06 vĩ độ bắc, 111,29 kinh độ đông, hiện đang yêu cầu cứu hộ.

Tàu QNg-90028 TS của ông Phạm Thơ (ở xã Bình Châu, H.Bình Sơn), trên tàu có 14 lao động, bị chìm ở khu vực đảo Xà Cừ (Hoàng Sa).

Tàu QNg-96599 TS của ông Trương Tày (ở xã Bình Châu, H.Bình Sơn), trên tàu có 11 lao động, bị chìm lúc 5 giờ ngày 16.7 tại khu vực đảo Đá Bắc.

Tàu QNg-55940 TS của ông Nguyễn Văn Tẩn (cũng ở xã Bình Châu), trên tàu có 9 lao động, bị đứt neo trôi dạt lúc 2 giờ ngày 16.7 tại khu vực đảo Xà Cừ.

Theo thông tin từ trạm máy ICOM cộng đồng xã Bình Châu, H.Bình Sơn vào chiều tối 16.7, qua liên lạc với các tàu đang tránh trú bão tại quần đảo Hoàng Sa gồm: QNg-90078 TS của ông Trương Minh Quang, QNg-95599 TS của ông Ngô Văn Dũng, QNg-95613 TS của ông Võ Văn Lựu và một số tàu khác (tất cả khoảng 7 tàu) đã phát hiện 1 tàu bị chìm gần hết (không xác định được tàu nào), rất nhiều người đang đứng trên phần nổi còn lại vẫy tay xin cứu trong khi đó sóng và gió rất mạnh nên không thể ra cứu nạn được. Ngoài ra, 11 tàu cá khác của Quảng Ngãi với 134 ngư dân trong lúc chạy về quần đảo Hoàng Sa trú tránh bão số 1 đã bị mất thông tin liên lạc từ chiều 15.7.

Ngay trong chiều 16.7, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã gửi văn bản hỏa tốc kiến nghị Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn có biện pháp cứu nạn, cứu hộ kịp thời các tàu cá và ngư dân đang gặp nạn.

Hiển Cừ

P.H.Sâm - Mộc Lan - Trương Hoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.