"Với chúng tôi, 1 tỉ USD không chỉ là con số mà là cả cuộc đời, cả thời thanh niên, những ngày đẹp nhất, sôi nổi nhất. Đây còn là ước mơ và đã thành hiện thực, là hy vọng mà chính chúng tôi cũng không nghĩ đến ngay từ những ngày đầu", mở đầu bài phát biểu tại sự kiện công bố về hành trình tỉ USD vừa diễn ra, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, xúc động chia sẻ.
Người được xem là nhà sáng lập, linh hồn của FPT, kể về 35 năm trước, khi 13 nhà khoa học còn chưa đủ tiền sống tập hợp lại với nhau. Dù còn hết sức khó khăn nhưng thay vì nuôi heo, nuôi gà thì họ có cùng tâm nguyện muốn góp phần hưng thịnh quốc gia và bắt tay nhau thành lập Công ty FPT. 10 năm sau, từ 1998, Tập đoàn FPT bắt đầu chiến lược toàn cầu hóa với khát vọng đem công nghệ, trí tuệ VN ra thế giới. Công ty "mò mẫm" tự tìm đường ra nước ngoài bằng các mô hình và quy trình chuẩn công nghiệp như ISO hay CMM, mở văn phòng ở Bangalore (Ấn Độ) vào năm 1999, rồi ở thung lũng Silicon (Mỹ) vào năm 2000 nhưng hành trình đó đã sớm thất bại. Khách hàng đầu tiên FPT có được chỉ mang về doanh số khiêm tốn.
"Chúng tôi tiêu hết 1 triệu USD và thất bại. Chỉ đến khi sang Nhật Bản tìm hiểu và học được bài học: Muốn làm phần mềm phải chịu khó nói tiếng bản địa thì mới bắt đầu trụ được. Đây không phải lộ trình tính toán được, đây còn là sự may mắn. Ý tưởng đi lên bằng công nghệ đã 35 năm rồi và tiếp tục trong tương lai vẫn chính xác, không thay đổi", ông Trương Gia Bình nói.
Cũng đầy cảm xúc, Tổng giám đốc FPT Software Phạm Minh Tuấn nhớ lại mốc 1 tỉ USD không hồi hộp bằng lúc công ty đạt 1 triệu USD do đứng giữa "lằn ranh sinh tử". Ngày ấy, khi mở văn phòng tại Ấn Độ, ông phỏng vấn 100 người thì có 99 người không biết VN ở đâu, còn một người nói VN ở... Bắc Mỹ. Sau 2 năm mở cửa văn phòng ở Ấn Độ, Mỹ thì xảy ra làn sóng sụp đổ công ty công nghệ dotcom, ông và những người đầu tiên ở FPT Software lặng lẽ quay về. Trong nội bộ bùng lên tranh luận về tiếp tục làm trong nước hay lại ra nước ngoài? Sau 3 năm, công ty đạt mốc 1 triệu USD thì mới vững tin rằng mình có thể tồn tại và tiến ra biển lớn. Hành trình cứ thế tiếp diễn với các cột mốc 500 triệu USD, 1 tỉ USD và sẽ còn tiếp tục…
Từ những việc ban đầu nhỏ lẻ với 17 con người của FPT Software, đến nay công ty phần mềm có 30.000 người hoạt động ở 30 quốc gia. Câu chuyện outsourcing (gia công) không còn tồn tại khi công ty có những hợp đồng hàng triệu USD cung cấp dịch vụ trọn gói. Hiện tại, 80% doanh thu của công ty đến từ những "khách hàng triệu đô" như thế này. Từ nhà thầu phụ, công ty đã trở thành tổng thầu của nhiều dự án. Từ chuyện chỉ sản xuất chính ở VN thì nay FPT Software đã cung cấp mô hình sản xuất trên toàn cầu; có những dự án triển khai cùng lúc tại 6 nước…
"Tại thị trường Mỹ, phải mất 5 năm hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới mới chấp nhận cho công ty trở thành đối tác cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin. Nhưng sau 10 năm, mọi chuyến bay mà nhiều người từng bay đều có dòng code của người FPT. Chúng tôi cũng cung cấp cả dịch vụ cho hãng máy bay thứ hai là "đối thủ" của hãng này. Đây là điều hiếm hoi vì không có nhiều công ty có thể cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho cả hai công ty sản xuất máy bay hàng đầu thế giới", lãnh đạo FPT chia sẻ.
