Khẩn trương khắc phục hậu quả do bão gây ra

12/08/2007 00:31 GMT+7

* Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đến thăm đồng bào vùng lũ Lũ rút, những ruộng hoa màu xanh mướt ngày nào giờ xơ xác, tan hoang. Bùn đất phủ dày hàng mét trên những cánh đồng. Người dân hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình tập trung sức lực để ổn định cuộc sống.

Quảng Bình: Chính phủ hỗ trợ 20 tỉ đồng và 1.500 tấn gạo

Sáng hôm qua 11.8, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng và lãnh đạo các bộ ngành T.Ư đã đi thăm hỏi, động viên nhân dân vừa chịu hậu quả nặng nề của cơn lũ lịch sử tại các xã Châu Hóa, Văn Hóa (huyện Tuyên Hóa), Phù Hóa, Cảnh Hóa (huyện Quảng Trạch). Tại nơi rốn lũ, Phó thủ tướng rất xúc động trước tình cảnh khó khăn của bà con và chỉ đạo địa phương phải cố gắng khắc phục nhanh chóng hậu quả cơn lũ. Chiều cùng ngày, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, sau khi nghe Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tình hình thiệt hại, Phó thủ tướng hoan nghênh sự ứng phó kịp thời tại chỗ của tỉnh đã hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất có thể.

Lưu ý bão đã tan, lụt đã rút, phải tiến hành các công tác hỗ trợ, không để dân đói khát, phải có chỗ ở, chú ý giữ vệ sinh môi trường. Phó thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Bình cần huy động lực lượng, mở rộng diện xử lý, không được lơ là chủ quan sau lũ. Các xã đã nghèo khó nay càng khó khăn nên chú ý phục hồi sản xuất để đời sống bà con trở lại bình thường. Phối hợp với các bộ ngành T.Ư khôi phục hạ tầng. Thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết: hỗ trợ 20 tỉ đồng để Quảng Bình chủ động xử lý; cấp 1.500 tấn gạo cứu đói, trước mắt xuất kho dự trữ quốc gia 500 tấn.

Phó thủ tướng yêu cầu trong thời gian từ 1 đến 3 tháng phải khôi phục sản xuất; khẩn trương xử lý môi trường, lo nước uống, dựng lại nhà cho bà con, lo điện sáng, thông tin liên lạc, việc học tập; đề phòng các cơn bão khác. Đề nghị Bộ Y tế rà soát lại thuốc, hóa chất đã cấp để có phương án hỗ trợ tiếp cho tỉnh. Giống sản xuất, trồng trọt giao cho Bộ NN&PTNT nhanh chóng chuyển đến cho bà con nông dân. Phó thủ tướng nhắc nhở tỉnh Quảng Bình nêu cao tinh thần tự lực tự cường và kêu gọi các tổ chức, cá nhân, đơn vị đóng góp giúp Quảng Bình khắc phục thiên tai.

Đến ngày 11.8, còn 3 người mất tích chưa tìm ra trong tổng số 15 người chết toàn tỉnh. Ước tính tổng trị giá thiệt hại ban đầu của tỉnh là hơn 475 tỉ đồng.

Hà Tĩnh: Ưu tiên giải quyết lương thực, cứu đói, cứu khát

Ngày 11.8, tại Hà Tĩnh, nước đã rút nhưng vẫn chậm. Tuyến đường từ thành phố Hà Tĩnh lên Hương Khê đã thông, nhưng đi lại rất khó khăn bởi bùn đất ngập ngụa, một số nơi vẫn còn ngập cục bộ. Tại Hương Khê, nhiều xã vẫn bị ngập như Phương Điền, Phương Mỹ, Hà Linh, Phúc Đồng, Hương Thủy, Hương Giang, Hòa Hải... Đây đã là 1 tuần, nhân dân Hương Khê, Vũ Quang phải gánh chịu hậu quả của trận lũ nặng nề nhất trong vòng 50 năm qua.

