>> Bão Nock-ten tiến sát biển Đông
>> Bão Nock-ten di chuyển vào biển Đông
>> Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão
>> Áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão
Báo cáo với Phó thủ tướng, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, sáng nay, bão Nock-ten đã mạnh lên tới cấp 10, giật cấp 11 - cấp 12, tâm bão chỉ còn cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 100 km về phía đông nam.
Theo ông Tăng, sau khi vượt qua đảo Luzon, chiều nay bão Nock-ten sẽ đi vào vùng biển phía đông biển Đông. Tiếp đó, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được 20 km, tiến sát phía đông nam đảo Hải Nam (Trung Quốc).
“Khả năng bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta là rất lớn khi hoàn lưu khí quyển trên cao đang rất thuận lợi cho bão di chuyển về phía tây nhiều hơn là tây tây bắc. Sau khi vượt qua đảo Hải Nam vào Vịnh Bắc Bộ, được tiếp thêm năng lượng bão sẽ mạnh trở lại”, ông Tăng nói.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cũng lưu ý, bắt đầu từ ngày 30.7, bão Nock-ten sẽ có những ảnh hưởng đến nước ta. Trên đất liền, nhiều khả năng vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp là các tỉnh từ ven biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên-Huế, cần đề phòng gió mạnh cấp 9 - cấp 10. Mưa sẽ xuất hiện cả trước, trong và sau bão, tâm mưa tập trung ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trời bắt đầu mưa từ ngày 30.7.
Báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư cho biết, đến sáng nay đã thông báo cho 10.718 tàu thuyền với 61.315 ngư dân đang hoạt động trên các vùng biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh. Trong đó, hiện có 20 tàu của Đà Nẵng và Quảng Ngãi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. |
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Trưởng ban Phòng chống lụt bão T.Ư, ông Cao Đức Phát nói rằng, với diễn biến hiện tại, tàu thuyền hoạt động ở khu vực Hoàng Sa và bắc Trường Sa sẽ gặp nguy hiểm, cần thông báo để chủ phương tiện chủ động di chuyển đến nơi an toàn.
“Trên bờ, trước khi bão vào sẽ gây giông, lốc, sét đánh, cần phải chủ động phòng tránh. Tôi lo nhất là mưa lớn sẽ gây lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, cần phải triển khai ngay phương châm 4 tại chỗ để sẵn sàng ứng phó với sự cố có thể xảy ra”, ông Phát nhấn mạnh. Ông Phát cũng lưu ý, các địa phương căn cứ diễn biến tiếp theo của mưa bão, chủ động hạ thấp mực nước đệm trong đồng ruộng, bảo vệ diện tích lúa vừa mới cấy.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu các bộ ngành và địa phương nằm trong phạm vi ảnh hưởng của bão, nâng cao cảnh giác, chủ động triển khai các biện pháp đối phó, sẵn sàng phản ứng nhanh và hiệu quả đối với mọi tình huống.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN-PTNT kiểm tra hệ thống đê điều, các hồ chứa, các thành phố lên phương án chống ngập lụt, các địa phương sẵn sàng sơ tán dân ở những vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất tới nơi an toàn.
Quang Duẩn
Bình luận (0)