Năm 2023, FPT lần đầu tiên có khách hàng đạt quy mô doanh số trên 200 triệu USD. Khách hàng này có trụ sở tại Mỹ, là công ty duy nhất trên thế giới cung cấp bộ giải pháp đầy đủ cho nhà phân phối ô tô như hàng tồn kho, tiếp thị, bán hàng, hậu mãi, vận hành... Vượt qua hơn 100 nhà thầu quốc tế, FPT trở thành đối tác chính, tư vấn và cung cấp giải pháp toàn diện, từ nền tảng vận hành doanh nghiệp đến chuyển đổi số quy trình nghiệp vụ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh và tăng tốc thời gian bán lẻ, giúp khách hàng bán hơn 5 triệu xe mỗi năm tại Mỹ và tối ưu chi phí. Tại Malaysia, FPT vượt qua hàng chục đối thủ mạnh như Accenture, IBM, Tech Mahindra… để vào top 3 nhà thầu chính thực hiện các dự án chuyển đổi số, và là nhà cung cấp dịch vụ duy nhất trên nền tảng Microsoft cho tập đoàn dầu khí hàng đầu nước này trong suốt hơn 15 năm qua. Bộ trưởng Truyền thông và Kinh tế số Malaysia đánh giá FPT là nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số cho tập đoàn này nói riêng và Malaysia nói chung…
"Chúng tôi dịch chuyển từ một quốc gia không có ai làm phần mềm và sau 25 năm, VN trở thành nước xuất khẩu phần mềm thứ hai trên thế giới. Nhưng FPT sẽ không dừng ở đây. Khát vọng là mang trí tuệ VN ra nước ngoài, xây dựng FPT trở thành công ty đẳng cấp toàn cầu mới là giấc mơ ban đầu. Quan trọng hiện nay không chỉ có người VN thực hiện sứ mệnh này mà chúng tôi có sự góp sức của hơn 3.000 người nước ngoài với nhiều quốc tịch khác nhau để cùng góp sức với VN", ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc FPT Software, nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Minh Tuấn, gần nhất là cựu CEO người Nhật đầu quân cho FPT Japan đã chia sẻ ông rất háo hức tìm bí kíp vì sao FPT thành công vượt trội ở Nhật? Và vị này đã nhìn rõ sự khác biệt của FPT: Đó là khát vọng, tinh thần máu lửa, quyết chiến ở tất cả nhân viên từ cấp thấp nhất đến cao nhất.
Bên cạnh đó, có 3 chiến lược đã đưa công ty đến sự thành công hôm nay. Thứ nhất là phát triển cân bằng. Nếu như trước đây FPT phụ thuộc nhiều vào Nhật Bản thì giờ phát triển ở Nhật Bản, Bắc Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương nói chung, mỗi thị trường chiếm thị phần 30 - 35% để đảm bảo tăng trưởng và giúp công ty vượt qua giông bão. Kế đến là chiến lược chuyển dịch khách hàng. Từ năm 2018, công ty đưa ra chiến lược "săn cá voi", chỉ tập trung vào khách hàng "doanh thu triệu đô" và giờ có 80% khách hàng mang lại doanh thu triệu USD mỗi năm. Thứ ba là sự đa dạng về nguồn lực, kết hợp sức trẻ, khát vọng của nhân viên VN với sự am hiểu thị trường của chuyên gia bản địa đưa công ty chinh phục khách hàng và sẵn sàng đi săn những hợp đồng tỉ USD.
"Chẳng hạn như khi có sóng thần ở Nhật Bản, người của chúng tôi vẫn tuyên bố ở lại đồng hành cùng khách hàng Nhật. Hay khi có đại dịch Covid-19, cần 300 người ăn ngủ ở công ty thì có hơn ngàn người xung phong ở lại để hỗ trợ khách hàng. Điều đó tạo ra động lực rất lớn để công ty phát triển khi khủng hoảng qua đi. Ở FPT Software, các bạn đặt sứ mệnh đem trí tuệ VN ra nước ngoài cao hơn sinh mệnh", ông Tuấn nhấn mạnh.
Tập đoàn FPT đặt ra mục tiêu đến năm 2030, doanh thu dịch vụ ở thị trường nước ngoài chạm đến con số 5 tỉ USD, nâng cao vị thế trong nhóm doanh nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin tỉ USD trên toàn cầu. Các con số trên chỉ mang tính thời điểm vì theo lãnh đạo tập đoàn, cái quan trọng hơn là hướng đến xây dựng đẳng cấp thế giới.
