Khẩn trương kiểm tra làm rõ và đề xuất biện pháp xử lý

08/05/2008 01:25 GMT+7

Ngày 7.5.2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung thông tin mà Báo Thanh Niên nêu, liên quan đến ông Nguyễn Quốc Kỳ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nêu trên đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15.5.2008. Theo Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Kỳ được bổ nhiệm làm quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch ngày 27.3.2008. Trước khi được bổ nhiệm, ông Nguyễn Quốc Kỳ từng bị buộc thôi việc vì có hành vi "gợi ý và nhận hối lộ" khi còn là nhân viên hướng dẫn du lịch của Công ty du lịch TP Hồ Chí Minh.

(Theo website Chính phủ, TTXVN)

Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết: Tôi băn khoăn tại sao lại đề bạt trường hợp này?

"Tôi cũng đọc thông tin này rồi, thấy băn khoăn ở chỗ là tại sao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại đề bạt trường hợp này. Tôi băn khoăn. Tốt nhất là nơi đề bạt phải xem xét lại, trả lời cho thuyết phục, phải rất thận trọng. Không nên định kiến, đã bị kỷ luật một lần là thôi mãi, nhưng cũng phải xem khuyết điểm đấy là khuyết điểm gì. Trước dư luận như thế, tốt nhất cơ quan có thẩm quyền ra quyết định bổ nhiệm phải tiến hành thẩm tra, xác minh và trả lời công luận cho rõ ràng, vì sao lại bổ nhiệm. Phải thẩm tra lại, anh không thể làm ngơ được. Nhất là dư luận đó bắt nguồn từ nội bộ của anh nên người ta có nhiều căn cứ, mình phải tôn trọng".

X.Toàn (ghi)

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn: Trách nhiệm thuộc về Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

(Trích trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội)

* Ông có nhận xét gì về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Kỳ làm quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch?

 - Theo phân cấp, việc đó thuộc quyền của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét và tiến hành.

* Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chịu trách nhiệm về quyết định bổ nhiệm?

- Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, người có thẩm quyền đề bạt, sẽ chịu trách nhiệm về việc này.

* Dưới góc nhìn về quản lý công chức, ông đánh giá thế nào về người từng có vi phạm về nhận hối lộ nay lại được đề bạt?

- Về nguyên tắc, người bị kỷ luật nhưng có sửa chữa tiến bộ thì sau đó có thể được xem xét để đề bạt. Nhưng như thế nào là chuyển biến, tiến bộ và khẳng định được rằng người đó không có khuyết điểm thì lại phải cấp có thẩm quyền thẩm định.

* Nhưng vi phạm là nhận hối lộ, thưa ông?

- Thế thì lại càng khó nữa. Việc thẩm tra, xác định người đó không mắc khuyết điểm trở lại nữa hay không thì cấp thẩm quyền lại phải xem xét kỹ hơn nhiều.

* Đảng, Chính phủ đang tập trung chống tham nhũng, hối lộ nhưng ông Kỳ lại vấp phải. Hiện tại chúng ta có hàng trăm doanh nghiệp du lịch, ông Kỳ có thể không công tâm trong quá trình làm Tổng cục trưởng?

- Việc đó phụ thuộc vào cấp đề bạt, các đồng chí ấy có khẳng định được rằng đồng chí trước đây có khuyết điểm bây giờ đã sửa rồi và không mắc lại khuyết điểm đó không, cấp có thẩm quyền xem xét, còn tôi xin phép không trả lời câu đó.

Xuân Toàn
(thực hiện)

 

 Chúng tôi lạnh cả người

(Nhân đọc Lạ lùng chuyện bổ nhiệm Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, TN 7.5.2007)

* Tôi đồng ý phàm đã là người thì không thể cả đời không mắc một sai lầm nào. Và các cụ cũng răn dạy con cháu về đức vị tha, nhưng cũng chỉ dừng lại ở những lỗi mang tính "hoàn cảnh" thôi (đói ăn vụng, túng làm càn).


Chắc chắn ông Kỳ khi mà gợi ý và nhận hối lộ thì không thể ở trong hoàn cảnh túng và đói được. Vậy ta có nên rộng lượng quá như thế không? Tôi xin hỏi ông Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL và ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ rằng, liệu các ông có đồng ý cho một bác sĩ, đã có "tiền sự" mổ tim làm chết bệnh nhân, mổ tim cho mình hoặc con mình không? Hai ông có dám thuê một người đã từng ăn cắp tiền của hàng xóm làm người giúp việc cho nhà mình không? Sao lại có thể giao tiền bạc của dân, quyền lực của Nhà nước vào tay một người đã từng có một vết đen to lớn trong lý lịch công chức nhà nước như thế?

