Khánh Hòa cần cơ chế ‘đặc thù’ làm đường cao tốc

22/07/2021 08:00 GMT+7

Mặc dù chuẩn bị khởi công nhưng dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hòa) hiện gặp nhiều khó khăn vì khối lượng đất đắp nền đường còn thiếu. Tỉnh rất cần một cơ chế “đặc thù” để gỡ vướng.

Thiếu hơn 75% đất đắp nền cao tốc

Dự án (DA) cao tốc Bắc Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải làm nhà đầu tư (NĐT). Ngày 6.5.2021, DA đã được Bộ GTVT ký hợp đồng triển khai. Theo kế hoạch, DA khởi công hôm 30.6, nhưng do dịch bệnh Covid-19 nên tạm hoãn. Theo hồ sơ thiết kế, tổng khối lượng đất đắp phục vụ DA này khoảng 6,33 triệu m³, trong đó khối lượng đất tận dụng từ nền đường hiện có khoảng 0,77 triệu m³ và quỹ đất đáp ứng kỹ thuật đắp nền hiện có khoảng 0,8 triệu m³. Như vậy, khối lượng đất đắp còn thiếu khoảng 4,76 triệu m³.
Qua khảo sát của NĐT và đơn vị tư vấn Bộ GTVT, hiện nay các mỏ đất dự kiến phục vụ cho việc đắp nền đường của DA cao tốc tại Khánh Hòa không đảm bảo chất lượng, khối lượng. Khảo sát thực địa các mỏ đất cung cấp cho DA đa phần là đất phong hóa, chủ yếu đá, chỉ bóc được lớp đất mặt nên không đảm bảo kỹ thuật cũng như khối lượng để sử dụng làm đất đắp nền đường. Trong khi đó, những vị trí phù hợp được đơn vị tư vấn của Bộ GTVT và NĐT lựa chọn lại nằm ngoài quy hoạch khoáng sản của địa phương, tính đến thời điểm hiện tại. Theo tỉnh Khánh Hòa, nếu các mỏ khoáng sản trên làm theo tuần tự thủ tục thông thường, từ quy hoạch đến cấp phép sẽ kéo dài từ 8 tháng đến 1 năm, ảnh hưởng đến tiến độ DA.

Cần có cơ chế “đặc thù” để DA đảm bảo tiến độ

Trước những khó khăn trên, ngày 14.7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân tiếp tục có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị xem xét cho tỉnh có cơ chế đặc thù trong việc cấp phép mỏ đất làm vật liệu đắp nền cao tốc đang còn vướng trình tự thủ tục pháp lý hiện hành. Theo tỉnh Khánh Hòa, DA dài 49,1 km, đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng và bàn giao mặt bằng cho NĐT. Tuy nhiên, tỉnh Khánh Hòa đang gặp khó khăn trong việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu đắp nền DA. Cụ thể, đối với 12 mỏ đất đạt chất lượng đất đắp nền đã được đơn vị tư vấn Bộ GTVT và NĐT lựa chọn, nếu cấp phép khai khoáng thì hiện đang vướng thủ tục, bởi đa số nằm ngoài vùng quy hoạch khoáng sản hiện có.
Ngoài ra, đối với các điểm mỏ nằm ngoài quy hoạch khoáng sản giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được tỉnh Khánh Hòa phê duyệt, hiện trạng sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất tại các khu vực này đều là đất trồng rừng sản xuất, đất nông nghiệp, không có cơ sở cấp phép khai thác khoáng theo Nghị quyết số 60 của Chính phủ. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoảng sản tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 có thể thực hiện theo Nghị quyết 751 của Ủy ban thường vụ Quốc hội để bổ sung các điểm mỏ mới. Tuy nhiên, quy trình rất tốn thời gian.
Với các vướng mắc đã nêu, tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho áp dụng cơ chế đặc thù trong việc cấp phép khai thác khoáng sản phục vụ đường cao tốc đoạn qua Khánh Hòa. Cụ thể, đối với mỏ đất nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản đã được phê duyệt: giảm thủ tục hành chính, theo hướng giảm các thủ tục thẩm định thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công; đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư; yêu cầu NĐT đề nghị cấp phép thăm dò, đánh giá trữ lượng; xây dụng phương án phục hồi môi trường, trình thẩm định, phê duyệt. Với điểm mỏ nằm ngoài quy hoạch nhưng đảm bảo về chất lượng, cần áp dụng theo quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 64 Luật Khoáng sản 2010, có bổ sung yêu cầu đối với NĐT: Thăm dò, đánh giá trữ lượng trình thẩm định, phê duyệt; xây dựng phương án khai thác, phê duyệt và tự chịu trách nhiệm; xây dựng phương án phục hồi môi trường, trình thẩm định, phê duyệt…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.