Chính phủ hỗ trợ 85 tỷ đồng, 3.000 tấn gạo cho các địa phương để khắc phục hậu quả lũ lụt

Ngày 11.8, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1027/QĐ-TTg trích 85 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2007 hỗ trợ cho các địa phương để khắc phục hậu quả lũ lụt.

Cụ thể phân bổ cho các tỉnh: Hà Tĩnh 20 tỷ đồng, Quảng Bình 20 tỷ đồng, Đắk Lắk 15 tỷ đồng, Đắk Nông 10 tỷ đồng, Lâm Đồng 10 tỷ đồng, Gia Lai 5 tỷ đồng và Kon Tum 5 tỷ đồng để hỗ trợ dân sinh và khôi phục, sửa chữa nhà cửa bị hỏng, hư hại; phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường và xử lý một số công việc cấp bách để sớm ổn định đời sống nhân dân vùng bị thiên tai. Đồng thời, xuất cấp (không thu tiền) 3.000 tấn gạo cho tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, mỗi tỉnh 1.500 tấn gạo từ nguồn Dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương để cứu đói kịp thời cho dân vùng bị lũ lụt, và để chủ động dự trữ lương thực cho các vùng dễ bị chia cắt, chủ động cứu đói khi bão, lũ xảy ra. 

 Theo TTXVN

Chiều ngày 11.8, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: Cấp ủy, chính quyền huyện Hương Khê đang dốc toàn lực để khắc phục hậu quả trận lũ khủng khiếp nhất từ trước tới nay. Thiệt hại của Hương Khê đã lên đến 300 tỉ đồng trong tổng số 450 tỉ đồng thiệt hại của cả tỉnh. Ông Thanh cho biết: Hiện nay, giải quyết lương thực, cứu đói cho dân, giải quyết nước ăn, uống sinh hoạt cho dân là vấn đề cấp bách. 4-5 ngày qua, nhiều người dân đã phải sống trên nóc nhà, ăn mì tôm sống.

Và bây giờ, với nguồn nước nhiễm bẩn, họ cũng không thể có cơm ăn, nước uống tử tế được. Bên cạnh đó, một số cơ số thuốc chữa bệnh đã được chuyển đến cho bà con vùng lũ lụt. Đồng thời, chính quyền huy động các lực lượng khôi phục, sửa chữa lại nhà dân, đảm bảo nơi ăn, chốn ở cho nhân dân, khắc phục giao thông, cầu cống, đường sá, làm vệ sinh môi trường.

Huyện đã thành lập Ban tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ do Chủ tịch UBMT Tổ quốc huyện làm trưởng ban, để bảo đảm hàng cứu trợ đến đúng địa chỉ, đúng trọng điểm. Ngoài số tiền cứu trợ 300 triệu đồng của tỉnh, huyện đã trích ngân sách địa phương mua 1,5 tấn mì tôm để cấp phát cho các xã, trích nguồn dự phòng để khắc phục hậu quả lũ lụt.

Vũ Quang còn 6 xã vùng hạ bị ngập trong biển nước như Đức Tân, Đức Giang, Đức Lĩnh, Đức Bồng và vẫn phải đi lại bằng thuyền. Cấp ủy, chính quyền huyện Vũ Quang cũng đang trích ngân sách 100 triệu đồng, gấp rút triển khai các biện pháp cứu đói cho dân, cấp phát thuốc men, lương thực tới các xã vùng xa, vùng sâu bị ngập.

Tỉnh đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh; Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh huy động hàng trăm đoàn viên tình nguyện lên Hương Khê, Vũ Quang để khắc phục hậu quả bão lụt. Ngày hôm nay 12.8, thêm 200 tấn gạo thuộc nguồn dự phòng của Chính phủ đã được tỉnh chuyển lên Hương Khê 100 tấn, Vũ Quang 100 tấn để kịp thời cứu đói cho bà con vùng ngập lụt.

Hạnh Loan - Kiến Giang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.