Đinh Bich Ngoc
(Đống Đa, Hà Nội)

* Sau loạt bài ngày 7.5 của Báo Thanh Niên cung cấp, tôi thấy lạnh cả người. Tôi làm giám đốc một công ty tư nhân nhỏ thôi, doanh thu năm 2007 của tôi là 5,6 tỉ, lãi sau thuế gần 1 tỉ (chính xác là 960 triệu) vậy mà tôi bị HĐQT cho là làm không hiệu quả. Vậy mà Công ty ông Kỳ doanh thu 432 tỉ mà lãi sau thuế chỉ hơn 1 tỉ, con số đó nói lên bao điều về con người này. Tôi rất mong Báo Thanh Niên làm rõ thêm chuyện này: Tiêu chuẩn thế nào thì được Huân chương Lao động? Tiêu chuẩn thế nào thì đạt các danh hiệu nọ danh hiệu kia?

Nguyễn Đại Dương
(TP.HCM)

* Thật nực cười là doanh nghiệp lãi có 1 tỉ đồng mà đã được huân chương, thương hiệu "hàng đầu" cùng bao nhiêu loại danh hiệu. Nhân đây tôi cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khi trao các loại danh hiệu và huân huy chương phải có tiêu chí lợi nhuận, nộp ngân sách làm điều kiện cần tối thiểu, chứ không thể nói chung chung 2 chữ "hiệu quả", rồi mạnh ai nấy “chạy”, loạn các loại danh hiệu trao tặng như hiện nay.

Chu Thanh Binh
(Ha Noi)

* Thông qua loạt bài đăng tải trên Báo Thanh Niên về chuyện bổ nhiệm quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Du Lịch đã cho chúng tôi những người Việt sống xa Tổ quốc có cái nhìn thiện cảm và hài lòng về báo chí Việt Nam hôm nay.

Nguyễn Em
(Canada)

* Đọc lời nhận xét của ông Bộ trưởng mà tôi phát run. Đồng ý là con người ai mà không có lúc sai, ai mà không muốn phục thiện, nhưng đây là chuyện quốc gia, không phải chuyện gia đình mà ông Bộ trưởng nói như thế.

hieu260…@yahoo.com

* Mọi vấn đề của sự việc đã rõ ràng và không thể chấp nhận được. Về "tài năng kinh doanh",  với sự điều hành của ông Kỳ cho thấy như sau: Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu của Vietravel năm 2006 = 0,25%, năm 2007 = 0,31%. Ở đây có thể nói rằng: hoặc là hiệu quả kinh doanh quá kém, hoặc là ông Kỳ dùng phép thuật nào đó vừa triệt tiêu lợi nhuận vừa luồn lách để nhận một loạt các danh hiệu, huân chương. Chỉ có cơ quan kiểm toán vào cuộc thì mới biết được thực chất.

Nguyễn Năng Tứ
(Tân Phú, TP.HCM)

* Tôi rất trân trọng những gì mà Tổng biên tập và Báo Thanh Niên đã đăng trong loạt bài này. Một tiếng nói phản kháng vì nhân dân, vì đất nước. Tôi thực sự khâm phục các anh các chị. Nếu không có những tiếng nói như thế này thì sẽ còn nhiều vị ngồi nhầm chỗ lắm. Dân sẽ còn khổ nhiều.

opensource19…@yahoo.com

* Một doanh nghiệp lớn mà nhiều năm có tỷ suất lợi nhuận so với doanh thu chưa tới nửa phần trăm (kém hơn ông bán mì gõ ngoài phố) mà lại được tặng quá nhiều danh hiệu, quả là chuyện lạ. Nếu thanh tra sẽ thấy rõ lợi nhuận của doanh nghiệp biến đi đâu.

chidungtp…@gmail.com

* Tiêu chí để đánh giá một doanh nghiệp công ích hoặc tổ chức phi lợi nhuận là lợi ích mà nó đem lại cho cộng đồng chứ không phải là hiệu quả kinh doanh. Nhưng Vietravel do ông Nguyễn Quốc Kỳ làm giám đốc không phải là doanh nghiệp công ích, nó là doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Tiêu chí quan trọng để đánh giá nó là hiệu quả kinh doanh (lợi nhuận/vốn và lợi nhuận/doanh thu). Doanh thu của nó lên tới trên 400 tỉ đồng một năm mà lợi nhuận sau thuế chỉ vẻn vẹn hơn 1 tỉ đồng. Điều này thật đáng ngờ. Hiệu quả kinh doanh bé tí tẹo như vậy sao lại xếp vào một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành du lịch Việt Nam với đủ các thứ danh hiệu? Đề nghị Nhà nước thực hiện kiểm toán doanh nghiệp này mới biết được thực chất.

nga…@gmail.com

*Những thông tin liên quan:

>>Lạ lùng chuyện bổ nhiệm Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch 
>>
Những thông tin đáng chú ý
>>Ông Thân Hải Thanh, Tổng giám đốc Benthanh Tourist: "Tôi nói thẳng, ông Kỳ không đủ tư cách chỉ đạo tôi"
>>Hãy làm một cuộc thăm dò trong ngành du lịch!
>>Bố trí cán bộ
>>Từng nhận hối lộ, làm sao leo lên đến chức Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch?
>>Chuyện cũ của quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Quốc Kỳ

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.