Năm 2014, Tổ chức y tế thế giới cảnh báo Việt Nam có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao. Tình trạng này càng trở nên trầm trọng đến mức nhiều liệu pháp kháng sinh trong hướng dẫn y học không còn hiệu lực; trong khi nhiễm khuẩn vẫn là bệnh phổ biến.
ThS.BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa hô hấp bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến kháng kháng sinh là sử dụng kháng sinh không đúng chỉ định.
Lạm dụng kháng sinh – lỗi của ai?
Nhiều người “tự kê đơn, tự làm bác sĩ”, cho bản thân và cả những người thân. Họ tự mua kháng sinh; tự điều trị không cần toa thuốc. Ngay cả khi được khám và kê đơn, nhiều người lại không tuân thủ liệu trình điều trị. Thấy bệnh không giảm thì tự ý đổi thuốc, hoặc ngưng giữa chừng khi sức khỏe dần dần cải thiện…
Bên cạnh đó, mặc dù đã có quy định về kê đơn và bán thuốc theo đơn, rất nhiều nhà thuốc vẫn bán kháng sinh và nhiều loại thuốc cho người bệnh mà không cần toa thuốc.
Đừng hại trẻ bằng các toa thuốc tự kê
|
Kháng sinh được coi như là “vũ khí tối thượng” để đối phó với các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn. Tuy nhiên, dùng kháng sinh không đủ liều, đủ ngày hoặc lạm dụng kháng sinh thì các chủng vi khuẩn kháng thuốc càng phát triển, bệnh càng khó điều trị.
Đề kháng kháng sinh – ai làm nấy chịu?
ThS. BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa hô hấp bệnh viện Nhi Đồng 1 thường xuyên chứng kiến phụ huynh đưa con vào viện sau khi tự kê toa kháng sinh cho con mà không thuyên giảm. “Trong nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, 30-60% người bệnh không tuân thủ điều trị đúng, nhất là khi thời gian điều trị trên bảy ngày. Việc không tuân thủ điều trị này sẽ dẫn đến các hậu quả trước mắt và lâu dài. Bệnh không hết hẳn, dễ tái phát khiến người bệnh đáp ứng với điều trị kém hơn, tăng thể bệnh nặng và dễ có biến chứng. Từ đó, chi phí bỏ ra tốn kém hơn do phải điều trị, nhập viện, và phải đổi sang kháng sinh khác thường là đắt tiền hơn.” - Ths. BS Trần Anh Tuấn nhận định.
Không ít phụ huynh đưa con đi khám sau khi tự ý “kê toa”
|
Hậu quả trầm trọng nhất là khi vi khuẩn đề kháng kháng sinh (lờn thuốc). Theo các chuyên gia y tế, việc điều trị bệnh đang trở nên khó khăn do vi khuẩn kháng thuốc gia tăng. Nói cách khác, càng lạm dụng kháng sinh, các chủng vi khuẩn kháng thuốc càng có cơ hội phát triển và lây lan. Trong khi quá trình nghiên cứu các loại kháng sinh hữu hiệu thường kéo dài vài chục năm, thì tiến trình đề kháng kháng sinh của vi khuẩn diễn ra nhanh chóng.
Kháng sinh liệu trình điều trị ngắn ngày có hạn chế kháng kháng sinh?
Việc kê toa kháng sinh gì, hàm lượng, thời gian bao lâu đòi hỏi trình độ của bác sĩ. Do đó, nguyên tắc khi sử dụng kháng sinh là nhất thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt liệu trình điều trị của bác sĩ và lưu ý đặc điểm của các loại thuốc kháng sinh như số lần dùng trong ngày ít (ví dụ 1 lần/ngày); thời gian điều trị ngắn (3 ngày – 5 ngày)… Liệu trình kháng sinh ngắn ngày cũng giúp người bệnh dễ tuân thủ chỉ định của bác sĩ hơn. Ths. BS Trần Anh Tuấn khuyên người bệnh:
Không tự ý kê toa, tự mua kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Không dùng lại kháng sinh thừa từ các đợt kê toa trước.
Không chỉ người khác dùng kháng sinh khi thấy triệu chứng bệnh giống mình.
Không tự ý ngưng dùng kháng sinh khi thấy bệnh có dấu hiệu thuyên giảm.
Ngưng thuốc giữa chừng dễ làm bệnh thêm trở nặng
|
Nếu liệu trình kháng sinh kéo dài từ 7-10 ngày, người bệnh thường chỉ tuân thủ được vài ngày, lượng thuốc đã uống chỉ có thể tiêu diệt một số vi khuẩn chứ không đủ để diệt hết. Kết quả là bệnh dễ tái phát và những vi khuẩn còn sống sót trở nên đề kháng và dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Nhiều loại kháng sinh có liệu trình điều trị ngắn (3 - 5 ngày) vẫn đủ khả năng điều trị hiệu quả các chứng bệnh nhiễm khuẩn so với liệu trình dài ngày.
Bình luận (0)