Theo ông Trương Gia Bình, điều thay đổi quan trọng nhất là nếu như trước đây, FPT luôn phải chủ động đi tìm đối tác, khách hàng thì nay rất nhiều khách hàng, đối tác lớn lại chủ động tìm đến VN và FPT. "Trước đây chúng ta đến xin công việc, giờ là chúng ta đến bàn để làm công việc thế nào cho tốt nhất. Đã đến lúc thế giới cần VN. VN đang trở thành điểm đến mới của thế giới, đã vươn lên số hai thế giới về phần mềm, chỉ sau Ấn Độ", ông Trương Gia Bình khẳng định.
Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA đến Việt Nam tháng 12.2023
Chia sẻ câu chuyện ông Jensen Huang - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nvidia - nói chuyện ở Singapore 40 phút, ở Malaysia 1 tiếng, nhưng khi sang VN, vị tỉ phú này đã dành tới 4 tiếng đồng hồ và còn gọi VN là "quê hương thứ hai", ông Bình cho rằng vị thế của VN đã khác.
Theo Chủ tịch FPT, trước đây cơ hội của tập đoàn là tin học, sau đó là chuyển đổi số và sau nữa là trí tuệ nhân tạo (AI). FPT đang nghiên cứu để tạo ra những siêu máy tính, dữ liệu có thể tăng gấp đôi trong vòng một năm và có thể làm ra nhiều tiền hơn.
FPT trình diễn hệ sinh thái FPT.AI toàn diện cho doanh nghiệp.
"Chúng ta không hiểu được thế giới 10 năm nữa đi như thế nào. Nhưng nếu VN chuyển 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin sang làm trí tuệ nhân tạo thì sẽ đứng hàng đầu thế giới. Trong quá khứ, từ 2013 chúng tôi rẽ nhánh sang chuyển đổi số và đã thành công. Từ giờ có thể chúng ta sẽ đi đầu, đó là tương lai không chỉ của FPT mà là của VN", ông Bình nhấn mạnh.
Để thực hiện mục tiêu tiếp theo, ngay từ bây giờ, FPT đã yêu cầu toàn bộ 7.000 nhân viên phải nghiên cứu AI; có 1.000 người lấy được bằng tư vấn của Nvidia. Theo ông Trương Gia Bình, thế giới có rất nhiều sự thay đổi và đầu tiên là chuyển đổi số. Đó là một cuộc thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống, làm việc, giao tiếp. Vì vậy, mỗi một tổ chức phải chuyển đổi số, doanh nghiệp số, chính quyền số. Ông chỉ ra nhu cầu chuyển đổi số rất lớn và nhiều tập đoàn muốn chọn VN làm digital hub để lan tỏa ra thế giới. Đơn cử như khi đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ô tô sản xuất ở Mỹ bạt ngàn nhưng không xuất xưởng được vì thiếu chip, Mỹ phải suy nghĩ làm thế nào để có chip và trong đó VN được nhắc đến. Sau chuyến thăm vào tháng 9.2023 của Tổng thống Mỹ Joe Biden và quan hệ hợp tác VN - Mỹ được nâng cấp lên tầm cao mới, hai bên đã nhấn mạnh về hợp tác trong công nghệ bán dẫn, chuyển đổi số, năng lượng… Đó là sự dịch chuyển thứ hai rất quan trọng. Thế giới thay đổi như vũ bão và FPT phải thay đổi, vận hành như vũ bão để vẫn đứng trên top đầu.
"Quan trọng là VN có nắm bắt được cơ hội không? Chúng tôi trăn trở, bàn bạc hằng ngày. Cơ hội không chờ đợi mình và không chờ đợi ai. Mình không sẵn sàng, họ sẽ tìm chỗ khác. Đó là thách thức cực kỳ lớn. Ngày nay nhìn thấy cơ hội đến mà mình không làm được quả là tội lỗi. Cần sự bền bỉ, ý chí, không bao giờ bỏ cuộc, cứ thế tiến lên. 25 năm mới có điểm này và cho chúng ta tự tin tiến lên, không nói về con số nữa mà nói đến vị thế trên thế giới", ông Bình nhấn mạnh.
Bình luận (0)